11/07/2018 15:18 GMT+7

Phát triển nóng và 'chảy máu' di sản ở Hội An

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Các di sản thế giới ở Việt Nam như Hội An, Hạ Long đang đối diện với nguy cơ đánh mất tính nguyên vẹn do phát triển du lịch nóng.

Phát triển nóng và chảy máu di sản ở Hội An - Ảnh 1.

Phố cổ Hội An nhìn từ trên cao. Nhiều nhà đầu tư bên ngoài mua, chuyển nhượng nhà cửa đất đai trong vùng lõi ở Hội An - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Do đó, những bài học về các di sản bị UNESCO rút danh hiệu vì không giữ được tính nguyên vẹn chưa bao giờ cũ.

Trong ngày thứ hai diễn ra hôm qua 10-7 của hội thảo quốc tế về di sản thế giới và phát triển bền vững ở TP Hạ Long, Quảng Ninh, các chuyên gia trong và ngoài nước chung nhận định phải đặt yếu tố người dân địa phương ở vị trí trung tâm bởi vì di sản chỉ được bảo tồn bền vững khi nó gắn bó trực tiếp với lợi ích của cộng đồng và hai phía có sự gắn kết hữu cơ với nhau.

Hội An là một di sản sống, yếu tố về cộng đồng đóng vai trò hết sức quan trọng vì cộng đồng là người trực tiếp quản lý di sản của mình và đạt được mục tiêu bảo tồn phát triển

Ông NGUYỄN CHÍ TRUNG (giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An)

Hội An đang mất dần giá trị cộng đồng

Tại hội thảo, TS Robyn Bushell (nghiên cứu di sản và du lịch, ĐH Tây Sydney, Úc) và ThS Phạm Thị Thanh Hường (VP UNESCO tại Việt Nam) cùng trình bày một nghiên cứu chung, trong đó cho rằng Việt Nam là một quốc gia điển hình ở Đông Nam Á, nơi các cộng đồng địa phương sống trong phần lớn các khu di sản thế giới và chứng kiến làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào du lịch trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu này, người dân địa phương đã không được thụ hưởng xứng đáng những lợi ích mà phát triển du lịch đem lại.

Nghiên cứu chỉ ra tại Hội An, du lịch tạo ra khoảng 67% GDP địa phương, trong đó tính riêng từ bán vé trong khu vực vùng lõi là 7,8 triệu USD năm 2016.

Mặc dù người dân địa phương được cải thiện về việc làm, giáo dục và mức sống nói chung, một nhóm khá nhỏ được hưởng phần lớn lợi ích, và phần lớn trong nhóm này không phải là người Hội An.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Chí Trung - giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An - cho biết quan điểm chung về di sản đều hướng tới trách nhiệm cộng đồng, vai trò của Nhà nước chỉ là đưa ra chính sách, biện pháp quản lý di sản.

Hiện có ý kiến cho rằng đang có hiện tượng "chảy máu" di sản ở Hội An khi những nhà đầu tư bên ngoài mua, chuyển nhượng nhà cửa đất đai trong vùng lõi ở Hội An, làm mất đi những giá trị cộng đồng của di sản Hội An.

Bình luận về ý kiến này, ông Nguyễn Chí Trung nói: "Hội An là một di sản tư nhân do nhiều cá nhân làm chủ bởi khoảng 90% ngôi nhà trong Hội An là thuộc sở hữu tư nhân.

Do đó, chuyện thay đổi sở hữu là quy luật tất yếu của quá trình phát triển. Tuy nhiên, chính quyền đã tạo điều kiện cho những chủ mới trở thành những người chủ thực sự, gắn bó với Hội An".

Trình bày quan điểm độc lập, TS Russell Staiff (ĐH Tây Sydney) cho rằng du lịch tác động sâu sắc đến văn hóa và cả xã hội. Do đó khi nói về du lịch cộng đồng, chúng ta cần phải thấy người dân địa phương tham gia vào phát triển du lịch và người dân cũng hoan nghênh du khách đến với họ để tìm hiểu về di sản và tương tác với họ.

Phải bảo đảm người dân địa phương được hưởng lợi

Một trong những biện pháp mà chính quyền Hội An và Huế khuyến khích người dân tham gia bảo vệ di sản chính là đảm bảo lợi ích cho người dân. Chẳng hạn ở Hội An, ngoài thu lợi một phần từ tiền bán vé và các hoạt động kinh doanh như nhà hàng, quán cà phê...; những người chủ tư nhân của các di tích ở phố cổ cũng được Nhà nước hỗ trợ kinh phí trùng tu nhà cửa.

"Dù các ngôi nhà ở Hội An đa số thuộc sở hữu của tư nhân nhưng chính quyền vẫn hỗ trợ các hộ tu bổ, trung tu từ 50-70% tổng số tiền đầu tư" - ông Trần Văn Tân, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nói.

Trong khi đó ở Huế, theo ông Phan Thanh Hải - giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, khác với Hội An, di tích cố đô Huế không thuộc sở hữu của tư nhân.

Do vậy, để khuyến khích người dân tham gia bảo tồn di sản, trung tâm đã có chính sách ưu đãi như miễn phí cho học sinh bậc phổ thông, giảm giá cho nhân dân địa phương, các đoàn sinh viên...

Bà Hoàng Thị Hoa - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho biết di sản văn hóa và di sản thiên nhiên là những tài nguyên du lịch và muốn phát triển bền vững những tài nguyên này thì phải bảo đảm người dân địa phương được hưởng lợi, không mất việc làm.

"Chúng ta phải đặt con người là trọng tâm, lấy văn hóa và thiên nhiên để phát triển, đặc biệt là phát triển những vùng vệ tinh xung quanh các khu di sản, như tại ngôi làng Triêm Tây ở tỉnh Quảng Nam như nghiên cứu của TS Robyn và ThS Phạm Thị Thanh Hường. Chúng ta phải đảm bảo người dân địa phương có thể làm giàu từ những gì họ đang có" - bà Hoa đúc kết.

Không chỉ dinh Thượng Thơ, bảo vệ di sản cần hệ thống và lâu dài Không chỉ dinh Thượng Thơ, bảo vệ di sản cần hệ thống và lâu dài

TTO - Sau hai ngày phát hành bản kiến nghị bảo tồn dinh Thượng Thơ của nhóm trí thức trẻ thông qua mạng xã hội, đã có hơn 3.000 chữ ký bày tỏ ủng hộ.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên