Ông Nguyễn Thành Lâm - phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) - mang công văn hỏa tốc của cục đến tòa - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Làm thế nào chỉ trong 4 ngày thu thập được chừng ấy tài liệu. Tính hợp pháp của việc thu thập tài liệu thế nào? Đoàn công tác đi theo sự phân công của ai? Thu thập thông tin bằng cách nào?
Đại diện viện kiểm sát
Vậy thực hư như thế nào?
Bộ Y tế tự đi xác minh
Tháng 10-2017, khi xét xử phúc thẩm vụ án VN Pharma, TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Cấp phúc thẩm đã đề nghị xem xét trách nhiệm của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) trong việc cho phép VN Pharma nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita chưa rõ nguồn gốc. Cũng tại phiên tòa phúc thẩm này đã xuất hiện thông tin lô thuốc H-Capita có nguồn gốc từ Ấn Độ.
Theo Bộ Y tế, cơ quan này đã chỉ đạo đoàn công tác của bộ, lúc này nhân chuyến kiểm tra công ty sản xuất văcxin tại Ấn Độ, kiêm luôn xác minh nguồn gốc lô thuốc H-Capita.
Chỉ trong 4 ngày, từ ngày 13 đến 17-11-2017, đoàn đã có kết quả: lô thuốc H-Capita do Nhà máy Affy Prenterals, bang Himachal, Pradesh, Ấn Độ, sản xuất. Nhà máy này đạt chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Lô thuốc 9.300 hộp H-Capita, nằm trong danh sách đạt tất cả các tiêu chuẩn, sau đó được bán cho Công ty Magnolia Limited tại Ấn Độ.
Xác minh tiếp, kết quả cho thấy lô thuốc này được Công ty vận chuyển Magnum Cargo Pvt Ltd xuất khẩu cho Công ty Helix, có địa chỉ tại Canada; tuy nhiên, lô hàng này được chở bằng máy bay từ Ấn Độ đến Singapore, sau đó về Việt Nam mà không đến Canada.
Theo Bộ Y tế, tất cả các giấy tờ, tài liệu nêu trên được tất cả các cơ quan chức năng hữu quan Ấn Độ và Việt Nam xác nhận tính hợp pháp.
Tuy nhiên, bản cáo trạng mới của vụ án VN Pharma lại có nội dung hoàn toàn khác khi tại cơ quan điều tra, các bị cáo đều khai không biết lô thuốc sản xuất ở đâu. Thùng thuốc có dán tem từ sân bay Ấn Độ về Singapore nhưng kết quả tương trợ tư pháp của Văn phòng tổng chưởng lý Singapore lại cho rằng xuất xứ lô thuốc là từ Ấn Độ. Cơ quan điều tra đã yêu cầu tương trợ tư pháp hai lần đối với Ấn Độ nhưng không có kết quả.
Hội đồng xét xử đã triệu tập Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), nhưng lại chỉ có hai cục phó đến tham dự. Trong khi phiên tòa đang diễn ra các tranh luận gay gắt về nguồn gốc, chất lượng lô thuốc thì trong sáng 27-9, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có văn bản hỏa tốc gửi đến tòa, do chính Cục trưởng Vũ Tuấn Cường ký.
Văn bản nhắc lại việc xác minh nguồn gốc lô thuốc, khẳng định lô thuốc đáp ứng tiêu chuẩn lúc xuất xưởng; rằng về bản chất, hành vi của các bị cáo trong vụ án là giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ của lô thuốc để trục lợi.
Cục Quản lý dược "cảnh báo’’ nếu tòa án kết luận H-Capita là thuốc giả mà không căn cứ vào các quy định chuyên môn về dược, không xem xét các nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ, các tài liệu hồ sơ phía Ấn Độ cung cấp... thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý chuyên môn ngành dược, gây hoang mang cho người dân trong việc sử dụng thuốc.
Nội dung văn bản này, thực chất, cũng lặp lại 2 văn bản mà Bộ Y tế đã gửi cơ quan điều tra trước đó khẳng định lô thuốc H-Capita là lô thuốc kém chất lượng chứ không phải thuốc giả.
Có hay không việc che giấu hành vi phạm tội?
Thể hiện sự bức xúc với cách làm của Cục Quản lý dược, đại diện Viện KSND TP.HCM cho biết việc xem xét các tài liệu, chứng cứ thuộc thẩm quyền của hội đồng xét xử chứ không cần cơ quan nào phải cảnh báo.
Đại diện Viện KSND đã đặt ra hàng loạt câu hỏi về tính khách quan trong việc Bộ Y tế tự đi thu thập chứng cứ, vì chỉ trong 4 ngày mà Bộ Y tế đã hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ: vừa xác minh nhà máy văcxin cho chương trình tiêm chủng mở rộng, vừa làm việc với nhà máy sản xuất thuốc, làm việc với cơ quan quản lý dược Ấn Độ, làm việc với đơn vị vận chuyển; thu thập được rất nhiều hóa đơn chứng từ mà các chứng từ này đều được các cơ quan Ấn Độ xác minh tính hợp pháp.
Viện KSND cho rằng Bộ Y tế tự đi xác minh là không khách quan, không theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, vì vậy không sử dụng các tài liệu này. Đại diện cơ quan này cũng cho rằng vụ án "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’’ xảy ra tại Cục Quản lý dược hiện đã bị khởi tố, và hành vi các bị cáo gây ra có trách nhiệm bao che của Cục Quản lý dược, vì vậy ý kiến của cục trong trường hợp này là không khách quan.
Hiện nay, Cục Quản lý dược và các bị cáo đều cho rằng lô thuốc H-Capita chỉ bị giả nguồn gốc xuất xứ, riêng đại diện Viện KSND khẳng định đây là lô thuốc giả.
Phiên tòa xét xử vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại Công ty CP VN Pharma đã chuẩn bị kết thúc phần tranh luận. Dự kiến ngày 30-9 sẽ tuyên án.
Viện KSND có quyền xác minh tính hợp pháp của chứng cứ
"Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án.
Như vậy, những tài liệu mà Bộ Y tế thu thập đều có thể được xem xét coi là chứng cứ nếu đảm bảo tính khách quan, liên quan đến vụ án và hợp pháp. Đơn vị cuối cùng có thẩm quyền quyết định các tài liệu mà Bộ Y tế thu thập có phải chứng cứ hay không là tòa án.
Tuy nhiên, trước các chứng cứ mà Bộ Y tế đưa ra, cơ quan điều tra, Viện KSND có quyền xác minh, đánh giá tính xác thực và giá trị chứng minh của tài liệu này để sử dụng cho hoạt động của mình’’.
TS Đinh Thế Hưng
(trưởng phòng pháp luật hình sự Viện Nhà nước và pháp luật, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận