11/05/2022 16:31 GMT+7

Phát hiện 'con đường lát gạch' kỳ lạ dưới đáy Thái Bình Dương

MINH HẢI (Theo Cnet)
MINH HẢI (Theo Cnet)

TTO - Một thành hệ địa chất trông như con đường lát gạch mới được các nhà đại dương học phát hiện trong chuyến thám hiểm đáy biển ở ngoài khơi Hawaii.

Đoạn clip ngắn quay lại "Con đường gạch vàng" dưới Thái Bình Dương do chuyên gia của tàu nghiên cứu Exploration Vessel Nautilus ghi lại

Trong một lần lặn thám hiểm đáy biển tại khu vực gần đỉnh núi Liliاuokalani, thuộc vùng biển của Khu bảo tồn hải dương quốc gia Papahānaumokuakea (PMNM) ở Thái Bình Dương (Hawaii), các chuyên gia hải dương học của tàu nghiên cứu Exploration Vessel Nautilus đã bất ngờ khi phát hiện một thành hệ địa chất kỳ lạ.

Thành hệ địa chất (hệ tầng địa chất hay tằng hệ địa chất, thành hệ, hệ tầng) là đơn vị cơ bản của thạch địa tầng. Khái niệm một thành hệ trong nghiên cứu địa chất bao gồm một lượng nhất định các tầng đá với các tính chất thạch học, nham tướng có thể so sánh được.

Nghiên cứu các thành hệ giúp các nhà khoa học có thể so sánh tương quan giữa các tầng địa chất.

Phát hiện con đường lát gạch kỳ lạ dưới đáy Thái Bình Dương - Ảnh 2.

"Con đường gạch vàng" do chuyên gia của tàu nghiên cứu Exploration Vessel Nautilus ghi lại - Ảnh: Exploration Vessel Nautilus

Trong đoạn clip ghi lại cận cảnh, một nhà hải dương học mô tả thành hệ địa chất này giống hệt những viên gạch xếp ngay ngắn bên nhau, tựa như một "con đường gạch màu vàng" nhỏ dài, khiến người ta liên tưởng ngay lối dẫn đến thành phố Atlantis huyền thoại.

Các nhà nghiên cứu xác định đây là tàn tích của hoạt động địa chất, một ví dụ sinh động về sự phong phú độc đáo của các kiến tạo của hoạt động núi lửa cổ đại.

Phát hiện con đường lát gạch kỳ lạ dưới đáy Thái Bình Dương - Ảnh 3.

Các nhà nghiên cứu xác định đây là tàn tích của hoạt động địa chất - Ảnh: Exploration Vessel Nautilus

Khu bảo tồn hải dương quốc gia Papahānaumokuakea là một trong những khu bảo tồn biển lớn nhất trên thế giới, với diện tích bề mặt lên tới 1.510.000km2, 10 hòn đảo và rạn san hô vòng.

Khu vực này được đánh giá rất cao cả về giá trị văn hóa và tự nhiên khi có mối quan hệ mật thiết giữa con người và thiên nhiên. Không chỉ mang ý nghĩa khoa học, khảo cổ vì là nơi chứa đựng hàng trăm nghìn di vật khảo cổ liên quan đến khu định cư tiền châu Âu, nó còn mang ý nghĩa văn hóa tâm linh với những bản sắc phong tục độc đáo, nơi mà người ta tin rằng cuộc sống bắt đầu và cũng là nơi các linh hồn trở lại sau khi chết.

Về lĩnh vực khoa học biển, các nhà nghiên cứu mới chỉ khám phá khoảng 3% đáy biển của nó.

Phát hiện con đường lát gạch kỳ lạ dưới đáy Thái Bình Dương - Ảnh 4.

Mục tiêu chính của chuyến thám hiểm của Exploration Vessel Nautilus là thu thập các mẫu vật để xác định nguồn gốc địa chất và tuổi của các vỉa và núi để hiểu rõ hơn về sự hình thành của quần đảo Tây Bắc Hawaii. - Ảnh: Exploration Vessel Nautilus

Nhóm nghiên cứu Exploration Vessel Nautilus từng chứng kiến nhiều thành tạo địa chất vô cùng độc đáo và hấp dẫn khi lặn tại vùng biển với nhiều "ngọn núi" này. Chẳng hạn như tại đỉnh Nootka Seamount, họ phát hiện một "lòng hồ khô" - hiện được xác định là một dòng chảy đứt gãy của đá hyaloclastite (một loại đá núi lửa được hình thành trong các vụ phun trào năng lượng cao, nơi nhiều mảnh đá đọng lại và rơi xuống đáy biển).

Nhóm cũng ghi lại được tư liệu về nhiều sinh vật biển lạ kỳ, to lớn mà khoa học chưa có nhiều thông tin về chúng.

Phát hiện con đường lát gạch kỳ lạ dưới đáy Thái Bình Dương - Ảnh 5.

Các nghiên cứu địa chất biển rất quan trọng trong việc cung cấp các dấu hiệu của việc tách giãn đáy biển và kiến tạo mảng - Ảnh: Exploration Vessel Nautilus

Việc thu thập các mẫu vật để xác định nguồn gốc địa chất và tuổi của các vỉa và núi dưới biển, đặc biệt là phát hiện những thành hệ địa chất như thế này, có thể là tư liệu quý giá để các nhà khoa học, nghiên cứu địa chất hiểu rõ hơn về sự hình thành của quần đảo Tây Bắc Hawaii.

Các nghiên cứu địa chất biển rất quan trọng trong việc cung cấp các dấu hiệu của việc tách giãn đáy biển và kiến tạo mảng. Không chỉ thế, đáy đại dương sâu cũng là đối tượng quan trọng để lập bản đồ chi tiết hỗ trợ mục tiêu quân sự (dưới biển) và mục tiêu kinh tế (dầu mỏ và khai thác mỏ kim loại).

Atlantis là tên gọi địa danh được ghi lại trong các tác phẩm của nhà triết học Hy Lạp nổi tiếng Plato vào khoảng năm 400 trước Công nguyên và là một nền văn minh tiên tiến cai trị một đế chế hàng hải rộng lớn. Thành phố Atlantis ở trung tâm của đế chế này được mô tả là có một bức tường bao quanh lớn với những cây cột khổng lồ ở lối vào. Nơi đây có một ngôi đền thờ thần Poseidon và những đảo hình tròn khổng lồ là nơi sinh sống của người Atlantea.

Người ta cho rằng một thảm họa thiên nhiên, như sóng thần hoặc núi lửa, đã xóa sổ người Atlantea cùng cơ sở vật chất của đế chế này. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra bằng chứng thuyết phục rằng Atlantis từng tồn tại, và nhiều học giả tin rằng Plato đã sáng tạo ra huyền thoại này như một cách để trình bày các lý thuyết triết học của ông.

Khám phá thế giới dưới đáy Biển Bắc bằng công nghệ thực tế ảo Khám phá thế giới dưới đáy Biển Bắc bằng công nghệ thực tế ảo

NABU, một tổ chức phi chính phủ của Đức ngày 20/4 đã triển khai dự án mới cung cấp một chuyến tham quan thực tế ảo thế giới dưới nước của Biển Bắc.

MINH HẢI (Theo Cnet)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên