24/11/2018 14:38 GMT+7

Phải làm gì khi có bão?

ĐỒNG LỘC
ĐỒNG LỘC

TTO - Những tháng gần Tết, các cơn bão vào biển Đông thường có khuynh hướng đổ bộ các tỉnh phía Nam. Sự tàn phá của bão là do sức gió xoáy rất mạnh với những đợt gió giật có vận tốc lên đến 140 km/h.

Trận bão tháng 11-1964 ở Việt Nam

Đồng thời, bão cũng gây mưa lũ lớn trên diện rộng gây nhiều thiệt hại về nhân mạng và tài sản.

Vậy, khi có bão vào và chúng ta ở ngay trên đường bão di chuyển, phải làm gì để bảo vệ bản thân và gia đình cũng như làm giảm nhẹ thiệt hại đến mức thấp nhất có thể?

Trước khi bão đến

- Kiểm tra các cửa chính, cửa sổ. Nếu các cánh cửa yếu, có thể dùng ván ép (có độ dầy ít nhất 1,5cm) đóng bít lại để ngừa sức gió phá vỡ các cánh cửa sổ và luồn vào nhà.

- Nếu mái nhà lợp bằng tôn, hãy dùng dây dai dệt bằng sợi tổng hợp bản lớn chằng giữ, hoặc có thể dùng các bao cát chất lên nóc.

- Nếu sân nhà có các cây lớn, hãy cắt tỉa gọn gàng các cành nhánh để giảm nguy cơ gió quật ngã cây đè lên mái nhà.

- Xem xét các máng xối và ống thoát nước có bị nghẽn không để tránh nước mưa tích tụ lại trên mái nhà làm tăng áp lực có thể làm sụt mái, tràn nước vào nhà. Thông các cống rãnh để nước thoát nhanh.

- Khóa chặt cửa nẻo, nếu có đồ vật để ngoài sân hãy neo chằng kỹ lưỡng, cái nào nhỏ thì có thể mang vào cất trong nhà. Sức gió mạnh có thể thổi bay các đồ vật đó đập rất mạnh làm hư hỏng tường và phá vỡ cửa nhà.

- Dự trữ sẵn một số thực phẩm như mì gói, thức ăn đóng hộp, nước uống, thuốc chữa bệnh thông thường, bông băng, thuốc diệt khuẩn.

- Dự trữ nước sinh hoạt dùng để tắm gội, giặt giũ... đề phòng khả năng hệ thống cung cấp nước chính bị hư hại.

- Kiểm tra xăng nhớt và tình trạng hoạt động của các phương tiện di chuyển, vì có thể bạn và gia đình phải di chuyển khẩn cấp ra khỏi nhà đến nơi tạm trú khác.

- Gom các giấy tờ quan trọng cho vào một túi nylon chống nước, vì lắm khi nước lũ dâng cao ngập nhà làm hư hỏng các loại giấy tờ hồ sơ quan trọng, phải làm lại rất nhiêu khê.

- Chuẩn bị các túi hành lý chứa một số quần áo, chăn mền dự phòng, thực phẩm và nước uống cho trường hợp phải di tản theo lệnh của cơ quan chức năng hay tình thế nguy ngập.

- Kê cao các đồ vật trong nhà phòng nước ngập.

- Chuẩn bị sẵn một ít tiền mặt, bởi nhiều khi lúc bão các cây ATM không hoạt động.

Trong khi bão đang hoành hành

- Khóa chặt các cửa ra vào, cửa sổ. Nếu cửa yếu hãy dùng các cây chống để trợ lực không cho cửa bị gió thổi bung ra.

- Khóa van bình gas đun bếp.

- Tránh xa các cửa chính, cửa sổ bằng kính.

- Tránh sử dụng điện thoại, trừ trường hợp khẩn cấp.

- Nếu có yêu cầu từ cơ quan chức năng, hãy tắt nguồn điện chính.

- Cả gia đình nên tập trung vào một căn phòng nào kiên cố nhất.

- Nếu trần nhà bị rung lắc mạnh, hãy chui dưới gầm bàn, gầm giường hoặc dưới một đồ vật dày chắc nào đó để tránh bị đè khi sập trần nhà. Dùng gối, nệm che kín đầu.

- Thường xuyên mở radio, tivi để nghe những thông báo mới nhất về tình hình bão của cơ quan chức năng. Nếu có lệnh di tản, hãy lập tức làm theo hướng dẫn của các cơ quan này.

- Nếu bắt buộc phải mở cửa ra ngoài thì nên cẩn thận lúc mở cửa, có thể có các đường dây điện bị đứt và rơi trước cửa nhà, chúng ta không biết rằng các đường dây có còn điện hay không, nên tránh xa chỗ đó. Khi phải ra ngoài nên mang giày dép bằng nhựa khô ráo.

Và cuối cùng, hãy chuẩn bị tâm lý cho khả năng bạn và gia đình phải di tản khẩn cấp theo lệnh của cơ quan chức năng, hoặc trong trường hợp có nguy cơ nhà bị sập, nước lũ dâng ngập.

Vũng Tàu, các tỉnh miền Tây dồn lực chống bão Vũng Tàu, các tỉnh miền Tây dồn lực chống bão

TTO - Đến 12h trưa 24-11, Vũng Tàu và các tỉnh miền Tây tập trung tối đa lực lượng chống bão. Các tàu cá được kêu gọi quay vào bờ neo đậu an toàn.

ĐỒNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Bão Bão số 9