22/06/2012 05:30 GMT+7

Phải tiếp tục cuộc vận động "hai không"

TS Hồ Thiệu Hùng
TS Hồ Thiệu Hùng

TT - Kết quả tốt nghiệp THPT 98,97% vẫn đang nhận được sự quan tâm của dư luận, nhất là những người trong ngành. Xin giới thiệu ý kiến của hai nhà sư phạm về nỗi băn khoăn trước kết quả kỷ lục này.

Cả nước đậu tốt nghiệp THPT 97,63%Bắc Giang: đỗ tốt nghiệp THPT gần 100%

GDpnzEsj.jpgPhóng to
Niềm vui của thí sinh sau khi làm xong bài thi môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 - Ảnh: NHƯ HÙNG

“Hai không” đã cáo chung?

Vậy là kỳ thi tốt nghiệp THPT đã có kết quả, một kết quả đẹp tuyệt vời, xô đổ mọi kỷ lục trước đây. Có bất ngờ không? Hoàn toàn không, bởi kết quả này có thể dự báo từ trước khi cuộc vận động “hai không” (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục) đã thoi thóp từ vài năm nay. Chủ trương thay đổi thi cử của Bộ GD-ĐT - giao hoàn toàn quyền chủ động cho các tỉnh - chỉ là hồi chuông nguyện hồn cuộc vận động này mà thôi.

Kết quả trên phản ánh cái gì? Rằng chất lượng giáo dục đã được nâng lên đến mức lý tưởng ư? Không, người ngây thơ nhất cũng không tin vào điều đó.

Hãy cứ hỏi các hiệu trưởng tự trọng, tận tâm với nghề và dám nói thẳng đi. Họ sẽ cho biết là với người làm quản lý giáo dục mà thiếu tự trọng thì việc thi đậu 100% là việc trong tầm tay.

Kỳ thi này có trường hồn nhiên ra thông báo cho học sinh là “không cần dò kết quả” bởi trường đậu 100% rồi, năm sau e rằng việc này sẽ lặp lại ở quy mô lớn hơn cấp trường. Có giáo viên bất bình vì thấy lớp yếu hơn lại có tỉ lệ đậu cao hơn lớp giỏi. Có hiệu trưởng trường nổi tiếng bất bình vì cuối cùng trường nào cũng “giỏi” như trường nào, thậm chí trường yếu hơn còn có tỉ lệ đậu cao hơn. Có sở cho biết sẽ không công khai danh sách trường đậu 100%.

Như vậy kỳ thi tốt nghiệp năm nay có kết quả không đáng tin. Kết quả này dù có làm cho nhiều người mừng vui, thở phào nhẹ nhõm nhưng cũng khiến lắm người ngượng ngùng, không biết lý giải thành tích như thế nào. Vụ tiêu cực tại hội đồng thi Trường Đồi Ngô tỉnh Bắc Giang bị phanh phui không chỉ làm lộ chân tướng của một số người tại hội đồng thi này, mà còn phanh phui chuyện lớn hơn nhiều: tiêu cực và bệnh thành tích đã thấm sâu vào “lục phủ ngũ tạng” của cơ thể giáo dục rồi, mà không phải chỉ của giáo dục thôi đâu.

Phải tiếp tục cuộc vận động “hai không” nhưng không để giáo dục loay hoay giải quyết với nhau như năm năm vừa qua mà phải gắn với cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong toàn xã hội, thực hiện quyết liệt từ trên trước, từ quan điểm đánh giá giáo viên trước, chứ không phải từ đánh giá học sinh trước như lâu nay ta vẫn chăm bẳm làm. Khẩu hiệu bây giờ là “nói không với tiêu cực và bệnh dối trá trong xã hội”. Người giương cao khẩu hiệu này bây giờ không phải chỉ là người cấp bộ trưởng mà là cấp cao nhất cả nước, bởi tiêu cực và dối trá trong xã hội đang hủy hoại lương tâm của một bộ phận không nhỏ công dân và đang dẫn tới những hậu quả chính trị - xã hội khó lường.

Chưa là kết quả đẹp

Trong một nền giáo dục cho số đông, chương trình đào tạo nói chung cần được chuyển đổi theo hướng hiện đại, nhân bản và dân chủ sao cho mọi người học có thể tìm thấy việc học thích hợp với năng lực, nhu cầu và quan tâm của mình. Nhờ vậy tất cả họ cảm thấy thành đạt, không cảm thấy mối đe dọa bị thất bại, bị thải loại. Con số gần 100% học sinh tốt nghiệp THPT năm nay gợi ra rằng giáo dục VN có vẻ đang làm được điều ấy: học sinh nào cũng có thể thành đạt.

Thế nhưng, kết quả đẹp ấy cũng làm cho mọi người băn khoăn, hoài nghi bởi nhiều lẽ: khi chương trình đào tạo trọng tâm vẫn là “giáo dục khoa cử” chưa thật sự được chuyển sang giáo dục tố chất - năng lực, “giáo dục sách vở” chưa thật sự được chuyển sang giáo dục nhân bản, giáo dục nghề nghiệp thực tiễn; khi thể chế giáo dục và cơ chế vận hành nhìn chung vẫn mang tính tập quyền mạnh mẽ...

Quản lý của Nhà nước với giáo dục nhìn chung được chỉ đạo từ trên xuống và các cán bộ cấp thấp hơn vẫn phải trung thành với chủ trương và quy định của cấp trên để phục vụ lối dạy học để thi cử. Cụ thể, chương trình - sách giáo khoa bao gồm cả phương pháp giảng dạy, phương thức đánh giá, đề cương ôn thi, đề thi đều do trung ương quyết định và áp dụng toàn quốc. Một số thay đổi mang tính kỹ thuật từ trung ương đã được thực hiện: giảm độ khó của đề thi tốt nghiệp; bỏ quy định chấm chéo, nhiều quyền chủ động cho hội đồng thi địa phương tạo cơ sở cho việc “nới tay” trong coi - chấm thi...

Trong dòng tập quyền ấy, địa phương được phân quyền theo kiểu “sang bớt việc”, hoặc được chủ động thanh tra xử lý các vụ tiêu cực thi cử như kiểu Đồi Ngô. Cách phân quyền yếu này chẳng thể làm những lãnh đạo địa phương cảm nhận sâu sắc rằng giáo dục là nhằm phục vụ các mục đích phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Vì vậy, họ có thể thực thi dạy học và đánh giá kết quả dạy và học theo cách chẳng phải để chuẩn bị cho một nguồn nhân lực kế tục giúp phát triển chính cộng đồng địa phương của mình. Họ có thể buông lỏng mình cho sức quyến rũ của thành tích, bởi thành tích sẽ mang đến danh lợi. Sản phẩm tinh thần của lối đào tạo khoa cử là lý tưởng học để kiếm bằng cấp, có bằng cấp để kiếm tiền, kiếm địa vị và danh lợi. Sản phẩm này hiện hữu trong nhiều người học, trong đó có người dạy, người quản lý giáo dục - những người đóng vai trò quyết định chất lượng giáo dục.

Thế nên, có vẻ như kết quả đẹp của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay và chiều hướng tăng trưởng số lượng học sinh đậu tốt nghiệp trong mấy năm qua được tạo ra bởi những yếu tố ít liên quan đến quan điểm và chiến lược cải cách giáo dục theo hướng hiện đại và nhân bản.

Không phải thương học trò

521 ý kiến bạn đọc phản hồi về kết quả thi tốt nghiệp THPT đạt kỷ lục 98,97% phần nhiều đều tỏ ra không tin cậy với con số này, trong đó nhiều bạn đọc phản ứng mạnh với lập luận của một số thầy cô coi thi là “thương học trò nên nhắm mắt làm ngơ” (Tuổi Trẻ 21-6).

* Thành tích cần phải có và rất cần phải đề cao, tôn vinh nhưng phải đúng với thực tế. Chỉ có như vậy tương lai con cháu chúng ta mới được đảm bảo và chúng mới không chê cười thế hệ hôm nay.

* Nhiều thầy cô đã chạy đua thành tích bằng hành động dối trá, rồi không dám dũng cảm nhận sai lầm của mình để sửa chữa, ngược lại còn đổ lên vai các em học sinh bằng lý do đầy tính chất ngụy biện “thương nên nhắm mắt làm ngơ”. Nếu thương học trò thì phải nghĩ đến tương lai của các em chứ? Việc các thầy cô làm không những ảnh hưởng đến tương lai, nhân cách của học sinh, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tương lai xã hội và nước nhà.

* Cùng là giáo viên, trước giờ tôi hiểu và đồng cảm với các thầy cô trong rất nhiều trường hợp... Nhưng riêng cái chuyện “yêu thương” không giống ai này thì tôi cực lực phản đối. Tôi thất vọng và đau lòng.

TS Hồ Thiệu Hùng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên