30/04/2007 06:07 GMT+7

'Ông Tùng đã thảo văn kiện đầu hàng'

TT - Trong phần tường thuật dưới đây, nhà báo chuyên nghiệp Borries Gallasch đã trả lời một cách chắc chắn về vấn đề gây tranh cãi hàng chục năm qua: người đã thảo lời tuyên bố đầu hàng cho tổng thống Dương Văn Minh.

TT - Trong phần tường thuật dưới đây, nhà báo chuyên nghiệp Borries Gallasch đã trả lời một cách chắc chắn về vấn đề gây tranh cãi hàng chục năm qua: người đã thảo lời tuyên bố đầu hàng cho tổng thống Dương Văn Minh.

Kỳ 1: Trung tá Tùng hay đại úy Thệ? Kỳ 2: Người châu Âu duy nhất trong dinh Độc Lập

Thảo văn kiện

Sau một vài phút, ông Dương Văn Minh, ông Vũ Văn Mẫu và ông Bùi Văn Tùng rời khỏi phòng, theo sau là những người đã có mặt tại đây để sang đài phát thanh. Chúng tôi bước xuống cầu thang ra bãi cỏ, đến ngang chỗ vòi phun nước, tổng thống Dương Văn Minh và thủ tướng Vũ Văn Mẫu leo lên một chiếc xe jeep được bảo vệ bởi hai chiến sĩ giải phóng (đại úy Phạm Xuân Thệ đi xe này - TS). Chính ủy Bùi Văn Tùng và một người lính khác lên chiếc xe thứ hai. Tôi đang đứng ngay cạnh chiếc xe jeep nói chuyện với ông chính ủy bằng tiếng Pháp, cố gắng xin ông ta để được lên xe. Ông gật đầu đồng ý. Luật sư Đỉnh với bộ râu dài cũng leo lên chiếc xe jeep này và chúng tôi lái đi. Chỉ có hai chiếc xe này của chúng tôi chạy giữa thành phố lúc ấy - một thành phố đã từng sôi sục mà nay sự sợ hãi bỗng nhiên được làm dịu đi - qua tòa đại sứ Mỹ trống hoác, đến đài phát thanh nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Chúng tôi đi vào phòng thu nhỏ trên lầu một. Những kỹ thuật viên đã lấy chân dung của Thiệu từ trên tường xuống và ném qua cửa sổ ra sân. Chúng tôi ngồi bất động một lát. Ông Mẫu quạt mặt mình bằng một quyển sách. Tổng thống Dương Văn Minh và chính ủy xe tăng Bùi Văn Tùng ngồi trên hai chiếc ghế và tôi ngồi giữa họ tại một chiếc bàn nhỏ. Ông Tùng thảo văn kiện đầu hàng trên một mảnh giấy màu xanh.

Ông Tùng đã thảo văn kiện đầu hàng - Ảnh 1.

Đại tá Bùi Văn Tùng


Trung tá chính ủy Bùi Văn Tùng và nhà báo Borries Gallasch tại dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 (Ảnh tư liệu gia đình của Borries Gallasch)

Ông Mẫu trông có vẻ hài lòng. Ông tỏ ra như thể chiến thắng này là chiến thắng của ông. Người thành lập và phát ngôn cho lực lượng thứ ba, mà mới tuần trước đã giải thích cho tôi tại sao nhóm trung lập của ông ấy sẽ là một nhân tố cần thiết cho bất cứ một tương lai chính trị nào ở Nam VN, nay tuyên bố rằng: “Không còn lực lượng thứ nhất nữa nên chúng ta không còn cần đến lực lượng thứ ba, hòa giải dân tộc diễn ra sớm hơn dự định. Bây giờ dù muốn hay không chúng ta cùng làm việc cho nhân dân ta”. “Không phân biệt chính kiến?”. “Đúng, chúng ta có khác nhau về quan điểm nhưng những điểm khác nhau đó chỉ hướng chúng ta đi đến một mục đích chung”.

Chính ủy Tùng đã rất khó viết. Ông ngồi bất động trong khi thảo ra được một vài từ rồi đến từ nữa, rồi lại thay thế bằng những từ khác. Sau 30 năm chiến đấu cho một mục đích, thật là khó để biết phải viết như thế nào.

Trong lúc đấy mọi người dường như đang thư giãn và giảm phấn khích hơn so với một giờ trước. Đại úy Phạm Xuân Thệ, người đã bắt ông Minh trong dinh, vẫn còn lăm lăm khẩu súng trong tay. Ông ta nhắc đi nhắc lại với ông Minh về việc đầu hàng trên đài.

Thời khắc lịch sử

Trên đường tìm kiếm tài liệu và gặp gỡ nhân chứng, vào tháng 3-2005, phóng viên Tuổi Trẻ đã đến Bộ tư lệnh Quân đoàn II đóng ở Bắc Giang (cách Hà Nội 80km). Trong khi xem xét kỹ từng hiện vật ở bảo tàng quân đoàn (lúc đó còn rất ngổn ngang vì đang sắp xếp trưng bày lại), phóng viên Tuổi Trẻ đã sửng sốt khi nhìn thấy bản thảo lời tuyên bố đầu hàng của tổng thống Dương Văn Minh. Đó là hai trang giấy pơluya màu xanh, nhăn nhúm và lấm lem bụi đường. Nhìn nét chữ thì biết ngay của đại tá Bùi Văn Tùng và cán bộ bảo tàng cũng xác nhận điều đó.

Điều đáng nói là ngay bên cạnh bản thảo viết tay của đại tá Tùng, chúng tôi lại thấy một bản thảo cùng nội dung, nhưng được một người nào đó viết. Trả lời thắc mắc này, cán bộ Bảo tàng Quân đoàn II nói rằng: Sợ bản thảo gốc bị mờ, giấy lại nhăn, khó đọc, nên bảo tàng cho người viết lại để dễ đọc.

Một lời giải thích khó có thể chấp nhận! Do vậy cán bộ bảo tàng đã không thể trả lời được câu hỏi tiếp theo: Điều gì sẽ xảy ra khi bản thảo của đại tá Tùng bị mất, và con cháu chúng ta sẽ chỉ nhìn thấy một bản thảo được ai đó viết lại?

Sau cuộc hội ý với cấp trên, sĩ quan tuyên huấn quân đoàn đã không đồng ý cho phóng viên sao chụp, ghi hình tư liệu này.

Đại tướng Dương Văn Minh im lặng. Dưới chiếc mũ cối, những người lính bộ đội nhìn ông Minh với vẻ tò mò. Họ vây quanh ông ta trong lúc phía bên ngoài vẫn còn nghe những tiếng nổ. Những người lính giải phóng đã thể hiện sự vui mừng không kìm nén được. Cuối cùng ông Minh đã lên tiếng, hỏi một người lính: “Em trai của tôi hiện nay ra sao? Khi nào tôi có thể gặp chú ấy?”. Đó là số mệnh của những người dân VN: người em của tổng thống là một tướng lĩnh trong quân đội miền Bắc VN và trong 20 năm anh em ruột thịt ở hai bên chiến tuyến (Tuổi Trẻ sẽ trở lại câu chuyện này trong một hồ sơ sắp tới).

Đại úy Thệ im lặng. Tất cả mọi người bỗng nhiên im lặng. Rồi một vài người lính giải phóng nói chuyện với tôi bằng tiếng… Nga. Họ trông thấy phù hiệu “Báo chí Đức” trên áo sơmi của tôi và tưởng tôi là nhà báo Đông Đức. Họ đã nói chuyện với tôi về Các Mác. Bạn tôi là Hà Huy Đỉnh đã giải thích cho họ rằng tôi là nhà báo Tây Đức. Mặt họ sầm xuống, tỏ ra nghi ngờ và e dè hơn.

Cuối cùng mọi người đã sẵn sàng, nhưng không ai trong số người này biết sử dụng máy ghi âm. Chính ủy Tùng hướng dẫn rất rõ ràng cho tôi những việc tôi phải làm: ông Minh cần phải đọc lại bản tuyên bố vào máy ghi âm của tôi, việc này được lặp đi lặp lại ba lần. Lần đầu tiên ông Minh chần chừ vì được yêu cầu phải đọc là: “Tôi, Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn”, nhưng ông ấy chỉ muốn nói: “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh...”. Họ tranh luận qua lại và cuối cùng đi đến thỏa thuận: không nhượng bộ ông Minh. Ông Minh phải nói: “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống của chính quyền Sài Gòn”. Nhưng ông Minh không đọc được bản viết tay của chính ủy Tùng và nói sai nhiều lần. Tất cả mọi thứ lại phải được đọc lại từ đầu. Cuối cùng đã xong. Ông Minh kết thúc âm giọng chính xác: “...miền Nam Việt Nam”.

Tôi cũng ghi âm lời phát biểu của ông Mẫu và ông chính ủy Tùng rồi chúng tôi đi vào phòng thu thanh. Tôi ngồi ngay trước micro và bật băng của ba bài phát biểu. Ông Minh ngồi bên tay trái tôi. Chính ủy Tùng, ông Mẫu đứng đằng sau chúng tôi. Kỹ thuật viên ngồi phía bên kia của kính ngăn yêu cầu bật máy lại, lần này để máy lại gần micro hơn và không quá to. Lúc này mọi sự đều tốt đẹp. Chính ủy Bùi Văn Tùng đã nói những gì với tôi mà tôi không hiểu. Hà Huy Đỉnh dịch lại. Tôi đã được ông cảm ơn về sự giúp đỡ của tôi và cho phép tôi chở ông về lại dinh Độc Lập trên chiếc xe jeep. Chúng tôi rời khỏi tòa nhà. Tôi ngồi sau tay lái và ông chính ủy ngồi ghế bên.

Tôi không thể nổ máy chiếc xe. Lúc ấy ông chính ủy trở nên sốt ruột và chúng tôi đã đi sang một chiếc xe khác, nơi tôi lại ngồi băng ghế sau. Chúng tôi lại đi qua những con đường của VN. Lúc ấy khoảng 2g chiều, những người lính của Mặt trận Giải phóng đã đứng gác tại tất cả các ngã tư và trên những con đường đã rất đông người. Chúng tôi đã đi mà không có bảo vệ. Sài Gòn đã chắc chắn ở trong tay của chính quyền cách mạng, không gặp sự kháng cự nào.

Tại dinh Độc Lập, tôi nhảy ra khỏi xe. Trên khuôn mặt bình thản của chính ủy Bùi Văn Tùng giấu một nụ cười. Rồi ông nói với tôi bằng một câu tiếng Đức mà ông biết: “Danke” (cảm ơn).

Hai ngày sau, ông Minh được tự do trở về nhà với vườn hoa phong lan của mình.


Trong ảnh, Borries Gallasch ngồi cạnh ông Dương Văn Minh để chuẩn bị ghi âm lời tuyên bố đầu hàng. Đây là bức ảnh duy nhất ghi lại thời khắc lịch sử ở Đài phát thanh Sài Gòn ngày 30-4-1975.

Ông Tùng đã thảo văn kiện đầu hàng - Ảnh 2.

Tác giả bức ảnh này là nhà báo Kỳ Nhân - một nhà báo đối lập trước năm 1975, lúc đó đang cộng tác cho Hãng tin AP (Mỹ). Khi nhìn thấy bức ảnh duy nhất này, cả George Esper và Peter Arnett (phóng viên chiến trường nổi tiếng, sau này làm cho CNN) đều thảng thốt: “Tấm ảnh này sẽ đi vào lịch sử!”.

Nhà báo Kỳ Nhân đã giao phim và ảnh cho AP. Sau đó ít ngày, George Esper và Peter Arnett đã “tặng” lại cho đại diện quân giải phóng là trung úy Phùng Bá Đam (nay là đại tá). Trước khi đi học, ông Đam có bàn giao phim và ảnh lại cho bộ phận tuyên huấn của Trung đoàn 66, Sư đoàn 304.

Đón đọc hồ sơ khởi đăng số tới:

Chuyện từ làng Hạ Bình (Trung Quốc)

Ô nhiễm môi trường gia tăng, nạn tham nhũng tràn lan, thị trường bất động sản nằm ngoài tầm kiểm soát... Đó chỉ là một vài trong số những thách thức mà Trung Quốc đang đối mặt sau ba thập kỷ theo đuổi nền kinh tế thị trường. Những mảng tối đó đã được phản ánh sinh động qua loạt phóng sự của các nhà báo tờ Wall Street Journal (WSJ), giúp đem về cho họ giải thưởng báo chí quốc tế Pulitzer 2007.

Mời bạn đọc theo chân WSJ đến làng Hạ Bình, tỉnh Phúc Kiến để tìm hiểu thực hư về những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên