05/03/2019 09:11 GMT+7

Phân luồng sau THCS: Nói mãi mà...vẫn dồn cục

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Phân luồng học sinh sau THCS và THPT được đặt ra từ nhiều năm qua, nhưng ngoại trừ một vài “điểm sáng” ở các địa phương, hành trình của đa số học sinh cả nước vẫn chỉ là một con đường thẳng: THCS - THPT - đại học.

Phân luồng sau THCS: Nói mãi mà...vẫn dồn cục - Ảnh 1.

Rất ít học sinh được phân luồng sau THCS. Trong ảnh: một lớp học về tự động hóa ở Trường cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật TP.HCM - Ảnh TỰ TRUNG

Một vài điểm sáng ở các địa phương cho thấy câu chuyện phân luồng cần cả sự mềm dẻo, uyển chuyển của những thay đổi trong giáo dục hướng nghiệp ở nhà trường phổ thông nhưng cũng cần chính sách quyết đoán ở tầm vĩ mô.

Những chính sách phải được đặt ra toàn diện để mọi nhánh rẽ đều tìm được đích đến là có công việc và ổn định cuộc sống.

Bốn luồng vẫn dồn vào một

Theo hệ thống giáo dục quốc dân hiện hành thì học sinh hoàn thành chương trình THCS có 4 nhánh rẽ: học tiếp lên THPT, học bổ túc THPT, học nghề hoặc trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và tham gia thị trường lao động. Trước thời điểm năm 2017, khi hệ thống TCCN được chuyển giao quản lý từ Bộ

GD-ĐT sang Bộ LĐ-TB&XH, số học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN chỉ trên 10%. Có những năm, hàng chục trường trung cấp không tuyển được học sinh.

Hiện tình trạng này đã có chuyển biến nhưng không đáng kể. PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan - Viện Khoa học giáo dục VN - cung cấp một con số: phần lớn các tỉnh/thành đều có tỉ lệ học sinh học tiếp lên THPT với tỉ lệ hơn 70%, thậm chí có địa phương hơn 80%. 

TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - gọi tình trạng này là: định hướng bốn luồng nhưng cuối cùng đổ dồn vào một luồng.

Phân luồng sau THCS: Nói mãi mà...vẫn dồn cục - Ảnh 2.

Thầy Trần Hồng Tính hướng dẫn các em học sinh trung cấp nghề sửa chữa, tháo lắp máy dầu ôtô tại Trường cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật TP.HCM chiều 4-3 - Ảnh: TỰ TRUNG

Nhìn vào số liệu của Bộ

GD-ĐT thì có thể thấy nỗ lực phân luồng là hành trình cam go. Năm học 2007-2008 có 77,7% học sinh tốt nghiệp THCS chuyển tiếp lên lớp 10, nhưng đến năm 2010-2011 lên tới 84,1%. 

Với "luồng chính" hùng hậu từ THCS lên THPT, nhìn vào việc chọn ban (theo chương trình phân ban THPT hiện hành) và tỉ lệ đăng ký dự thi đại học thì vẫn thấy rõ đa số học sinh đang đi chung một luồng mà những nhánh rẽ vốn đã không có nhiều lựa chọn thì cũng ít học sinh tính đến. 

Cụ thể, có nhiều trường THPT, tỉ lệ đăng ký ban tự nhiên chiếm trên 80%, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT vào đại học vẫn trên 75%.

Học sinh đói thông tin

Phân tích về bất cập trong phân luồng học sinh ở bậc phổ thông, TS Lê Đông Phương - Viện Khoa học giáo dục VN - cho rằng đa số học sinh, đặc biệt là học sinh THCS, đói thông tin về nghề nghiệp, đói cả những thông tin về các "ngã rẽ" khác nhau có thể lựa chọn.

Chương trình giáo dục bậc THCS có môn nghề phổ thông nhưng trong nhiều năm qua, đây chỉ là môn học đối phó để đạt yêu cầu. Đa số học sinh "chọn môn học nghề" theo tiêu chí dễ, có điểm tốt (thời kỳ còn được cộng điểm trong kỳ thi chuyển cấp) chứ không phải để biết thêm một nghề. 

Nếu như trong hệ thống trường nghề hiện nay có đến hàng trăm nghề khác nhau được đào tạo thì học sinh cuối cấp THCS chỉ loanh quanh với việc học nghề điện, cắm hoa...

Công tác hướng nghiệp ở THCS đối với hệ thống trường công lập hiện nay gần như về 0 khi trên 90% thời gian dành cho các môn học văn hóa, nhất là học sinh cuối cấp chỉ dồn vào học các môn chính sẽ thi chuyển cấp lên THPT. 

Các môn học, hoạt động trải nghiệm nhằm hướng nghiệp cho học sinh hầu như không có với các lý do: không có thời gian, không có kinh phí và cũng không được cha mẹ học sinh ủng hộ. Học sinh THCS đại đa số lựa chọn theo ý muốn của cha mẹ và cha mẹ thì theo tâm lý số đông, do bản thân phụ huynh cũng "đói" thông tin về các lựa chọn nghề nghiệp khác nhau.

Theo bà Đỗ Thị Bích Loan, rất nhiều học sinh không có năng lực học tiếp lên THPT hoặc có mong muốn học nghề nhưng vẫn buộc phải dấn bước theo con đường chung học lên THPT.

Phân luồng sau THCS: Nói mãi mà...vẫn dồn cục - Ảnh 3.

Một tiết học văn hóa của học sinh lớp 10 Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, Q.5, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Giải pháp: đầu voi đuôi chuột

Theo TS Lê Đông Phương, các giải pháp để khắc phục bất cập vẫn còn khá chung chung. Giải pháp cụ thể và thiết thực như nên hay không nên quy định cứng tỉ lệ học sinh phải chọn học nghề thay vì vào THPT như một số tỉnh đã áp dụng, điển hình là Vĩnh Phúc, cần nghiên cứu nghiêm túc. 

Ngoài ra cũng nên bổ sung các quy định pháp lý như thế nào để các nhà trường buộc phải quan tâm tới công tác hướng nghiệp, có phòng tư vấn hướng nghiệp, đưa các hoạt động hướng nghiệp vào chương trình nhà trường…

Bên cạnh đó cần sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ LĐ-TB&XH với Bộ GD-ĐT, giữa các địa phương với hai bộ để tăng cơ hội cho học sinh được "phân nhánh" vào học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, được bồi dưỡng, tập huấn các kỹ năng cần thiết để tham gia thị trường lao động.

Việc dự báo nhu cầu nhân lực, thông tin liên quan tới đào tạo nghề và cơ hội việc làm của các nghề qua đào tạo cũng là vấn đề đang thiếu mà các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm.

Trên thực tế, trong khoảng một thập kỷ qua, Bộ GD-ĐT đã có những nỗ lực cho mục tiêu "phân luồng", gắn giáo dục trong nhà trường với thực tiễn cuộc sống và nhu cầu nhân lực. Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, trong nhiều năm qua với chỉ đạo trong nhiệm vụ năm học của Bộ

GD-ĐT, nhiều trường đã triển khai các hoạt động trải nghiệm, dạy học tích hợp liên môn gắn với việc thí điểm mô hình dạy học gắn với sản xuất, kinh doanh tại địa phương như tại Lào Cai, Tuyên Quang. Bộ GD-ĐT cũng cho phép các nhà trường chủ động rà soát chương trình giáo dục hiện hành để giảm tải những kiến thức hàn lâm, không cần thiết, bổ sung các chủ đề, chuyên đề học tập gắn với thực tiễn.

Thực tế cũng đã có một số mô hình trường học nông trại gắn với làng nghề truyền thống như được triển khai tại Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Kiên Giang, Hòa Bình, Cần Thơ… 

Mô hình trường học - nông trường chè, trường học - nông trường mía, trường học - nông trường cam tại Tuyên Quang, Hòa Bình; trường học - vườn đào, trường học - du lịch ở Lào Cai, Hà Giang... hay một số trường THCS tại Bắc Ninh và Hưng Yên đã liên kết với các khu công nghiệp trên địa bàn để học sinh đến tham quan, học tập và trải nghiệm. 

Tuy nhiên, những "điểm sáng" như thế này vẫn không được lan tỏa rộng để tác động trực tiếp đến việc phân luồng. Tâm lý bằng cấp, gánh nặng của các kỳ thi chuyển cấp, cuối cấp, thi THPT quốc gia quá lớn khiến hầu hết các nhà trường đều chỉ chuyên tâm cho ôn luyện văn hóa.

Trường trung học phải có chương trình giáo dục hướng nghiệp

Đây là một trong các mục tiêu chính của đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" đã được Chính phủ phê duyệt.

Theo đó đến năm 2025, đề án đặt mục tiêu 100% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương. Đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì ít nhất có 80% trường đạt mục tiêu này.

Đề án trên cũng đưa ra mục tiêu 100% trường trung học ở khu vực thuận lợi và 80% ở khu vực khó khăn có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đảm bảo yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ.

Có ít nhất 30-40% học sinh THPT tiếp tục học tập ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Có ít nhất 45% học sinh ở vùng thuận lợi và ít nhất 35% ở vùng khó khăn tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ CĐ.

Những địa phương hiện nay được đánh giá là phân luồng tốt sau THCS như Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Quảng Ninh thì việc phân luồng được đưa vào nghị quyết của tỉnh, nhất quán chỉ đạo từ trên xuống.

Bên cạnh quy định phân luồng được “áp” xuống, hệ thống trường nghề, trung tâm đào tạo nghề, ưu đãi cho người học nghề và tham gia lao động tại địa phương sau khi qua các lớp đào tạo ngắn, dài hạn được vạch ra rất rõ.

Phân luồng và ba rào cản Phân luồng và ba rào cản

TT - Là một nhà giáo, tôi luôn ủng hộ quan điểm phân luồng học sinh của ngành giáo dục.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên