30/05/2024 09:07 GMT+7

Phải chấn chỉnh việc 'bán phá giá' gạo

Sau khi hai doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo VN trúng thầu cung ứng gạo cho Indonesia với giá thấp, nhiều DN ngành gạo và nông dân lo ngại giá lúa sẽ bị ảnh hưởng. Các chuyên gia cũng cảnh báo việc gạo xuất khẩu vào thị trường tập trung sẽ bị ép giá.

Nông dân và doanh nghiệp lo ngại việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo trúng thầu gạo giá thấp sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo - Ảnh: BỬU ĐẤU

Nông dân và doanh nghiệp lo ngại việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo trúng thầu gạo giá thấp sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo - Ảnh: BỬU ĐẤU

Theo một số chuyên gia, cơ quan quản lý cần giám sát và có động thái chấn chỉnh việc "bán phá giá" này, đồng thời thành lập sàn giao dịch gạo để minh bạch thông tin thị trường, thậm chí áp giá sàn xuất khẩu gạo như từng được Hiệp hội Lương thực VN (VFA) áp dụng trước đây.

Người trồng lúa lo bị thương lái "ép giá"

Ngày 29-5, ông Nguyễn Văn Thành (ngụ xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) cho biết gần 50 năm gắn bó với cây lúa, ông và gia đình mới được tận hưởng niềm vui trúng mùa, được giá như năm vừa rồi. Không chỉ đạt năng suất như ý, cả hai vụ hè thu và đông xuân đều bán được giá cao.

"Tính ra sau khi trừ hết chi phí, tôi đạt lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng/ha. So với cây trồng và vật nuôi khác, lợi nhuận từ trồng lúa như vậy chưa phải là cao, nhưng đây là mức lời mà từ trước đến giờ mới có được lần đầu", ông Thành nói.

Theo ông Thành, trong chuỗi sản xuất lúa gạo, vai trò của DN rất quan trọng, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. 

Việc kinh doanh là chuyện của DN, nhưng việc một số DN vì lý do này hay lý do kia mà "bán phá giá" để được trúng thầu xuất khẩu với giá thấp là không nên. 

Bởi nếu DN nào cũng chạy đua làm như vậy, không lâu sau giá lúa gạo trong nước sẽ sụt giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng lúa. Mặt khác việc làm này chẳng khác nào tự hạ giá, đánh mất uy tín, thương hiệu gạo Việt mà chúng ta đã cùng nhau gầy dựng mấy chục năm.

"Tôi nghĩ đây chỉ là sự cố của DN. Tuy nhiên, các ngành phải theo dõi sát sao để có giải pháp kịp thời, đừng vì cách làm của một số DN mà ảnh hưởng chung đến ngành lúa gạo VN, nhất là thiệt thòi cho nông dân", ông Thành kiến nghị.

Còn ông Trương Thanh Nhàn, giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phú An (huyện Phú Tân, An Giang), cho rằng việc một số DN trúng thầu gạo giá thấp chắc chắn có ảnh hưởng đến việc giá lúa của bà con nông dân sắp tới. 

Thực tế chi phí sản xuất lúa của nông dân đã tăng hơn so với trước đây nên lợi nhuận của nông dân hiện nay rất thấp.

"DN trúng thầu giá thấp dĩ nhiên sẽ mua lúa của nông dân thấp rồi. Ai cũng nói giá lúa gạo tăng nhưng thực tế không tăng đâu, vì chi phí đội lên rất nhiều rồi. 

Do đó, các DN và Bộ Công Thương nên tính kỹ lại giá thực tế lúa gạo và chi phí để làm sao nông dân có lợi hơn", ông Nhàn nói.

Giá lúa gạo trong nước sẽ bị ảnh hưởng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Công ty Đại Dương Xanh, chuyên xuất khẩu gạo ở tỉnh Kiên Giang, cho rằng việc bỏ thầu giá thấp hay cao là quyền của DN. 

Tuy nhiên, việc một số DN trúng thầu xuất khẩu gạo với giá thấp sẽ phần nào ảnh hưởng đến giá gạo trong nước thời gian tới. Theo vị này, DN trúng thầu thấp sẽ dẫn đến hai tình huống, đó là bán gạo lỗ hoặc mua lúa của nông dân với giá thấp.

"Thời buổi công nghệ nên thông tin cũng nhanh chóng lan truyền. Nếu ký hợp đồng giá thấp, thương lái sẽ ép giá. Nếu ký hợp đồng giá cao, thương lái cũng mua với giá cao cho nông dân. 

Do đó, về lâu về dài đối với đấu thầu gạo giá thấp sẽ phần nào bị ảnh hưởng đến giá gạo trong nước", vị này nói.

Trong khi đó, một lãnh đạo của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chơn Chính (Đồng Tháp) cho biết đang xuất khẩu dòng gạo thơm với giá 800 - 1.000 USD/tấn, nhưng khẳng định mỗi DN đều có chiến lược kinh doanh riêng. 

DN có thể chấp nhận mạo hiểm để bỏ thầu gạo với giá thấp. Nếu nhu cầu mua gạo trên thế giới tăng cao, DN bỏ giá thấp có thể sẽ thua lỗ do giá lúa trong nước tăng cao.

Ngược lại, nhu cầu mua thấp hoặc nguồn cung tăng nếu Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo trở lại, DN vẫn có đơn hàng để giao. Trong thực tế, nếu DN VN không bán, các nước khác như Thái Lan, Pakistan, Myanmar, Ấn Độ... cũng sẽ bán. 

Do đó, các nhà xuất khẩu phải biết chớp lấy thời cơ. Tuy nhiên, các bộ ngành hay các hiệp hội lương thực phải tư vấn kỹ lưỡng để các DN định hướng về quốc tế tích cực hơn, tầm nhìn xa để bà con an tâm hơn.

"Vì các nhà mua hàng quốc tế và bà con đang quan tâm rất lớn về lúa gạo. Các khách hàng quốc tế có thể căn cứ vào giá bỏ thầu thấp để đưa ra giá, gạo Việt sẽ không thể tăng cao hơn được. 

Các DN cần được tư vấn giá sàn gạo cấp thấp bao nhiêu, gạo thơm cao cấp bao nhiêu USD/tấn là vừa. Tuy nhiên, gạo đấu thầu vừa rồi là gạo cấp thấp, còn gạo cấp cao của VN vẫn bình thường, không ảnh hưởng gì", vị này nói.

Lo giá gạo xuất khẩu tập trung bị ảnh hưởng

Một thành viên của VFA cho biết theo quy chế thực hiện hợp đồng xuất khẩu tập trung của VFA, giá xuất vào thị trường tập trung quyết định khung giá cho gạo VN xuất sang các thị trường khác.

Việc hai DN Việt "xé rào" chào bán gạo cho Indonesia với giá quá thấp sẽ khiến giá gạo xuất khẩu tập trung với số lượng lớn bị ảnh hưởng.

"Nếu không khéo léo, không cân bằng, VN sẽ mất thị trường. Để kiểm soát việc gian lận giá, quy chế hiệp hội đã quy định sẽ buộc phân bổ xuất ủy thác cho DN khác đối với hợp đồng nghi ngờ xuất giá thấp.

Nhưng vẫn không ăn thua. Tôi ủng hộ lập sàn giao dịch gạo để kiểm soát. Vì mọi thông tin đưa lên sàn không thể mập mờ", vị này đề xuất.

Phải ngăn chặn chuyện "bán phá giá" gạo

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Võ Tòng Xuân cho rằng VN đang có thế mạnh về xuất khẩu gạo, lượng gạo dư với nhiều loại ngon để xuất khẩu như gạo thơm, gạo ST24, ST25, được các nhà nhập khẩu đánh giá cao về chất lượng. Trong khi đó, nhiều quốc gia có nhu cầu nhập khẩu gạo VN.

"Nếu Indonesia không mua sẽ có quốc gia khác tìm đến, chứ không thể tranh bán rồi "phá giá". Việc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Thuận Minh đều bỏ thầu với giá thấp là việc làm sai.

Tôi lo rằng từ nay thương lái quốc tế sẽ ép giá gạo VN, chỉ mua với giá như hai DN này chào bán, dẫn đến làm hại cả ngành hàng lúa gạo không bán được giá cao nữa", ông Xuân nói và cho rằng cơ quan chức năng cần phải chấn chỉnh hiện tượng "bán phá giá" này.

Cũng theo ông Xuân, đây cũng còn là lỗi của Bộ Công Thương khi không xác nhận giá trị mỗi loại gạo, không có sàn giao dịch để kìm những góc khuất thị trường, những hành động "phá giá"... "Tôi nghĩ cần thiết phải lập sàn giao dịch gạo để minh bạch các thông tin, nhất là giá bán, để hài hòa lợi ích nông dân, DN và các bên liên quan", ông Xuân đề xuất.

Trong khi đó, lãnh đạo một DN xuất khẩu kể câu chuyện hơn 5 năm trước, dù vẫn tồn kho 7 triệu tấn khi đang vào mùa thu hoạch mới, nhưng Thái Lan vẫn kiên quyết không giảm giá xuất khẩu, thậm chí còn hủy thầu do giá quá thấp.

"Tôi dẫn ra câu chuyện Thái Lan để tự ngẫm lại bài học. Bản thân cũng xuất khẩu gạo, tôi rất sợ chuyện một vài DN vì lợi ích cá nhân mà hạ giá gạo xuất khẩu, tạo nên phản ứng dây chuyền gây thiệt hại lớn cho xuất khẩu gạo VN", vị này nói.

Cũng theo vị này, với việc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời và Công ty Thuận Minh đều bỏ thầu gạo với giá thấp, chắc chắn các nhà mua hàng nước ngoài sẽ căn cứ vào đó để "ép giá", ảnh hưởng đến việc đàm phán xuất khẩu vào một số thị trường tập trung và đây là những tổn thất không tránh khỏi.

"Do vậy cơ quan chức năng, nhất là Bộ Công Thương và hiệp hội ngành hàng, phải có giải pháp nhằm ngăn chặn việc một số DN "bán phá giá" với bất cứ lý do nào", vị này đề nghị.

Lộc Trời bỏ giá thấp để xuất khẩu sang Indonesia, thiệt hại cho ngành lúa gạo?Lộc Trời bỏ giá thấp để xuất khẩu sang Indonesia, thiệt hại cho ngành lúa gạo?

Sau khi Indonesia công bố kết quả mở thầu tháng 5-2024, cả hai doanh nghiệp Việt Nam bỏ thầu với giá thấp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên