24/08/2012 07:12 GMT+7

Pháp luật và thông lệ

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Thanh tra một tổng công ty và bốn tập đoàn (Tổng công ty Hàng hải VN, các tập đoàn Dầu khí, Sông Đà, Hóa chất, Viettel), Thanh tra Chính phủ kết luận tổng số tiền liên quan đến sai phạm lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng, nhưng không kết luận một bộ ngành nào phải chịu trách nhiệm. Thực trạng này đã buộc bà Lê Thị Nga - phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - chất vấn tổng Thanh tra Chính phủ.

Nhưng ông Huỳnh Phong Tranh lại đáp rằng cơ quan thanh tra đã thực thi nhiệm vụ theo... thông lệ. Thông lệ ấy là kết luận thanh tra chỉ đề cập sai phạm ở những đơn vị trực tiếp bị thanh tra, còn trách nhiệm của cơ quan chủ quản thì... “trước nay vẫn thế”, nghĩa là không được đề cập trong các bản kết luận thanh tra. Lời ông tổng thanh tra còn được xác nhận bởi Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ rằng “trong kết luận của Thanh tra Chính phủ về Vinalines thì tinh thần cũng như lời văn, tất cả sai phạm, khuyết điểm đều thuộc về... Vinalines”. Theo giấy trắng mực đen ấy, Bộ Tài chính không chịu trách nhiệm gì, mặc dù tiền vốn và tài sản nhà nước ở Vinalines đã bị thổi bay bởi “người đại diện” là Dương Chí Dũng.

Đại biểu Lê Thị Nga không hài lòng về cách trả lời trên. Tổng thanh tra cũng hiểu thế, nên ông đã “xin tiếp thu để đề xuất cơ chế, giải pháp thế nào để xác định trách nhiệm cơ quan chủ quản”. Điều ông Huỳnh Phong Tranh tiếp thu từ đại biểu Nga là phải “xác định trách nhiệm theo luật chứ không xác định trách nhiệm theo thông lệ”. Theo bà Nga, pháp luật VN đã quy định rõ trách nhiệm trực tiếp của người vi phạm (trong trường hợp trên thuộc về cá nhân lãnh đạo hoặc tập thể ban lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty) và trách nhiệm của các cơ quan quản lý (biết mà không hành động, không kịp thời xử lý, không thanh tra kiểm tra kịp thời...). Đại biểu Nga nói rằng mình hiểu và thông cảm với những “cái khó” của bộ trưởng Bộ Tài chính và tổng thanh tra, nhưng “đề nghị các đồng chí làm hết trách nhiệm và thực hiện đúng pháp luật”. Bởi vì làm theo lệ nên “thanh tra cứ thanh tra, bổ nhiệm cứ bổ nhiệm, điều tra cứ điều tra và cuối cùng là ông Dũng trốn thoát”.

Là một chuyên gia pháp luật, từng ngồi ghế quan tòa, chắc chắn bà Nga rất rõ “luật” và “lệ”. Xã hội từ sơ khai đến văn minh, những lệ tốt dần được các nhà lập pháp chuyển hóa thành luật, những luật tốt sẽ ngấm vào đời sống làm nền tảng cho đạo đức. Lệ xấu phải bỏ, luật tốt được giữ gìn làm bản lề cho các quan hệ trong xã hội. Ở một số quốc gia, có những bản án chuẩn mực trở thành án lệ, người sau gặp những vụ án tương tự cứ dựa vào đó mà xử. VN không chấp nhận án lệ, mọi việc phải căn cứ trên các quy định của pháp luật thành văn. Chắc hẳn là người đứng đầu ngành thanh tra, ông Huỳnh Phong Tranh cũng hiểu những điều này. Khi trả lời rằng “thông lệ trước nay vẫn thế” thì ông Tranh đã rất thành thực về “cái khó” của mình.

Tuy chưa hài lòng về phần trả lời chất vấn của tổng thanh tra, nhưng chắc hẳn nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri theo dõi sẽ hài lòng về sự thành thật “tiếp thu” cũng như quyết tâm kiến nghị thay đổi tiền lệ không tốt trong luật pháp. Đó là lúc tổng thanh tra đề nghị: “Hiện nay có hơn 100.000 đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản. Nhưng việc kê khai còn rất hình thức do không được công khai. Chúng tôi đã đề nghị Quốc hội tới đây sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng phải quy định mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, các bản kê khai phải được công khai tại nơi cư trú và nơi làm việc, nguồn gốc tài sản tăng thêm giữa hai lần kê khai phải được giải trình...”. Nếu kiến nghị này được tiếp thu thì một thông lệ tốt mà nhiều nước đã áp dụng sẽ đi vào quy định của pháp luật nước ta.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên