13/05/2014 02:00 GMT+7

Bạn đọc đóng góp 3,2 tỉ đồng

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Ngày thứ hai 12-5, nắm chặt trong tay tờ Tuổi Trẻ với những dòng tít: “Trung Quốc hành động ngày càng nguy hiểm”, “Tàu Trung Quốc liên tục tấn công tàu VN”... bạn đọc đến ủng hộ chương trình Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông ngày càng nhiều.

K9nJ96BM.jpg
Bà Nguyễn Thị Mai Lan, quận 2, TP.HCM, góp 15 triệu đồng hưởng ứng chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”. Bé Hoàng Ngọc Mai Anh đã cùng bà góp thêm 221.800 đồng là số tiền bé đập ống heo để dành sau nhiều ngày - Ảnh : Thanh Đạm

1.490.423.000 đồng đã được bạn đọc đóng góp trong ngày 12-5. Như vậy, số tiền bạn đọc đóng góp chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” tính đến 17g30 cùng ngày đã hơn 3,22 tỉ đồng.

55uoaxAH.jpg
Ông Nguyễn Thanh Tú (trái) đại diện Công ty cổ phần Sữa VN (Vinamilk) đến báo Tuổi Trẻ trao 1 tỉ đồng hưởng ứng “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” - Ảnh: T.Đạm
ildFjMQk.jpg
Nhân viên Công ty bảo hiểm Viễn Đông đóng góp một ngày lương - Ảnh: T.Đạm
UOKJ9XZY.jpg
Như những lần trước đây đến báo Tuổi Trẻ đóng góp tiền vì Trường Sa, lần này chị Nguyễn Thị Quý, quận 12, TP.HCM sau một ngày buôn bán ve chai đã nóng lòng đến báo Tuổi Trẻ đóng góp 500.000 đồng hưởng ứng chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” - Ảnh: Thanh Đạm

“Đóng góp để chữa bệnh... tức”

Vừa đến tòa soạn, bác Nguyễn Văn Quang đã nói lớn: “Bữa nay tui cũng tới đây để chữa bệnh tức. Mấy ngày rồi hễ đọc tin tức về giàn khoan Trung Quốc là huyết áp tui tăng, đi không nổi. Bữa nay mới nhờ ông bạn chở lên đây đóng góp cho bớt tức. Tiền này là tiền thương binh, tiền trợ cấp chất độc da cam của tui đó”.

Thêm nhiều tấm lòng chung sức bảo vệ biển Đông

Ngồi ở bàn đóng góp bên cạnh, vợ chồng cô Hà Thị Mai và chú Huỳnh Phước Mẫm đồng tình: “Anh nói đúng đó. Ai tới đây tham gia chương trình cũng cho bớt tức mình, để góp chút gì đó chống lại tàu Trung Quốc”. Vợ chồng cô góp 20 triệu đồng.

Cô tính: “Lương hưu của ổng mỗi tháng tầm 3 triệu đồng mà tới tháng 6 mới được nhận tháng đầu tiên. Tụi tui gom tiền nhà ứng trước bảy tháng lương để góp, chừng nào lĩnh lương bù vô sau”. Cô nói hai vợ chồng chỉ đủ ăn, chú về hưu, gia đình cô quyết định về Củ Chi làm nông dân nuôi bò, giờ đóng góp lo chuyện nước trước, chuyện nhà tính sau.

Cơn mưa chiều đến đột ngột chưa kịp tạnh đã thấy cô Nguyễn Thị Vân, nhà ở phường Bến Thành, quận 1 (TP.HCM) đội mưa đến góp 14 triệu đồng.

Số tiền này là tiền tuất của chồng cô, cộng thêm chút tiền dành dụm mà cô có được. Cô tâm sự: “Ông ấy là bác sĩ. Lúc còn sống tâm nguyện của ông là được làm việc gì có ích cho đời. Nay vận nước đang nguy thế này, tôi làm vậy chắc ông cũng vui lòng nơi chín suối”.

Thương anh em ngoài biển

Đội cơn mưa chiều, chị Quý “ve chai” (chị Nguyễn Thị Quý - người phụ nữ bán ve chai từng nhiều lần đóng góp cho chương trình Góp đá xây Trường Sa và từng được ra thăm Trường Sa) tìm tới Tuổi Trẻ vẫn với chiếc nón lá cũ rách và tấm áo sờn vai.

Chị vừa đi mua ve chai về, gom gần hết tiền vốn còn lại trong túi đóng cho chương trình 500.000 đồng, chừa lại cho mình đúng 42.000 đồng về lo bữa cơm chiều.

“Nghe chuyện ngoài biển tui rất là sốt ruột, rất lo sợ cho anh em ngoài biển. Tui nghĩ người nào chưa ra Trường Sa thì yêu biển 1 triệu lần, còn người nào đã ra rồi thì tình yêu đó phải lên tới 1 tỉ lần”.

Nói xong chị khóc. Trước khi ra về, chị Quý hỏi xin tấm phụ trương của Tuổi Trẻ có khẩu hiệu và hình ảnh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi Việt Nam.

Chị phân trần: “Hôm qua tui dán một tấm ngay tại bến đò gần nhà rồi. Giờ xin tấm nữa về, xin phép chủ đò cho dán trên đò cho khách đi đò coi”.

Phải mất một lúc khá lâu cô Hồ Thị Kim Sương, từng công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy, mới lấy lại được bình tĩnh.

Nước mắt lăn dài, cô kể: “Mỗi lần xem hình, xem đài thấy họ đâm tàu mình tôi uất nghẹn, thương anh em đang bám trụ ngoài biển quá!”.

Chị Nguyễn Thanh Trúc (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng nhắc tới biển Đông với đôi mắt đỏ hoe: “Mình suốt ngày bận con nhỏ, nội trợ, ít có thời gian. Nhìn tàu thuyền của mình thì nhỏ, họ ỷ mạnh, ỷ đông ăn hiếp yếu, mình thương ngư dân, bộ đội của mình... Có chút đỉnh đóng góp, mong các anh vững lòng, người ở nhà ai cũng ủng hộ các anh”.

Còn chị Trần Thị Minh Hiền (quận Bình Thạnh, TP.HCM) rời tòa soạn với câu nói nấc nghẹn: “Thấy ngư dân bị tàu Trung Quốc hiếp đáp, tui chịu không nổi. Nhờ báo chuyển chút tiền mua thêm dụng cụ, trang bị cho họ bớt cực”. Những giọt nước mắt của đất liền hôm nay sẽ biến thành sức mạnh cho những người nơi đầu sóng.

Vinamilk ủng hộ 1 tỉ đồng

Chiều 12-5, đại diện Công ty cổ phần Sữa VN (Vinamilk) đã đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ ủng hộ 1 tỉ đồng cho chương trình Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông. Ông Nguyễn Thanh Tú, chủ tịch công đoàn công ty, cho biết đây là phần đóng góp tự nguyện của tập thể cán bộ, công nhân viên toàn công ty, là tình cảm, tấm lòng, là sự động viên của anh chị em trong công ty gửi đến các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên biển Đông.

Nói thêm về nguồn gốc số tiền ủng hộ, ông Tú kể xem thông tin trên Tuổi Trẻ, rất nhiều anh chị em trong công ty chủ động gửi email đề nghị tổ chức công đoàn đứng ra phát động phong trào. Nhiều người còn “dọa”: Nếu công ty không làm sớm thì từng bộ phận chúng tôi xin làm trước! Đồng cảm với suy nghĩ của tập thể, công đoàn và lãnh đạo công ty đã gấp rút liên lạc với tổng giám đốc đang đi công tác nước ngoài để xin ý kiến. Sau khi được chấp thuận, công đoàn công ty đứng ra vận động và anh chị em đã tình nguyện đóng góp bằng ngày lương của mình.

“Truyền thống yêu nước đã có từ ngàn đời. Người VN mình là vậy, khi có người dám động đến bờ cõi, tấc đất thiêng liêng của mình thì không thể chấp nhận, không thể nhân nhượng. Đây cũng là truyền thống văn hóa của Vinamilk”- ông Tú chia sẻ. Ông Tú cũng bày tỏ mong muốn được cùng với đại diện Tuổi Trẻ trực tiếp đến tận nơi để trao phần ủng hộ của công ty cho cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên biển.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên