Tình trạng chó thả rông vẫn rất dễ dàng bắt gặp trên đường phố - Ảnh: TỰ TRUNG
Nhiều bạn đọc gọi đến Tuổi Trẻ phản ảnh tình trạng người nuôi chó dữ nhưng không quản lý chặt chẽ, không rọ mõm, xích không chắc chắn, để chó chạy rông, phóng uế bừa bãi ở TP.HCM.
Chị Lã Kim Trang (quận Bình Thạnh) vẫn còn run rẩy khi kể lại lần gặp nạn vì chó. Chị từng tông trúng một con chó ta khoảng 10kg khi nó từ trong nhà phóng qua đường, ngã xe, tay chân trầy trụa.
Chủ nhà chạy ra xin lỗi và dặn chạy xe phải coi chừng vì ở đây chó ít khi nhốt cũng không có rọ mõm vì chó... lành tính.
Gần đây, chị lại có lần phát hoảng khi gặp chó trong một con hẻm nhỏ, nó sủa inh ỏi rồi phóng tới gầm gừ. May có chủ nhà nghe tiếng hét của chị liền chạy ra đánh, kéo con chó vào nhà.
Anh Huỳnh Thanh Dũng (quận 6) cho biết khu anh ở nuôi hơn 10 con chó. Có hai vấn nạn mà người dân phải chịu là phân chó khắp nơi và trẻ em hoảng sợ vì bị chó rượt.
Trước đây người trong nhà anh cũng bị chó hàng xóm cắn, hiện giờ lại khổ sở vì phân chó vương vãi khắp đường sá. Anh đã viết đơn gửi UBND phường hai lần rồi. Các nhà có chó vẫn thả chó đi tự do không có rọ mõm, lúc nó đi vệ sinh lại không dọn.
"Mình góp ý còn bị gây. Cứ sáng mở cửa thấy phân chó khắp nơi. Mùa mưa thì đỡ, mùa nắng thì bốc mùi hôi thối. Hỏi ai không bực! Nhà tôi và nhà bố mẹ gần nhau, có lần tụi nhỏ đi bộ từ nhà bố mẹ về nhà bị chó rượt chạy tái mặt", anh Dũng bức xúc.
Anh Hoàng Minh Hùng kể chuyện về con hẻm 354 đường Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh) có hàng chục con chó được thả chạy khắp đường. Chuyện đi về tối giẫm phải phân chó trên đường diễn ra như cơm bữa.
"Gần đây nhất một người sửa xe đầu hẻm bị chó cắn phải đi chích ngừa. Bản thân tôi đang đi bị chó táp nhưng may mắn quần dày nên chỉ có dấu răng chứ không bị thương", anh Hùng nói.
Đợi đến khi có vụ việc đáng tiếc xảy ra mới được quan tâm thì không khác gì "mất bò mới lo làm chuồng".
Có thể bị phạt tiền, phạt tù
Theo luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM), người nuôi chó có hành vi thả rông chó ở khu dân cư hoặc dắt chó đi cùng mà không có dây xích, không rọ mõm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng theo quy định tại điều 7 nghị định 73/2010.
Đối với trường hợp để chó tấn công người khác, người nuôi chó có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Nếu để chó gây thương tích, thiệt hại tài sản cho người khác thì bị xử phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng, người nuôi phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do vật nuôi của mình gây ra.
Trường hợp chăn thả súc vật không đảm bảo các điều kiện an toàn dẫn đến hậu quả gây chết người, gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tài sản của người khác thì người nuôi có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người; mức hình phạt của tội này lên đến 12 năm tù.
Quản lý nuôi chó chưa chặt
Ngày 28-5, bà Đinh Thị Phương Khanh - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Long An - cho biết kết quả xét nghiệm cho thấy con chó giống Pitbull dòng đại đã cắn chết người ngày 20-5 ở Long An không nhiễm bệnh dại.
Con chó này đã cắn chết một người và quay sang tấn công chủ bị thương. Công an tỉnh Long An cho biết đang xem xét xử lý đối với trường hợp chó cắn chết người này.
Theo bà Khanh, hiện quy định về việc đăng ký vật nuôi là chó, mèo vẫn chưa được người dân quan tâm đúng mức: "Ngành thú y chỉ quản lý về tiêm phòng dại. Nhìn chung vẫn chưa quản lý sâu sát thực tế, nhiều địa phương vẫn còn lơ là với tình trạng nuôi chó thả rông".
Theo bà Khanh, dù luật và quy định đã có đủ, nhưng nhân sự thú y cơ sở hiện nay không đáp ứng đủ và nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm sâu sát vấn đề này. Hướng tới, cần nâng cao ý thức cho người dân.
"Để học tập mô hình thành lập đội bắt chó chuyên nghiệp là rất khó, nhưng cũng cần có những đợt ra quân xử lý chó chạy rông để đánh động được ý thức của người dân trong việc quản lý vật nuôi theo đúng quy định", bà Khanh nói thêm. (SƠN LÂM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận