An toàn giao thông: phải nghiêm từ hai phía
Với lập luận thực trạng tai nạn, ùn tắc giao thông... trở nên tồi tệ có nguyên nhân từ ý thức kém của nhiều người chạy xe, do vậy cần thiết tăng mức độ cưỡng chế, răn đe để người chạy xe phải tôn trọng Luật giao thông. Tất cả đều tán đồng.
Và kỳ vọng sự ủng hộ của HĐND TP đối với UBND TP áp dụng những biện pháp mạnh để xử lý những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, hi vọng cải thiện bức tranh xám xịt ở lĩnh vực này vốn gây nhiều âu lo cho cộng đồng.
Song duy trì những biện pháp mang tính cưỡng chế hành chính ở mức độ cao hơn là cần nhưng chưa đủ để có thể giải quyết căn cơ ùn tắc, tai nạn giao thông. Nói cách khác, nghiêm minh đối với một phía chưa thể mang lại kết quả cho bài toán giao thông đô thị. Điều này chỉ có thể đạt được khi sự nghiêm minh, nghiêm túc xuất phát từ cả hai phía, trong đó quản lý nhà nước phải nêu gương trong việc tuân thủ các chính sách, quy định của pháp luật, quy hoạch...
Đang có thực tế khác, đó là phía quản lý nhà nước chưa nghiêm với chính mình. Áp lực giao thông ở các quận nội thành TP.HCM đang căng như dây đàn, do mật độ dân số cao, tập trung quá nhiều các cơ sở kinh doanh buôn bán, trường học, bệnh viện, công sở... Cũng vì mục tiêu giảm sự căng thẳng này, cộng đồng dân cư đã đồng thuận với chủ trương của UBND TP di dời cảng biển, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề ra khỏi khu vực trung tâm TP. HĐND TP nhiệm kỳ trước nhiều lần khuyến cáo, lưu ý phải hết sức cân nhắc khi cho phép các dự án đầu tư có thể thu hút đông người vào khu vực trung tâm. Thế nhưng, như nhận xét của người tiền nhiệm - nguyên chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo: “...Xem ra các công trình cao ốc (ở khu vực trung tâm) vẫn mọc lên đều đều”.
Lời nói chưa đi đôi với việc làm. Ngày 20-2, UBND TP đã chấp thuận chủ trương cho xem xét điều chỉnh chức năng một số công trình từ văn phòng, khách sạn sang căn hộ để bán hoặc cho thuê; hoặc từ căn hộ cho thuê sang căn hộ bán. Chủ trương này nhằm giải quyết khó khăn cho nhà đầu tư nhưng lại gây băn khoăn, thậm chí bức xúc cho người dân vốn đang khốn khổ vì nạn kẹt xe.
Cũng trên thực tế, nhiều bất cập nảy sinh do quản lý nhà nước chưa nghiêm với chức trách của mình. Ai chịu trách nhiệm khi có đến 59/79 tòa nhà cao tầng ở khu vực trung tâm TP.HCM được rà soát, kiểm tra không đủ chỗ giữ xe (chiếm 75%); 6/79 tòa nhà không có chỗ giữ xe? Lẽ đương nhiên xe phải tràn ra vỉa hè, lòng đường. Từ nay dứt khoát không cấp phép xây dựng các tòa nhà không dành đủ diện tích trông giữ xe - một tuyên bố muộn màng.
Trong thực thi công vụ cũng vậy, UBND TP xác định đẩy mạnh phong trào chống tiêu cực trong khi tuần tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, như là một trong nhiều giải pháp quan trọng để ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông, nhưng giảm tiêu cực vẫn là khát khao của nhiều người dân... Tất cả những điều đó đều có thể quy cho lỗi thuộc về quản lý, chưa nghiêm với chức trách của chính mình.
Trật tự an toàn giao thông có được cải thiện phải trên cơ sở đồng thuận của cộng đồng. Nếu sự đòi hỏi nghiêm khắc hay áp đặt chỉ cho một phía thì rất khó đi đến mục tiêu chung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận