26/07/2019 11:21 GMT+7

Muốn hành nghề y, phải thi lấy chứng chỉ

HOÀNG LỘC thực hiện
HOÀNG LỘC thực hiện

TTO - Để được hành nghề khám chữa bệnh, cả bác sĩ đa khoa và chuyên khoa sẽ phải trải qua một kỳ thi quốc gia, nếu đủ điều kiện mới được cấp chứng chỉ hành nghề.

Muốn hành nghề y, phải thi lấy chứng chỉ - Ảnh 1.

Sinh viên trường y trong giờ thực hành - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong đề xuất mới đây của Bộ Y tế. Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, ông NGUYỄN HUY QUANG - vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - nói:

"Hiện nay đào tạo y khoa của nước ta có những điểm bất cập so với nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả so với các nước trong khu vực như Lào và Campuchia. Ở các quốc gia này để được cấp chứng chỉ hành nghề (CCHN), bác sĩ đều phải vượt qua một kỳ thi quốc gia để đánh giá các kỹ năng thực hành y khoa nhằm hạn chế được tối đa các sai sót chuyên môn, đồng thời đảm bảo việc khám chữa bệnh (KCB) chất lượng, an toàn cho người bệnh".

Đã đến lúc chúng ta phải hướng đến yếu tố hội nhập. Bởi nếu muốn có một sự “thừa nhận lẫn nhau” giữa các quốc gia về CCHN y, bắt buộc chúng ta phải có mô hình đào tạo tương đồng.

Phải thi

* Ông vừa nhắc đến "những điểm bất cập" trong việc cấp CCHN y hiện nay...

- Đúng như vậy. Ở nước ta từ trước đến nay để được cấp CCHN, bác sĩ y khoa (đào tạo 6 năm) chỉ cần thực hành thêm 18 tháng tại các cơ sở y tế. Còn y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh và kỹ thuật viên... sau khi đào tạo chỉ cần thực hành 9 tháng.

Việc cấp CCHN KCB là biện pháp bắt buộc nhằm kiểm soát chất lượng hành nghề phù hợp với kiến thức và kỹ năng được đào tạo.

Tuy nhiên điều kiện cấp CCHN hiện nay, theo quy định của Luật KCB, chủ yếu dựa trên việc xem xét về thủ tục hành chính như hồ sơ, giấy tờ văn bằng, chứng chỉ... do cơ sở đào tạo cấp, kèm theo giấy xác nhận thời gian thực hành tại cơ sở KCB.

Chứng chỉ này hoàn toàn không dựa trên việc đánh giá năng lực chuyên môn thông qua kỳ thi quốc gia như nhiều nước đang thực hiện. Do đó, chưa thể đánh giá toàn diện người được cấp CCHN có đủ năng lực chuyên môn, các kỹ năng y khoa tối thiểu để thực hiện KCB hay không.

* Như vậy có thể hiểu là cả bác sĩ đa khoa và bác sĩ chuyên khoa, nếu muốn hành nghề đều phải thi tuyển thay vì chỉ thực hành như trước đây?

- Đúng vậy. Với một bác sĩ chuyên khoa họ lần lượt được đào tạo bác sĩ y khoa (6 năm) và bác sĩ chuyên khoa (3 năm). Tất cả là 9 năm và trải qua một kỳ thi để được cấp CCHN.

Tương tự, với một bác sĩ đa khoa (đào tạo 6 năm), nếu không có nhu cầu học lên chuyên khoa họ cũng phải thi để đánh giá mới cấp CCHN thay vì chỉ thực hành như trước đây. Tất nhiên với chứng chỉ này họ chỉ được giới hạn hành nghề ở tuyến cơ sở với một số mặt bệnh đơn giản.

* Có thể hình dung hình thức thi tuyển cấp CCHN y sẽ được Bộ Y tế tổ chức như thế nào, thưa ông?

- Phải khẳng định thi để cấp CCHN y đang là một xu thế chung của thế giới, chúng ta không thể nằm ngoài cuộc. Tuy vậy muốn thực hiện phải có một lộ trình chặt chẽ bởi liên quan đến bộ đề thi cho bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh và cách thức tổ chức thi.

Theo dự kiến sau khi Luật KCB sửa đổi, bổ sung được ban hành, nếu sớm nhất thi tuyển có thể được áp dụng cho khóa đào tạo tuyển sinh ngành y vào năm 2021.

Hiện nay Bộ Y tế đang nghiên cứu phương thức thi phù hợp. Có thể tổ chức thi ở các khu vực được Bộ Y tế ủy quyền hoặc hội đồng y khoa độc lập. Bác sĩ phải đến trực tiếp làm bài lý thuyết trực tuyến, còn thực hành sẽ được thực hiện trên người hoặc mô hình.

Tất cả các khâu từ bộ phận ra đề, quản lý thi và chấm điểm đều đảm bảo cơ chế giám sát, kiểm soát chặt chẽ. Tôi đánh giá vấn đề ở đây không phải là đề thi khó hay dễ. Mà thông qua thi cử giúp chúng ta có thể sàng lọc, nâng cao chất lượng đầu ra của các bác sĩ hành nghề KCB.

* Một thực tế hiện nay là có rất nhiều cơ sở đào tạo y khoa nhưng chất lượng đào tạo và chất lượng đầu ra lại khá chênh lệch. Và để có nguồn đào tạo, đầu vào ngành y của một số trường cũng được "nới lỏng"...

- Ở các nước khi việc thi tuyển cấp CCHN thực hiện trơn tru, họ có thể "chấm điểm" để xếp hạng chất lượng đào tạo của các trường. Từ việc xác định tỉ lệ đậu CCHN cao - thấp, họ định hướng được sự cạnh tranh giữa các trường một cách lành mạnh. Và cuối cùng sự quyết định vẫn là ở người học...

Còn ở nước ta việc đào tạo ngành y đều do Bộ GD-ĐT kiểm định chất lượng giáo dục (chương trình đào tạo, giảng viên, thực hành...).

Bộ Y tế không được phép giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên vừa qua Luật giáo dục đại học sửa đổi có chú trọng đổi mới đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực y tế. Qua đó việc kiểm định chất lượng giáo dục được giao cho Bộ Y tế thiết kế các chương trình học và thực hành... Hi vọng chất lượng ngày càng được nâng cao.

* Vấn đề y đức có được coi trọng đưa vào thi tuyển không, thưa ông?

- Với người hành nghề y bao giờ cũng phải hội đủ 3 yếu tố y đức - y đạo - y thuật. Trong đó y đức là đạo đức nghề nghiệp, y đạo là hành nghề phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật và y thuật là kỹ năng thực hành y khoa. Đây được coi là điều kiện cần và đủ của một người thầy thuốc.

Muốn hành nghề y, phải thi lấy chứng chỉ - Ảnh 3.

Bác sĩ Bệnh viện An Sinh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) trong một ca phẫu thuật - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sẽ không còn "vô thời hạn"

* Nhiều người dí dỏm nói: "Cầm tiền thì sợ tiền rơi, cầm tờ A4 đời đời ấm no", ngụ ý nói về việc CCHN y ở nước ta có giá trị vô thời hạn. Ông bình luận gì về điều này?

- Đa số các nước, CCHN chỉ được cấp trong thời hạn 5 năm. Thời hạn này đòi hỏi người hành nghề phải liên tục cập nhật kiến thức y khoa, giữ được y đức, tránh để xảy ra sai sót về mặt chuyên môn...

Nếu vi phạm họ sẽ bị thu hồi CCHN. Còn nước ta là một trong số rất ít quốc gia cấp CCHN suốt đời. Khi một người được cấp chứng chỉ vô thời hạn, không qua thi tuyển họ sẽ "yên tâm hành nghề suốt đời". Chính vì tâm lý này khiến "tiêu chuẩn sức khỏe" của chính bác sĩ KCB được bỏ qua và hơn hết họ không chịu học tập nâng cao trình độ.

Tôi thấy rằng nếu cứ để một người hành nghề "vô thời hạn" như thế, rõ ràng chỉ có "chủ nghĩa kinh nghiệm", họ không được cập nhật kiến thức. Điều này dẫn đến kỹ năng thực hành y khoa giảm sút gây nguy hiểm cho người bệnh. CCHN sắp tới chỉ có thời hạn 5 năm như đa số các quốc gia khác.

Giới hạn này cảnh báo cho các bác sĩ hành nghề y biết được cái "ngưỡng" chuyên môn của mình. Từ đó tự động cập nhật kiến thức y khoa để tồn tại. Đặc biệt trong các trường hợp sai sót chuyên môn, kỹ thuật y khoa được ghi nhận bắt buộc phải học và thi lại.

* Thời gian gần đây liên tục xảy ra các sự cố y khoa đáng tiếc. Theo ông, đây có phải xuất phát từ việc người hành nghề y được cấp CCHN quá dễ dàng...

- Chưa hẳn như vậy. Các sự cố này có thể đến từ việc bác sĩ chưa có kinh nghiệm xử lý. Cũng như các ngành nghề khác, những người học ngành y mới bước vào nghề không tránh khỏi việc non kinh nghiệm. Và muốn tích lũy kinh nghiệm cần đòi hỏi trải qua nhiều thời gian và được thực hành trên nhiều mặt bệnh khác nhau.

Ngoài vấn đề chuyên môn, các sự cố còn xuất phát từ việc sai quy trình. Như vụ khoan nhầm cẳng chân vừa qua. Đó là phải kiểm tra bệnh nhân, từ đó có các bản vẽ vị trí xử lý. Nhưng do chủ quan, bỏ qua quy trình nên để xảy ra các hậu quả đáng tiếc.

* Vậy người bệnh được gì từ đề xuất này, thưa ông?

- Sản phẩm đào tạo phản ánh thực chất chất lượng hành nghề KCB. Khi một bác sĩ có CCHN được đào tạo chuyên sâu, chắc chắn kỹ năng thực hành y khoa sẽ được nâng cao. Lúc đó chất lượng KCB tốt hơn và đương nhiên người bệnh sẽ được an toàn hơn trong điều trị bệnh.

Các nước đào tạo nghề y như thế nào?

Ở Mỹ, sinh viên ngành y phải mất từ 11-14 năm đào tạo mới có thể trở thành bác sĩ chính thức hành nghề. Chương trình đào tạo bác sĩ y khoa ở Mỹ chia làm ba giai đoạn. Trong đó ĐH 4 năm, trường y 4 năm và chuyên khoa từ 3 - 7 năm tùy vào từng chuyên ngành.

Còn ở Pháp, quá trình học tập để trở thành bác sĩ trải qua các kỳ kiểm tra vô cùng khắt khe. Chương trình đào tạo được chia làm 3 giai đoạn gồm đào tạo cơ bản 2 năm, chuyên ngành 4 năm và giai đoạn 3 sinh viên có hai sự lựa chọn.

Nếu trở thành bác sĩ y khoa thông thường phải đào tạo tiếp 2 năm và nếu muốn trở thành chuyên gia y tế chuyên sâu phải mất thêm 4-5 năm đào tạo.

Ở Singapore, chương trình đào tạo cử nhân ngành y tương đương nước ta, khoảng 4-6 năm (tùy chuyên ngành). Tuy nhiên để trở thành bác sĩ được cấp CCHN bác sĩ phải mất thêm khoảng 3 năm đào tạo.

Ông Tạ Thành Văn (hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội):

Băn khoăn chuẩn đầu ra

untitled-1 copy

Ông Tạ Thành Văn

Thế giới đã tổ chức kỳ thi để lấy CCHN y từ lâu rồi, ở nước ta, quan điểm của tôi là phải có kỳ thi này. 10 năm trước tôi sang Mỹ, họ cho biết họ giao việc tổ chức thi cho nhiều đơn vị, có thể là hội nghề nghiệp tổ chức, họ mời nhiều chuyên gia và bí mật danh tính chuyên gia, nhóm này cũng được thay đổi hằng năm nên không e ngại có chuyện lộ bí mật đề thi.

Trường chúng tôi hiện đã tổ chức thi trắc nghiệm tất cả các môn, mỗi môn có hàng chục ngàn câu hỏi, ngân hàng câu hỏi cho kỳ thi rất nhiều, nhưng tôi băn khoăn một vấn đề là chuẩn đào tạo đầu ra của các trường ĐH y là chưa đồng nhất, Y Hà Nội khác, Y Thái Bình khác, Y Thái Nguyên khác.

Vì vậy khi thực thi nên có lộ trình cho các cơ sở đào tạo ở vùng sâu vùng xa, hay thí sinh cử tuyển đào tạo cho vùng sâu, nếu không để thi cùng nhau thì các thí sinh này sẽ khó. Bởi nếu đã coi đây là một barie chung, thì khi chuẩn đầu ra của các trường chưa đồng đều, thì hoặc là khó cho thí sinh, hoặc là khó cho các trường.

Ông Nguyễn Ngô Quang (phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo - Bộ Y tế):

Sẽ tiến hành thí điểm từ 2021

ngô quang 2(read-only)

Ông Nguyễn Ngô Quang

Đầu tuần tới chúng tôi sẽ tổ chức cuộc hội thảo với chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới và Hàn Quốc, khởi động việc xây dựng ngân hàng câu hỏi cho kỳ thi quốc gia này. Đây là một phần của dự án đổi mới đào tạo y khoa ở VN.

Hiện nay nhân viên y tế được cấp CCHN dựa trên hồ sơ, chưa có cơ quan đánh giá năng lực thực tế, trong khi các bác sĩ tốt nghiệp dựa trên kỳ thi của trường, mà trường lại chưa được thẩm định do chưa có cơ quan độc lập kiểm định chất lượng.

Chính vì vậy, kỳ thi quốc gia sẽ là thước đo và là cơ sở đánh giá chất lượng đào tạo y khoa của cả các trường công lập và dân lập. Dự kiến khi Chính phủ cho phép thì sau năm 2021 sẽ bắt đầu tiến hành thí điểm kỳ thi quốc gia, tiến tới mở rộng. Lộ trình này cũng phù hợp với tiến trình sửa đổi Luật KCB.

Hoàng Thanh Tuấn (bác sĩ đa khoa vừa tốt nghiệp 2019):

Tăng thời gian thực hành lâm sàng

20190725095012_img_7720-01 2(read-only)

Hoàng Thanh Tuấn

Nhìn chung sinh viên y khoa học 6 năm kỹ năng lâm sàng vẫn còn rất hạn chế, chưa thể làm được nhiều nếu về một chuyên khoa nào đó.

Do đó, tôi rất đồng tình với đề xuất đào tạo 9 năm với bác sĩ chuyên khoa. Nhưng chương trình đào tạo phải đảm bảo sau khi học xong tất cả sinh viên ở các trường y có trình độ như một bác sĩ chuyên khoa thực sự.

Trong đó, thời gian 3 năm học chuyên sâu cần đảm bảo cho bác sĩ được thực hành lâm sàng tại các bệnh viện dưới sự quản lý, kiểm tra và đánh giá của nhà trường, bệnh viện. Một kỳ thi chung chuẩn đầu ra thực sự cần thiết để đảm bảo năng lực đào tạo của trường và sự công bằng giữa các bác sĩ.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1):

Bộ không nên "ôm" hết việc thi tuyển

dp_bs huukhanh 2(read-only)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Đề xuất hành nghề y phải thông qua thi tuyển mới được cấp CCHN là đúng, cần phải được thực hiện. Tuy nhiên trong lộ trình thực hiện, theo tôi, cần phải xác định rõ một số vấn đề. Thứ nhất liệu có nên áp dụng đồng loạt phải học sau 9 năm với tất cả các nhóm ngành hay không. Bởi như thế chắc chắn gây ra không ít khó khăn, trong đó tình trạng không có bác sĩ chữa bệnh.

Thứ hai cần xác định nội dung thi cho từng đợt, trường hợp đến hạn cấp lại CCHN không nên bắt bác sĩ thi lại từ đầu. Thứ ba Bộ Y tế không nên "ôm" hết để ra một đề chung mà cần giao nhiệm vụ cho một số bệnh viện lớn đầu ngành hoặc các hội (nhi, sản, ngoại...) ra đề theo từng nhóm ngành phù hợp với trình độ, chuyên môn.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng (phó chủ tịch thường trực Hội hành nghề y tư nhân - Sở Y tế TP.HCM):

Không tự hạ chuẩn mực

3466005nghuutung 2(read-only)

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng

Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất thi cấp CCHN. Bởi thông qua kỳ thi giúp thẩm định được bác sĩ đó có đủ khả năng KCB hay không. Sâu xa hơn đây được xem như là "phép thử" nhằm kiểm tra lại chất lượng đào tạo của các trường ĐH y khoa.

Nếu trường nào "rớt" nhiều chứng tỏ chất lượng đào tạo không đảm bảo và bác sĩ ấy chưa đủ khả năng KCB cho người bệnh. Vấn đề ở đây là tổ chức thi và chương trình thi như thế nào.

Theo tôi, để kiểm soát việc thi được khách quan cần có một hội đồng độc lập thẩm định. Hình thức thi tuyển cấp CCHN nên thực hiện qua mạng để tránh tốn kém thời gian, tiền bạc.

Hiện nay nhu cầu bác sĩ của xã hội rất lớn. Nhưng không vì thế mà chúng ta xem nhẹ việc nâng chất lượng đào tạo, tự nới lỏng, "hạ chuẩn mực" cần thiết để đạt nhu cầu. Nên hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh mà chú trọng nâng chất tuyển sinh.

L.ANH - H.LỘC ghi

Nghề giáo cũng nên có Nghề giáo cũng nên có 'chứng chỉ hành nghề' như ngành y

TTO - Góp ‎ý dự án Luật giáo dục (sửa đổi), có ‎ý kiến đề xuất cần có quy định trong luật về việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với ngành giáo dục để chấn chỉnh việc vi phạm đạo đức nhà giáo.

HOÀNG LỘC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên