13/10/2020 10:49 GMT+7

Phát hiện thuốc trị loét hiệu quả tương tự remdesivir trong điều trị COVID-19

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Nghiên cứu do các nhà khoa học ĐH Hong Kong (HKU) thực hiện phát hiện một loại thuốc trị loét có hiệu quả tương đương với thuốc remdesivir - vốn đang thiếu hụt trong bối cảnh đại dịch.

Phát hiện thuốc trị loét hiệu quả tương tự remdesivir trong điều trị COVID-19 - Ảnh 1.

Nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Hong Kong phát hiện loại thuốc trị loét có hiệu quả tương tự thuốc remdesivir đang dùng trong điều trị COVID-19 - Ảnh: SCMP

Phát hiện được công bố trên tạp chí Nature Microbiology mới đây có thể cung cấp một lựa chọn điều trị mới và sẵn có đối với các bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới. Nhóm nghiên cứu cho biết thuốc ranitidine bismuth citrate (RBC) có thể đạt kết quả tương tự như thuốc remdesivir trong điều trị COVID-19 nhưng có chi phí thấp hơn.

Báo South China Morning Post cho biết RBC có chứa một kim loại gọi là bismuth có thể làm giảm số lượng virus có trong tế bào động vật và người nhiễm virus corona xuống dưới 1/1.000 mức trước đây.

"RBC cho thấy hiệu quả tương đương với remdesivir. Thuốc an toàn và có thể được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng", tiến sĩ Runming Wang, thuộc khoa Hóa của HKU, cho biết trong cuộc họp báo ngày 12-10.

Ngoài ra, nhóm cho biết RBC có thể được sử dụng dưới dạng thuốc hỗn hợp nhắm vào nhiều bộ phận trên cơ thể, do đó khiến virus khó kháng cự hơn.

Giáo sư Hongzhe Sun, cũng thuộc khoa Hóa HKU, nói rằng RBC rẻ hơn khoảng 1/4 so với thuốc remdesivir - đang trong tình trạng khan hiếm toàn cầu và tốn hơn 3.000 USD cho một liệu trình điều trị.

Nhóm nghiên cứu thông tin rằng họ đã xin cấp bằng sáng chế ở Mỹ để sử dụng RBC trong điều trị bệnh nhân COVID-19.

Trong một diễn biến khác, như Reuters đưa tin, nhóm do hãng dược Takeda Pharmaceutical (Nhật Bản) dẫn đầu, đang phát triển một phương pháp điều trị huyết tương cho COVID-19, đã bắt đầu đi vào sản xuất khi chỉ vừa mới tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 hồi tuần trước.

Liên minh CoVIg Plasma, bao gồm Takeda Pharmaceutical, CSL Behring (Mỹ), Biotest AG (Đức) và các công ty khác, đã đăng ký bệnh nhân đầu tiên trong thử nghiệm giai đoạn 3 hồi cuối tuần trước, sau nhiều tháng trì hoãn.

Liên minh này đặt mục tiêu thu nhận 500 bệnh nhân từ Mỹ, Mexico và 16 quốc gia khác với hi vọng sẽ có kết quả thử nghiệm vào cuối năm nay.

"Khả năng phương pháp hiệu quả là rất cao. Đó là lý do vì sao chúng tôi phát động chiến dịch nhằm thúc đẩy việc hiến tặng huyết tương chữa bệnh để chế tạo và sản xuất sản phẩm này", ông Christophe Weber, giám đốc điều hành hãng Takeda, cho biết hôm 12-10.

Liên minh đang nghiên cứu liệu pháp huyết thanh miễn dịch có nguồn gốc từ huyết tương của những người đã khỏi bệnh COVID-19. Liệu pháp này cung cấp một lượng kháng thể đã được chuẩn hóa và không giới hạn bất kỳ nhóm máu nào của bệnh nhân.

Ông Weber thừa nhận ông không biết liên minh sẽ sản xuất bao nhiêu liều thuốc điều trị vào cuối năm nay, do phải phụ thuộc vào nguồn hiến tặng từ những người đã hồi phục khỏi COVID-19.

Vắc xin COVID-19 dạng hít và xịt sẽ hiệu quả hơn dạng chích? Vắc xin COVID-19 dạng hít và xịt sẽ hiệu quả hơn dạng chích?

TTO - Các nhà nghiên cứu tin rằng có thể chặn đứng virus gây COVID-19 một cách hiệu quả ngay tại mũi và miệng, nơi chúng tấn công trực tiếp vào cơ thể. Các cuộc thử nghiệm trên chuột cho thấy vắc xin dạng hít và xịt có kết quả rất khả quan.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên