16/05/2014 12:18 GMT+7

Phải mạnh mới giữ được nước

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Khác với những ngày trước, ngày 15-5, trong mắt nhiều bạn đọc đến đóng góp cho cuộc đấu tranh giữ gìn chủ quyền trên biển Đông, ngoài sự tin tưởng và tâm ý sẵn sàng còn đượm những nét buồn lo: “Ấy là vì những chuyện đang xảy ra trong bờ”.

Ôtô Trường Hải góp 1 tỉ đồng hướng về biển ĐôngVăn nghệ sĩ hướng về biển ĐôngBạn đọc đóng góp 3,2 tỉ đồng

C8ESIogA.jpg
Ông Phạm Xuân Lãng (phải), phó tổng giám đốc Công ty Tương Lai, đại diện công ty đóng góp 500 triệu đồng - Ảnh: Thanh Đạm

Không hẹn mà gặp, nhiều người cùng chỉ cho chúng tôi những tin tức đang được cập nhật liên tục trên những thiết bị di động cầm tay. Không cần nhìn qua, chúng tôi cũng đã biết. Đó là những tin tức về các phản ứng quá khích ở Hà Tĩnh, Bình Dương, Biên Hòa (Đồng Nai)...

Đừng tự làm mình yếu đi

10.202.587.600 đồng

Là số tiền bạn đọc đóng góp và hưởng ứng chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” tính đến 17g30 ngày 15-5. Riêng trong ngày 15-5, số tiền là 1.390.151.000 đồng.

* Trong ngày 15-5, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM, chương trình đã chi hỗ trợ 304 lá cờ Tổ quốc cho các ngư dân huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi với số tiền 43.100.000 đồng. Như vậy, tính đến ngày 15-5, báo Tuổi Trẻ đã triển khai hỗ trợ các hoạt động với số tiền 4.313.500.000 đồng.

Ông Phạm Xuân Lãng, phó tổng giám đốc Công ty Tương Lai (đơn vị đang kinh doanh cao ốc Union Square), mang đến 500 triệu đồng của công ty với hàng tá lo lắng: “Tin tưởng hết sức vào khả năng của các lực lượng chấp pháp cũng như tin vào cầu nối của Tuổi Trẻ nên chúng tôi đến đây để gửi gắm. Nhưng hôm nay lại lo buồn vì những chuyện xảy ra trong đám đông ở các khu công nghiệp. Tôi từng phục vụ trong quân đội 10 năm ở đơn vị trinh sát đặc biệt, từng bị thương vỡ nửa hộp sọ, đơn vị đã làm lễ truy điệu. Kể vậy để nói rằng tôi rất hiểu chiến tranh, và vì thế rất sợ chiến tranh. Báo hãy viết sao để các bạn trẻ đang để cho sự nóng đầu lấn át lý trí hiểu rằng “chiến tranh không phải trò đùa”, dù tôi là người thứ bao nhiêu nói điều đó rồi”.

Đồng hành với ông Lãng, bà Văn Xuân Thảo, phó tổng giám đốc Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát, chia sẻ: “Tập đoàn chúng tôi có nhiều đối tác là công ty người Hoa. Bữa giờ theo dõi thông tin, lòng mình cũng bừng bừng lên đó chứ, nhưng làm việc với đối tác vẫn bình yên. Phòng ngừa xa, tôi có tổ chức nhắc nhở nhân viên: đối tác của mình là những doanh nhân đến đây đầu tư, hợp tác đôi bên cùng có lợi, không được để cảm xúc điều khiển công việc sẽ thiệt đủ điều”.

Cùng suy nghĩ, chị Hoàng Lệ Quyên, phó giám đốc Phòng khám đa khoa Đại Phước (Q.11, TP.HCM), khi cùng nhân viên của mình ôm thùng quyên góp đến tổng kết ngay tại trụ sở báo Tuổi Trẻ đã nói ngay trong lúc mở phong bì: “Lúc đất nước gặp khó khăn, mỗi người đều có nghĩa vụ xúm vào góp một chân một tay. Nhưng góp sức như những bạn đang gây ra bất ổn ở Bình Dương, Hà Tĩnh, Đồng Nai thật là sai lầm. Càng thử thách càng phải bình tĩnh. Ngoài biển đấu bằng mưu trí, trên bàn ngoại giao đấu bằng lý lẽ, đất liền phải đấu bằng tinh thần đoàn kết và kinh tế vững mạnh. Nước phải mạnh thì mới giữ được. Quanh khu vực phòng khám của chúng tôi có nhiều phòng mạch Trung Quốc, bệnh nhân cũng nhiều người Trung Quốc, từ chối họ là chúng tôi tự làm mình yếu đi”.

Đến vào cuối chiều, Công ty cổ phần nước giải khát Chương Dương đóng góp 50 triệu đồng tiền quyên góp của cán bộ công nhân viên và 1.000 thùng nước giải khát các loại của công ty, trị giá 80 triệu đồng, kèm tờ thông báo mà công ty đã gửi đến toàn bộ nhân viên mình: “không khiêu khích, kích động, không phân biệt đối xử với các Hoa kiều đang làm ăn, sinh sống tại VN; giữ gìn tình hữu nghị giữa dân tộc hai nước...”.

Chỉ mấy thùng nước ngọt, ông Trần Đức Hòa, chủ tịch hội đồng quản trị công ty, thổ lộ: “Tôi từng được ra Trường Sa, thật thấu tình quê hương đất nước giữa trời biển mênh mông, lại còn hiểu thêm nỗi thiếu thốn nước ngọt trên tàu, trên đảo. Vì thế, chúng tôi xin đóng góp vào các chuyến tàu chấp pháp sản phẩm của mình”.

Cảm ơn cho lòng tin tưởng

Một nhóm phụ nữ hưu trí ở khu phố 1, phường 25, Bình Thạnh viết ngay vào cuốn sổ ghi cảm tưởng của báo Tuổi Trẻ để gửi Hoàng Sa - Trường Sa: “Chúng tôi đã có tuổi, không còn sức trẻ nên tình nguyện lên tàu, ra đảo để nấu cơm, phục vụ bộ đội”. Một đôi vợ chồng nhà giáo nhất quyết không cho chụp ảnh, ghi tên khi đóng góp nhưng lại rất hăng hái ghi vào sổ hiến kế: “Chúng ta cần trang bị thêm khí tài cho quân đội đủ mạnh để bảo vệ Tổ quốc. Mỗi người đóng một đồng, chúng ta có 90 triệu đồng. Mỗi người đóng 1.000 đồng, chúng ta có 90 tỉ đồng; đóng 10.000 đồng, ta có 900 tỉ đồng... Xem ra việc khó đã thành dễ”.

Clip Sinh viên hướng về biển Đông

Chiều muộn, cô giáo Trần Thị Phương Thảo (Trường THPT Trường Chinh, Q.12, TP.HCM) mặc chiếc áo cờ đỏ sao vàng dẫn con gái hào hển đến. “Đây là tiền các em học sinh lớp tôi chủ nhiệm mới quyên góp, đây là tiền hai mẹ con đập ống heo” - cô đặt hai xấp tiền giấy lên bàn, rành mạch. Dạy học ở Q.12, nơi hầu hết học sinh đều là con công nhân nghèo, ít có điều kiện tiếp cận thông tin thường xuyên, ngày nào cô Thảo cũng mua báo, tập hợp lại để thông tin cho các em học sinh trong tiết chủ nhiệm của mình.

“Việc to lớn mình không làm được, chỉ có thể làm vậy để định hướng cho học sinh, không để các em bị kích động mà lạc lối” - cô cười. Bên cạnh, cô con gái Thảo Vy mới học lớp 5 cầm ngay tờ báo Tuổi Trẻ đọc những trang tin tức nóng bỏng với vẻ đầy đăm chiêu. Được hỏi có hiểu không, cô bé nhoẻn cười: “Con hiểu chứ. Sau này con sẽ cố gắng để được làm giám đốc, có nhiều tiền, mua tặng các chú hải quân một con tàu”.

Một mơ ước thật lớn đáng được cầu chúc để có ngày thành sự thật. Và ngay sau đó, chúng tôi lại được đón một cậu bé cũng đặc biệt không kém: bé Masaaki, 6 tuổi, người Nhật. Đập con heo đất một cách quả quyết, cậu bé còn cầm bút nắn nót: “Con là Masaaki, lớp 17 trường Hà Huy Tập. Con đập heo để tặng các chú bộ đội”.

Chiều mưa, nhưng những người đến đóng góp lại đông thêm. Những tin tức từ biển, từ bờ vẫn đổ về nóng bỏng, có khả quan, có bất lợi. Nhưng nhìn vào ánh mắt những bạn đọc của chúng tôi hôm nay, vẫn vững tin rằng dân tộc mình sẽ giữ vững được cả chủ quyền và hòa bình bằng quyết tâm của mấy mươi triệu người sát vai bên nhau.

Không thể cảm ơn lòng yêu nước, nhưng đây lại là thời điểm phải cảm ơn lòng tin tưởng của mọi người vào những gì mà chúng tôi, chúng ta đã làm.

_____________________

jgCKhmBw.jpg
Bé Masaaki (người Nhật) đập ống heo được gần 600.000 đồng ủng hộ chương trình. Mẹ bé Masaaki cũng ủng hộ 2 triệu đồng - Ảnh: Tự Trung

Đà Nẵng: học sinh đập heo đất, nhịn quà để đóng góp

Ngày 15-5, văn phòng báo Tuổi Trẻ tại Đà Nẵng tiếp tục đón nhận thêm nhiều tấm lòng ủng hộ chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”.

Từ buổi sáng, anh Mai Văn Khoa - Công ty CP Kiến trúc cửa đẹp Adoor, đã đến ủng hộ 3 triệu đồng. Anh Khoa chia sẻ: “Công ty chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ mỗi tháng 3 triệu đồng cho đến khi Trung Quốc rút giàn khoan trái phép khỏi lãnh thổ VN”. Anh Phan Ngọc Lướt - tổ trưởng tổ dân phố 49, phường Chính Gian, Thanh Khê, Đà Nẵng, ủng hộ 1 triệu đồng. Anh Lướt cho biết đó là hai tháng lương tổ trưởng dân phố của anh, mong được góp sức cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển Đông.

Suốt những ngày qua, sau khi báo Tuổi Trẻ kêu gọi chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” có hàng trăm tập thể, cá nhân đến văn phòng báo Tuổi Trẻ tại Đà Nẵng tham gia ủng hộ. Trong đó có rất nhiều những em nhỏ.

Chiều tối 14-5, bé Nguyễn Thanh Quang - Trường mẫu giáo Búp Sen Hồng - được ba mẹ đưa đến ủng hộ 1 triệu đồng từ tiền để dành tiết kiệm. Cùng với đó, 10 học sinh Trường mầm non - tiểu học Đức Trí (Đà Nẵng) cùng cô giáo của trường đã đến đóng góp 15 triệu đồng.

Cô Nguyễn Thị Kim Loan, cán bộ công đoàn Trường mầm non - tiểu học Đức Trí, cho biết sau khi nghe thông tin báo Tuổi Trẻ phát động chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”, nhà trường đã phát động trong toàn thể giáo viên và học sinh tham gia hưởng ứng. Các em học sinh đã dành tiền tiết kiệm heo đất, tiền mua quà...để tham gia đóng góp một phần nhỏ bé của mình cho những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên biển. Em Nguyễn Phan Hoài Thư (lớp 3/2) chia sẻ: “Con xem tivi thấy các chú bộ đội trên biển vất vả lắm. Con đóng góp 50.000 đồng là tiền tiết kiệm để cùng các bạn học sinh khác ủng hộ các chú hải quân, cảnh sát biển”.

Còn cô Trịnh Thúy Hường, giảng viên Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, ngày 13-5 đã đến văn phòng báo Tuổi Trẻ Đà Nẵng ủng hộ 3 triệu đồng thì đến hôm sau tiếp tục tới ủng hộ 2 triệu đồng. Cô nói số tiền ủng hộ lần sau này là của gia đình bạn cô ở Nhật Bản nhờ gửi đến báo Tuổi Trẻ.

ĐOÀN CƯỜNG

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên