27/08/2020 08:57 GMT+7

Ông Vương Nghị làm gì ở châu Âu?

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có chuyến đi quan trọng tới 5 nước châu Âu, và mục tiêu lớn nhất là thúc đẩy hình ảnh của Trung Quốc, ngăn một 'liên minh' chống lại Huawei.

Ông Vương Nghị làm gì ở châu Âu? - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio bắt tay thời corona hôm 25-8 - Ảnh: Reuters

Chuyến đi của ông Vương Nghị kéo dài từ ngày 25-8 tới 1-9, dự kiến sẽ thăm Hà Lan, Na Uy, Pháp và Đức.

Đây là chuyến đi cấp cao đầu tiên của Ngoại trưởng Trung Quốc kể từ khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát ở nước này, mà theo truyền thông Trung Quốc thì nó "mô tả sống động tầm quan trọng của châu Âu đối với đối ngoại của Trung Quốc".

Giảm ảnh hưởng của Mỹ

Hãng tin Bloomberg ngày 25-8 nói thẳng nhiệm vụ của ông Vương Nghị là làm giảm sự ảnh hưởng của Mỹ ở châu Âu.

Đáng chú ý, ông Vương khởi hành chỉ hơn một tuần sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thực hiện chuyến thăm châu Âu tương tự, nơi ông Pompeo có phát biểu gây tranh cãi rằng Trung Quốc hiện nay tạo ra mối đe dọa còn lớn hơn Nga.

Dẫn chứng cho điều này, Bloomberg trích lời ông Vương nói tại Rome khi gặp Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio.

Theo đó, khẳng định mối quan hệ giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đang theo chiều hướng tốt, ông Vương kèm thêm một ý: "Tuy nhiên, mối quan hệ của chúng ta đang tổn thương vì những sự khiêu khích cũng như hủy hoại do các thế lực bên ngoài, vì vậy chúng ta phải tập trung vào lợi ích chung của hai bên".

Ngoại trưởng Trung Quốc không nói rõ "thế lực bên ngoài" là ai, nhưng ai cũng biết ông Vương ám chỉ đến Mỹ.

Ông Vương Nghị khẳng định Trung Quốc "không bao giờ muốn tạo ra một cuộc chiến tranh lạnh" và "chúng tôi không muốn để các nước khác thúc đẩy lợi ích cá nhân của họ, trong khi phá hoại lợi ích của các quốc gia khác".

Một nhà nghiên cứu đề nghị giấu tên tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc nói với Bloomberg rằng, xét thực tế quan hệ Mỹ - Trung xấu đi và việc ông Pompeo muốn xây dựng một liên minh chống Trung Quốc, châu Âu đang có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với Bắc Kinh.

Truyền thông Trung Quốc trong thời gian này cũng ra sức tuyên truyền về mối quan hệ giữa nước này với EU.

Trong bài viết về chuyến đi của ông Vương, tờ Hoàn Cầu Thời Báo nhấn mạnh dù còn nhiều khác biệt cũng như cùng chịu áp lực từ Mỹ, quan hệ Trung Quốc - EU vẫn duy trì sự cam kết dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi và đặc biệt là việc hai bên chia sẻ một trật tự quốc tế đa phương, chứ không phải "Nước Mỹ trên hết" như chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi.

"Kiểm soát thiệt hại"

Cạnh tranh Mỹ - Trung, xét trên bất kỳ khía cạnh nào, có vẻ cũng là yếu tố chi phối chính sách đối ngoại của Trung Quốc thời gian này, và chuyến đi của ông Vương Nghị cũng không ngoại lệ. Trong khi Mỹ ra sức thuyết phục đồng minh ở châu Âu tẩy chay Trung Quốc, giới quan sát lúc này đang dùng cụm từ "kiểm soát thiệt hại" để nói về trọng tâm trong cách ứng phó của Bắc Kinh.

Báo South China Morning Post cho rằng ông Vương sẽ chú ý tới bối cảnh hiện tại, khi Trung Quốc bị chỉ trích ở châu Âu xung quanh đại dịch COVID-19, chính sách ở Hong Kong, và thêm vào đó là việc nhiều nước lục địa già từ chối công nghệ 5G của Trung Quốc.

Theo bà Lucrezia Poggetti, một chuyên gia về quan hệ EU - Trung Quốc tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator, chuyến đi của ông Vương là "một hành động kiểm soát thiệt hại", cụ thể "Mục tiêu chính của Bắc Kinh là ngăn việc thành lập một mặt trận liên minh xuyên đại dương chống lại Trung Quốc, đặc biệt trong vấn đề công nghệ 5G".

Gao Zhikai - nhà ngoại giao Trung Quốc trước đây và từng là phiên dịch viên cho cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình - phân tích rằng những gì Trung Quốc đang cố gắng thực hiện là giữ mối quan hệ với các nước khác bình thường, đồng thời thể hiện bản thân theo cách thức khách quan hơn.

Còn đối với những vấn đề có "sự xuyên tạc do Mỹ tạo ra, Trung Quốc có quyền đưa tình huống trở lại bình thường", theo ông Gao. Nói cách khác, trước thực tế vẫn phải giữ hòa khí cho các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đang tiếp diễn, Trung Quốc sẽ lựa chọn cách thể hiện mềm mại hơn.

Trung Quốc ca ngợi quan hệ với Pháp

Hôm 25-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ca ngợi mối quan hệ giữa Trung Quốc với Pháp. Ông nhắc lại rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi năm nay, đồng thời "nhắc nhở" Pháp rằng cả hai đều có truyền thống "độc lập".

Sự "độc lập" ấy là cách Trung Quốc xoáy vào yếu tố quyền tự chủ về chiến lược ở châu Âu.

"Trung Quốc và Pháp đều là nước lớn trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và cũng có một truyền thống độc lập. Chúng ta phải tiếp tục theo đuổi nguyên tắc của hai lãnh đạo" - ông Triệu nhấn mạnh.

Ông Vương Nghị khuyên châu Âu đừng để Mỹ Ông Vương Nghị khuyên châu Âu đừng để Mỹ 'lôi vào chiến tranh lạnh mới'

TTO - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo châu Âu đừng để bị lôi vào 'chiến tranh lạnh mới' mà Mỹ muốn phát động, chỉ trích Washington ích kỷ và muốn bắt cả thế giới làm con tin.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên