Kỳ 2:Sự thật hải dương học: Hoàng Sa - Việt Nam!
Viện Hải dương học Nha Trang năm 1926 - Ảnh: Bảo tàng Hải dương học |
Đến vùng đảo hoang vắng
Khi các nhà khoa học đặt chân lên các đảo ở Hoàng Sa, chào đón họ chỉ có các loài chim trời. Thảng hoặc họ mới bắt gặp những người đi biển dài ngày ghé lên đảo. Ấn tượng đó, sau này được TS P. Chevey kể lại trong báo cáo của Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương năm 1925-1926: “Chúng tôi chỉ thấy có một ít thuyền buồm đến những đảo nhỏ hoang vắng này để đánh bắt rùa biển, trai biển khổng lồ (tridacna), hải sâm và các loài hải sản khác mà người ta chỉ thấy trên những đảo san hô. Thật ra, đấy không phải là những thuyền buồm của người chuyên đánh cá đến để khai thác hải sản trên dải đá ngầm của quần đảo Hoàng Sa. Đây là những nhà hàng hải mà hằng năm chúng tôi vẫn thấy họ qua lại vào thời gian gió mùa. Trong khoảng thời gian gió mùa đó, mọi hoạt động hàng hải đều bị cấm, họ đến đây để làm giảm bớt nỗi buồn bã của mùa “chết” này bằng cách tranh thủ đánh cá trên những dải đá ngầm của quần đảo xa xôi”.
Trước sự kiện tàu De Lanessan đến đây, theo “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” của Monique Chemillier - Gendreau, từ năm 1881-1884, người Đức từng tiến hành nghiên cứu có hệ thống tình hình thủy văn của quần đảo Hoàng Sa mà không có một trong những yêu sách nào đi theo. Vì thế, cuộc khảo sát của Sở Hải dương học nghề cá được coi là hoạt động khoa học đầu tiên thể hiện chủ quyền của Việt Nam (thuộc Pháp) trên quần đảo Hoàng Sa.
Thám sát thềm lục địa
Cách thức thám sát thềm lục địa được TS P. Chevey mô tả: “Những phương pháp chiếu sáng đáy biển mà chúng tôi sử dụng trong khi nghiên cứu đã cho phép quan sát được địa hình đáy biển những vùng này, cũng như những khối lớp không đều đặn của các đảo và vùng trũng sâu bao phủ dày cát và cuội san hô, nếu như chúng tôi có thể đi đến giữa những chỗ đó”.
Tàu De Lanessan đã thực hiện hàng loạt phương pháp thăm dò và kéo lưới cào để khảo sát thềm lục địa. Qua đó, các nhà khoa học đã tìm thấy sự hình thành nền quần đảo Hoàng Sa. “Chúng tôi đã phát hiện thấy sự kiến tạo dưới biển quan trọng trong đợt nghiên cứu vừa mới tiến hành ở khối đảo cách ly ở giữa biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa - TS P. Chevey thuật lại - Qua những thăm dò ở thềm lục địa quần đảo Hoàng Sa mà ở đó có những đá ngầm và đảo nhỏ nhô lên, chúng tôi đã xác lập được rằng đáy biển này sâu từ 40-100m, được tạo nên từ những nguyên liệu thuộc nhóm cuối cùng bởi các trầm tích san hô. Đó là một bề mặt mà địa hình thuộc thời kỳ băng hà bị nước biển bao phủ sau lần tan băng cuối cùng, sau đó dần dần tách khỏi bờ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho san hô phát triển. Ngày nay nó được bao phủ bởi một lớp san hô đang sống, cát và cuội san hô”.
“Chúng tôi lại thấy thềm lục địa này ở ven bờ biển Đông Dương, tại chân núi Trường Sơn cũng như ở cao nguyên dưới biển của quần đảo Hoàng Sa. Ở đây, nó nhô lên như một đảo cách ly ở giữa vùng nước biển Đông và các tảng đá ngầm của nó, hầu như dựng đứng, đột nhiên lại tụt xuống sâu hàng nghìn mét” (Báo cáo của Sở Hải dương học nghề cá, năm 1925-1926).
Cột mốc do người Pháp dựng năm 1938 ghi: “Cộng hòa Pháp - Vương quốc An Nam, quần đảo Hoàng Sa” - Ảnh: tư liệu |
Cao nguyên đáy biển
Từ quá trình khảo sát thềm lục địa, các nhà khoa học nhận thấy quần đảo Hoàng Sa với 36 đảo lớn nhỏ có thể nổi hoàn toàn khi triều cao (và một số khác thường xuyên chìm trong nước) là nhờ đứng trên một... cao nguyên mà các nhà khoa học gọi là “cao nguyên đáy biển”. “Cao nguyên đáy biển của quần đảo Hoàng Sa xuất hiện đột nhiên giữa biển Đông cách đáy biển hàng nghìn mét và nhô lên dưới mặt nước biển từ 40-100m bởi một vách đá hầu như thẳng đứng đến tận đáy biển”- báo cáo của TS P. Chevey mô tả. Sự hình thành cao nguyên đặc biệt này - theo kết luận của các nhà khoa học - “có cùng nguyên nhân địa chất xảy ra ở các bậc thềm khác nhau ở một vùng độ sâu và những bậc thềm nằm song song với đường bờ dọc theo các vùng duyên hải của Đông Dương”.
Cùng với kết luận này, nghiên cứu “Hình dạng các đảo san hô ngầm và chế độ gió” của TS A.Krempf (công bố năm 1927) cho thấy đầy đủ quá trình hình thành các đảo ở Hoàng Sa từ địa chất đến hình dạng. TS P. Chevey, trong báo cáo năm 1930-1931, đã kể lại: “Trong năm 1926, chúng tôi đã thăm đảo đá ngầm rất đẹp Decouverte, hình thái cấu tạo của nó chứng minh rõ ràng ảnh hưởng của gió mùa tới sự hình thành của các đảo san hô. Trong đảo ngầm này có hai tập đoàn phát triển về hai hướng nghịch nhau đông bắc và tây nam, ở phần đỉnh của những dải này có hai lối vào các vùng tại giữa đảo san hô này chưa khép kín. Hai đảo đá ngầm ấy, đảo ngầm Chim Yến và đảo ngầm Bắc, là một vùng đã nổi lên từ rất lâu. Đảo ngầm Chim Yến có dạng hình vòng đầy đủ, nhưng bờ ở phía đông bắc dày hơn vùng bờ phía tây nam, như vậy chứng tỏ gió mùa đông ảnh hưởng lên sự tiến hóa của đảo. Do đó, vùng giữa đảo đi lệch tâm và đẩy về phía tây nam. Tuy nhiên, ở phía tây bắc có một vùng san hô rất mỏng và không nổi lên, mặc dù không bị ngắt quãng nhưng những thuyền nhỏ có thể đi vào vùng bên trong được. Tại đây có một dải màu xanh khá đặc biệt của những đảo san hô do phản chiếu những tia nắng mặt trời trên nền cát trắng ở bờ vụng qua lớp nước mỏng xa bờ một chút. Chắc chắn vị trí này không phải giải thích như là một chỗ nối không hoàn toàn những đầu bờ của hai tập đoàn san hô đang phát triển mới tách rời nhau và bấy giờ nối lại với nhau gần như đã kết thúc. Ở đây có dấu tích một con lạch cũ trong vụng”.
Quần đảo Hoàng Sa như vậy đã cung cấp cho chúng ta một dẫn chứng rõ ràng về những giả thiết của A.Krempf đã đặt ra từ nhiều năm trước đây. Từ năm 1921, ông đã mô tả ba vòng đảo san hô Decouverte tiến hóa nhất, đảo ngầm Chim Yến thì ngược lại, tạo thành một vòng san hô khép kín”.
7 chuyến khảo sát hải dương học tại Hoàng Sa (1925-1953) * Tàu De Lanessan có bốn chuyến khảo sát: tháng 6-1925, tháng 6 và 7-1926, tháng 5 và 6-1931, tháng 10-1935. * Tàu La Marne: tháng 10-1937. * Tàu Marine National: tháng 4-1949. * Tàu La Charante: tháng 7-1953. Các kết quả nghiên cứu được công bố trong các báo cáo thường niên của Viện Hải dương học và trên một số tạp chí khoa học và sách trong giai đoạn 1927-1957 (Theo báo cáo của Viện Hải dương học tại Hội nghị quốc tế biển Đông năm 2012: 90 năm các hoạt động hải dương học trên vùng biển VN và lân cận). |
_____________________
Sau thám sát đáy đại dương là cuộc khảo sát trên bề mặt các đảo. Dưới những tán rừng nguyên sinh, các nhà khoa học đã tìm thấy một “kho báu”.
Kỳ tới: Mỏ phosphat khổng lồ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận