Thay vì nộp hồ sơ xét duyệt thì sắp tới bác sĩ phải thi tuyển để được cấp chứng chỉ hành nghề - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Muốn được cấp chứng chỉ hành nghề (CCHN) bác sĩ (đa khoa, chuyên khoa) đều phải trải qua kỳ thi quốc gia. Chuyện này có mới không? Xin thưa là không, vì kỳ thi này đã được nhiều quốc gia áp dụng để sàng lọc trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ trước khi "đụng" vào người bệnh.
Sẽ còn tốn kém rất nhiều giấy mực để bàn luận về phương thức tổ chức và giám sát thi tuyển. Thế nhưng, đề xuất này được Bộ Y tế đưa ra thu hút rất nhiều sự ủng hộ của các chuyên gia nhìn từ góc độ đào tạo, hội hành nghề y, bác sĩ và sinh viên.
Đặc biệt, trong bối cảnh chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của ngành y đang bị "soi" thì đề xuất này được xem như là "phép thử" cần thiết.
Vậy "phép thử" này được dùng để thử những đối tượng nào? Trước tiên, đó chính là các cơ sở đào tạo ngành y. Một thực tế hiện nay là có rất nhiều cơ sở đào tạo y khoa nhưng chất lượng đầu vào, chất lượng đào tạo và chất lượng đầu ra lại khá chênh lệch, thiếu đồng nhất. Chưa kể để có nguồn đào tạo, điểm thi vào các ngành y ngày càng được nới lỏng theo hướng "hạ thấp chuẩn mực" cần thiết.
Nhờ thông qua việc thi tuyển, có thể "chấm điểm" được chất lượng đào tạo cao hay thấp của các trường. Nơi nào đào tạo yếu kém, chỉ chú trọng chỉ tiêu tuyển sinh mà không nâng chất tuyển sinh bấy lâu nay ắt sẽ "lộ".
Kế đến, "phép thử" này trực tiếp dành cho các bác sĩ đa khoa, chuyên khoa - những người thầy thuốc tương lai nắm trong tay sinh mạng người bệnh. Bởi thực tế lâu nay, việc cấp CCHN chỉ mang tính chất "thủ tục hành chính", có xin có cho.
Do đó không đánh giá năng lực chuyên môn và từ đó để "lọt sàng" nhiều người được cấp CCHN nhưng không có đủ năng lực chuyên môn, các kỹ năng y khoa tối thiểu để hành nghề khám chữa bệnh. Nếu muốn vượt qua "phép thử" này, không còn cách nào khác, chính những người bác sĩ phải ý thức được việc "học thật, thi thật".
Và sẽ không còn như trước đây khi CCHN được cấp có thời hạn 5 năm thay vì cấp vô thời hạn. Những bác sĩ có trong tay CCHN sẽ không còn "ngủ quên" với tâm lý hành nghề suốt đời. Đổi lại, để tồn tại họ phải tự nâng cấp bản thân bằng việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục, ắt hẳn bớt đi những sự cố y khoa đáng tiếc.
Nói như ông Nguyễn Huy Quang - vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - thì sản phẩm đào tạo phản ánh thực chất chất lượng hành nghề khám chữa bệnh. Khi mỗi một bác sĩ có CCHN được đào tạo chuyên sâu và được thi tuyển chắc chắn kỹ năng thực hành y khoa sẽ được kiểm chứng. Lúc ấy, chất lượng khám chữa bệnh sẽ tốt hơn và đương nhiên người bệnh sẽ được an toàn hơn trong điều trị bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận