15/12/2014 09:52 GMT+7

Phát triển kinh tế tư nhân để tăng nội lực

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
CẦM VĂN KÌNH thực hiện

TT - Phát triển doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân là mục tiêu đã được khẳng định của Chính phủ.

TS Hồ Sỹ Hùng - Ảnh: Nguyễn Khánh
TS Hồ Sỹ Hùng - Ảnh: Nguyễn Khánh

Có nhiều báo cáo và số liệu thống kê cho thấy vai trò ngày càng tăng của khu vực tư nhân đối với sự phát triển kinh tế VN.

Tại hội nghị Đối tác phát triển (VDPF) mới đây, các nhà tài trợ cũng đã đề xuất kế hoạch hành động phát triển kinh tế tư nhân.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Hồ Sỹ Hùng, cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch - đầu tư, khẳng định chủ trương phát triển khu vực tư nhân đang được thực hiện và cho biết thêm nhiều định hướng chính sách:

- Khi Chính phủ đã xác định chuyển sang cơ chế thị trường thì khu vực này sẽ ngày càng có vai trò quyết định trong phát triển kinh tế. Do vậy, việc hỗ trợ, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển là định hướng tất yếu trong thời gian tới.

Cần có luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tạo bước phát triển mới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tôi tin với quyết tâm của Chính phủ, nếu ban hành được Luật hỗ trợ DNNVV, các quỹ được tổ chức hoạt động tốt thì DNNVV của VN sẽ có bước phát triển mới, khu vực tư nhân VN sẽ mạnh lên, cạnh tranh tốt hơn và phát triển được, tăng nội lực nền kinh tế VN trong điều kiện hội nhập sắp tới.

Tất nhiên, việc hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân không thể trông chờ vào một cơ quan, một quỹ hay một luật mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống, bản thân các doanh nghiệp cũng phải nỗ lực và quyết tâm đổi mới, sáng tạo mới có thể thành công.

* Nhưng thực tế việc phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều tư tưởng khác nhau. Tới đây, việc hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân sẽ theo hướng nào, thưa ông?

- Thứ nhất, để khu vực kinh tế tư nhân phát triển, điều quan trọng hàng đầu là Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh để họ mạnh dạn, tự tin kinh doanh.

Thứ hai, cần có những hành động cụ thể tiếp sức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Thứ ba, cần tiếp tục thúc đẩy cải cách, nâng hiệu quả khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Làm sao để có sự kết nối, để doanh nghiệp nhà nước lớn có thể kéo thêm các DNNVV, rồi giảm tỉ lệ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước tại lĩnh vực, địa bàn Nhà nước không cần nắm giữ, tư nhân hoạt động hiệu quả hơn, để khu vực tư nhân lớn lên và đóng góp cho nền kinh tế.

* Trong chương trình hành động hay các chính sách, việc phát triển kinh tế tư nhân của VN hiện nay chủ yếu là tập trung hỗ trợ khu vực DNNVV?

- DNNVV chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp ở VN. Các DNNVV cũng là đối tượng năng động, hiệu quả. Nhiều quốc gia, đặc biệt là khối APEC, ASEAN đều coi phát triển DNNVV là động lực phát triển kinh tế.

Do đặc điểm là nhỏ và vừa nên đối tượng này thường gặp nhiều khó khăn, nhất là về vốn, thương hiệu, công nghệ, đối tác, thị trường, thông tin, nhân lực...

Vì vậy, cần tập trung hỗ trợ DNNVV. Ngay các nước có khu vực DNNVV rất mạnh như Nhật và Hàn Quốc vẫn có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho DNNVV.

* Kế hoạch hành động phát triển kinh tế tư nhân đưa ra tại hội nghị Đối tác phát triển có đề cập việc xây dựng Luật hỗ trợ DNNVV. Dự luật này sẽ có những định hướng gì để phát triển được DNNVV?

- Việc ưu tiên phát triển DNNVV nếu so với các nước trong khu vực thì mức độ hỗ trợ của VN còn ở mức thấp.

Để giải quyết, Chính phủ đã có nhiều giải pháp, trong đó giải pháp cơ bản theo chúng tôi là cần xây dựng Luật hỗ trợ DNNVV. Nó sẽ khẳng định trách nhiệm, nghĩa vụ của các bộ ngành, chính quyền địa phương.

Khác với cách hiểu hiện nay là nên hỗ trợ, còn làm như thế nào, mức độ, cơ chế ra sao thì tùy sự năng động và quyết liệt của lãnh đạo mỗi nơi. Luật sẽ quy định nghĩa vụ và cơ chế hỗ trợ, giao trách nhiệm cho từng cấp để hỗ trợ DNNVV.

Nếu như luật này cũng quy định để từng cơ quan phải lập kế hoạch, cân đối kinh phí và có hệ thống tổ chức hỗ trợ cụ thể cho DNNVV. Luật cũng làm rõ thêm đối tượng Nhà nước sẽ hỗ trợ, tránh tràn lan.

* Hiện đã có nghị định hỗ trợ DNNVV nhưng phải chăng chưa đạt được hiệu quả nên phải soạn luật?

- Theo quan điểm của chúng tôi, việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi là nghĩa vụ của Nhà nước để các thành phần kinh tế kinh doanh, nộp thuế, phát triển kinh tế quốc gia.

Đúng là chúng ta đã có nhiều chính sách, nghị quyết về hỗ trợ DNNVV, nhưng thực tế quy mô chưa lớn, hiệu quả đem lại chưa nhiều, mục tiêu và đối tượng tản mát.

Đang có nhiều mục tiêu, nhiều chương trình, có cái được lồng ghép... nên nguồn lực chưa cân đối, chưa chung một đích. Do đó cần xây dựng luật để tạo hành lang pháp lý thống nhất.

Chúng tôi đang hoàn tất đề xuất, dự kiến ngay tháng 12-2014 sẽ đưa sang Bộ Tư pháp thẩm định để trình Chính phủ đề nghị Quốc hội đưa vào chương trình làm luật trong năm 2015.

Lập các đầu mối hỗ trợ

* Hiện nay việc hỗ trợ DNNVV nhiều địa phương đã làm nhưng hiệu quả chưa cao. Luật có tính ban hành đầu mối cụ thể để tránh chính sách thì hay nhưng thực hiện lại thiếu đủ thứ?

- Đúng là có luật rồi nhưng không có thiết chế để thực hiện thì chính sách sẽ khó đi vào cuộc sống. Bộ Kế hoạch - đầu tư đã soạn thảo đề án và đã trình Thủ tướng xem xét hình thành hệ thống các đầu mối - trung tâm hỗ trợ DNNVV tại địa phương, bao gồm cả đề xuất đầu tư cho các tổ chức này.

Dự kiến trung tâm này sẽ trực thuộc các sở kế hoạch - đầu tư. Đây sẽ là đầu mối liên kết với các tổ chức có tính chuyên ngành khác như hỗ trợ về công nghệ, pháp lý... để cùng hỗ trợ DNNVV.

Tất nhiên, theo kinh nghiệm các nước, trung tâm hỗ trợ DNNVV này phải do nhà nước thành lập và chi phí thực hiện dịch vụ hỗ trợ phải được nhà nước đảm bảo một phần. Tuy nhiên, về lâu dài các tổ chức này phải tự cân đối thu chi, nâng chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ để lấy nguồn thu.

* Một trong những cơ chế để phát triển kinh tế tư nhân, tăng hỗ trợ DNNVV được nêu là thành lập quỹ DNNVV. Như vậy sẽ có thêm một quỹ?

- Hiện nay chúng ta đã có các quỹ bảo lãnh DNNVV để giúp doanh nghiệp chưa đủ tài sản thế chấp được bảo lãnh để tiếp cận vốn.

Tuy nhiên, tác dụng của quỹ chưa rõ rệt. Để hỗ trợ tốt hơn DNNVV, Bộ Kế hoạch - đầu tư đã đề xuất và Thủ tướng đã đồng ý thành lập Quỹ DNNVV với quy mô 2.000 tỉ đồng. Trước mắt, năm 2015 sẽ cấp 500 tỉ cho quỹ này.

Định hướng, quỹ không hỗ trợ dàn trải mà sẽ tập trung vào các đối tượng như: doanh nghiệp ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp trong ngành cơ khí, điện tử, công nghiệp hỗ trợ...

Định hướng này sẽ do hội đồng của quỹ và lãnh đạo Bộ Kế hoạch - đầu tư quy định.

* Quy mô của quỹ năm đầu chỉ 500 tỉ đồng có quá ít so với lượng DNNVV hiện nay? Theo ông, làm gì để tránh cơ chế xin cho?

- Dự thảo quy chế hoạt động của quỹ sẽ sớm được ban hành nhưng định hướng quỹ sẽ cho vay qua hệ thống ngân hàng, tức doanh nghiệp có thể đến ngân hàng để được thẩm định, đáp ứng tiêu chí thì được vay.

Các ngân hàng cũng là doanh nghiệp, họ sẽ muốn cho vay càng nhiều càng tốt, nên dư địa để xin cho là không có.

Thêm nữa, quỹ và các ngân hàng sẽ công khai minh bạch điều kiện, tiêu chí lựa chọn, đối tượng được hưởng.

Dù đợt cấp vốn đầu tiên 500 tỉ là không lớn, nhưng nếu quỹ hoạt động hiệu quả có thể sẽ nhận thêm ủng hộ và tài trợ của các nguồn tài chính khác, hoặc quỹ sẽ là mô hình điểm để khuyến khích các cấp, ngành bổ sung cho quỹ, huy động sự tham gia của các quỹ tư nhân cùng hỗ trợ DNNVV...

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên