24/03/2013 08:17 GMT+7

Phát ngôn "không thể đỡ nổi"

LÊ MINH TIẾN
LÊ MINH TIẾN

TT - Thời gian gần đây, người dân Việt Nam thỉnh thoảng được nghe những phát ngôn “không thể đỡ nổi” được phát ra từ miệng các cán bộ trung cấp, cao cấp.

Những phát ngôn như “nộp phí là yêu nước”, “dân quen hít khí trời”, “phóng viên bị thiểu năng”... là những phát ngôn thuộc loại “khó đỡ” ấy. Đã có những bình luận cho rằng loại phát ngôn như thế thể hiện sự xem thường đối với người dân, nhưng câu chuyện có lẽ còn nhiều điều để bàn hơn.

Tại Việt Nam trong một thời gian dài, người dân luôn được xem là đối tượng phải nhất nhất thực thi đúng theo chủ trương, chính sách của các cơ quan nhà nước ban hành cho dù chủ trương ấy có khi chưa phù hợp thực tế. Việc tuân thủ ấy được xem là đương nhiên vì khi bình xét để khen tặng một ai đó luôn luôn phải có tiêu chuẩn là cá nhân ấy có tuân thủ triệt để những chủ trương, chính sách được các cơ quan nhà nước ban hành hay không.

Tư duy theo kiểu người dân phải tuân thủ điều mình gợi ý, góp ý, soạn thảo ban hành là một thứ “mặc định” nên có lẽ trong một thời gian dài, giới có chức trách đã không được chuẩn bị đủ tri thức và kinh nghiệm để biện minh cho các quyết định của mình, bởi vì đâu cần phải làm như thế.

Chính vì vậy khi bị đặt trong tình huống phải biện minh, phải chứng tỏ những quyết sách mình ban ra là hợp lý, hợp pháp bằng những lập luận logic và thuyết phục thì một số cán bộ thấy lúng túng và vì lúng túng như vậy nên mới thốt ra những lời lẽ “không thể đỡ nổi”.

Điều thứ hai, có những phát biểu kỳ lạ như thế có lẽ do trong nội bộ các cơ quan ban hành chính sách, quyết định trước đây gần như thường xuyên chưa có những tranh luận, phản biện cho từng quyết sách trước khi được ban hành. Tranh luận và phản biện có chức năng làm cho tư duy cũng như năng lực lập luận của cá nhân ngày càng trở nên sắc sảo.

Thế nhưng do không thường xuyên “luyện tập” việc tranh luận, bàn luận như vậy nên khi ban hành chính sách lắm lúc có những điểm bộc lộ nghịch lý hết sức rõ ràng. Và để cứu chữa cho những quyết định trên trời ấy, không có cách gì khác hơn là phải biện minh bằng lý lẽ “không thể đỡ nổi” tương thích.

Vì thế, nếu từng cơ quan nhà nước trước khi ban hành chính sách mà lấy được ý kiến, tạo diễn đàn tranh luận sôi nổi như một số dự thảo văn bản pháp quy gần đây, chắc chắn sẽ không có sự ra đời của những quyết sách trên trời và được chữa cháy bằng những phát ngôn “không thể đỡ nổi” như đã xảy ra.

Một điều cần lưu ý là chuyện phát ngôn “trời ơi” không phải đặc sản của Việt Nam mà thỉnh thoảng các chính trị gia ở các nước trên thế giới cũng phát biểu kiểu như vậy. Tuy nhiên sự khác biệt nằm ở ứng xử sau phát ngôn. Đôi khi ở các nước khác, người phát ngôn sẽ phải từ nhiệm vì sức ép của công luận hoặc thường hơn là phải lên tiếng xin lỗi công khai và xin rút lại điều đã phát ngôn.

Chẳng hạn Phó thủ tướng Nhật Bản Taro Aso đã phải lên tiếng xin lỗi sau khi lỡ miệng nói rằng những người bệnh già nên chết sớm để đỡ tốn chi phí cho nhà nước. Đó chính là “học phí” phải trả cho một bài học về phát ngôn, về lập luận, về biện minh mà có lẽ chúng ta cũng nên áp dụng, bởi khi học cái gì mà phải trả phí, người ta mới chịu học đàng hoàng.

LÊ MINH TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên