05/01/2015 09:57 GMT+7

​Phẫu thuật thành công ca bệnh tim hiếm gặp

MY LĂNG - MINH PHƯỢNG
MY LĂNG - MINH PHƯỢNG

TT - Bệnh nhi N.T.T.A., được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM từ bệnh viện tỉnh khi mới 3 tháng tuổi.

“Bé nhập viện trong tình trạng toàn thân tím đen, mặc dù trước khi vào bệnh viện tỉnh bé chỉ bị ngất hai lần” - bác sĩ Nguyễn Đức Tuấn,  phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Nhi đồng 1 và cũng là phẫu thuật viên chính, cho biết.

“Sau nhập viện một giờ, bệnh nhi được đặt ống nội khí quản. Lúc này tình trạng của bé rất nguy hiểm vì độ bão hòa oxy trong máu (SPO2) đã xuống quá thấp, chỉ còn 62%” - bác sĩ Tuấn nhớ lại.

Vì thể trạng bệnh nhi này quá yếu, hai ngày sau các bác sĩ mới chụp CT mạch máu.

“Từ kết quả CT, chúng tôi nhận thấy đây là một ca rất khó và hiếm gặp: Bé bị cửa sổ phế chủ type III (phức tạp nhất) kèm theo đứt đoạn cung động mạch chủ type A và viêm xẹp phổi hai bên rất nặng”.

Theo kinh nghiệm công tác lâu năm trong nghề, bác sĩ Tuấn cho biết cửa sổ phế chủ nằm trong nhóm bệnh tim bẩm sinh với tần suất chỉ chiếm 0,15%.

Cửa sổ phế chủ kết hợp đứt đoạn cung động mạch chủ được ghi nhận trên thế giới lại không nhiều. Y văn gọi đây là hội chứng Berry (hội chứng làm tăng áp động mạch phổi cũng như suy tim nhanh và nặng).

Các bác sĩ đã cân nhắc cẩn thận và quyết định sẽ phẫu thuật cho bé vì “dù phẫu thuật sẽ nguy hiểm nhưng vẫn có hi vọng”.

Ngày 9-12-2014, ca phẫu thuật cho bệnh nhi 3 tháng tuổi này được tiến hành, kéo dài suốt bảy giờ. Các bác sĩ phải sửa chữa, tạo hình lại hoàn toàn cung mạch chủ đồng thời tách hệ động mạch phổi ra khỏi hệ động mạch chủ của bệnh nhi.

“Sau chín ngày, bé đã rút được ống giúp thở, uống được sữa và tỉnh táo hoàn toàn” - bác sĩ Tuấn vui mừng kể và cho biết khoảng một tuần nữa bé có thể xuất viện.

Bác sĩ Nguyễn Đức Tuấn cho biết đây là lần đầu tiên Bệnh viện Nhi đồng 1 phẫu thuật thành công và cứu sống được bệnh nhân đối với loại bệnh hiếm gặp này.

Bác sĩ Tuấn cũng lưu ý dấu hiệu của loại bệnh này vì “ban đầu bệnh nhân vẫn hồng hào bình thường. Chỉ đến lúc viêm phổi, suy tim nhanh và nặng thì cơ thể bệnh nhân mới tím tái”.

Theo bác sĩ Tuấn, để cứu sống được những bệnh nhân mắc bệnh hiếm này thì quan trọng nhất là việc lựa chọn thời điểm phẫu thuật phù hợp kết hợp quan tâm, theo dõi các vấn đề sau phẫu thuật để có biện pháp xử lý kịp thời.

MY LĂNG - MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên