11/05/2018 10:35 GMT+7

Ông Trump và mũi tên hai đích

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Qua câu chuyện thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn gửi thông điệp trước cuộc gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Nhưng cái đích thứ hai có “trúng” không?

Ông Trump và mũi tên hai đích - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hôm 9-5 - Ảnh: Reuters

Trong vòng 24 giờ từ đêm 8 tới 9-5, Nhà Trắng rộn ràng với nhiều thông tin thu hút dư luận toàn cầu. Trong khi Tổng thống Trump công bố việc hủy cam kết của Mỹ đối với Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), còn gọi tắt là thỏa thuận hạt nhân Iran, thì Ngoại trưởng Mike Pompeo đến Triều Tiên để bàn thảo cho cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim Jong Un.

Không chỉ là hạt nhân

Có ít nhất hai điểm giới quan sát đang soi vào hành động này: quan hệ giữa Mỹ và châu Âu thế nào, và ý định thực sự của ông Trump về thỏa thuận hạt nhân là gì.

Báo Tuổi Trẻ đã tham gia cuộc họp báo từ xa của Bộ Ngoại giao Mỹ đêm 9-5, và nhận được câu trả lời của ông David Tessler - phó giám đốc hoạch định chính sách tại Bộ Ngoại giao Mỹ và ông Andrew Peek - phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ thuộc Vụ Cận Đông.

Các quan chức Mỹ khẳng định Washington và châu Âu đã làm việc sâu sát từ lâu trước khi ông Trump ra quyết định, và thực chất họ "có nhiều đồng thuận". Vì vậy, không có gì gọi là bất ngờ hay xung đột với châu Âu như báo chí nghĩ.

"Chúng tôi có những cuộc bàn thảo rất hiệu quả với các đồng minh châu Âu trong nhiều tháng nay. Các thảo luận ấy củng cố sự thật rằng chúng tôi có rất nhiều lợi ích chung và lợi ích ấy sẽ hình thành khi chúng tôi xây dựng bước kế tiếp, như tổng thống và ngoại trưởng đã phát biểu, một nỗ lực toàn cầu để đạt thỏa thuận toàn diện hơn với Iran" - ông Tessler nói.

Tại cuộc họp báo, ông Tessler và ông Peek nhiều lần nhắc lại rằng Washington đang muốn "đập đi, xây lại" vấn đề Iran, và đó là cách để giải quyết bất đồng xung quanh vấn đề Syria.

Theo ông Peek, việc rút khỏi JCPOA kèm theo lệnh trừng phạt Iran là điều Washington tái lập cách tiếp cận cũ trước đây, gây áp lực lên Iran để ngăn nước này không chỉ ở vấn đề hạt nhân mà còn là các hoạt động khác ở Syria và trong khu vực. Trong mắt Mỹ, Iran đang hỗ trợ Syria mà Mỹ thì cáo buộc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học.

Không, chúng tôi đang cố gắng thay đổi thái độ của nhà cầm quyền Iran, chứ không phải thay đổi chế độ ở Iran

Andrew Peek (phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ thuộc Vụ Cận Đông)

Đòn cân não với Triều Tiên

Không vô tình khi sự kiện Iran và chuyến đi của Ngoại trưởng Pompeo diễn ra gần như đồng thời. Theo lời cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, chính quyền Tổng thống Trump muốn lấy quyết định Iran làm thông điệp gửi Triều Tiên, rằng Mỹ mong muốn một thỏa thuận thực sự về chương trình hạt nhân.

Thỏa thuận "thực sự" ấy liên quan trực tiếp tới khái niệm "phi hạt nhân hóa", được kỳ vọng sẽ là tâm điểm trong các cuộc đàm phán giữa ông Trump và ông Kim Jong Un ở cuộc gặp tới đây. Người Mỹ mong muốn "phi hạt nhân hóa hoàn toàn", tức ngừng hẳn chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, thay vì một thỏa thuận dần dần và "nhiều lỗ hổng" như của Iran.

Tuy vậy, báo New York Times tỏ ý nghi ngờ chiến thuật của ông Trump. Tờ báo này dẫn lời các chuyên gia cho rằng ông Kim Jong Un cũng nghiên cứu Mỹ rất kỹ và hoàn toàn có thể chuẩn bị phương án riêng, đặc biệt khi lãnh đạo Triều Tiên ngoài việc bị "cảnh báo" cũng nhận thấy khó có thể tin tưởng ông Trump khi đề cập tới hai chữ "thỏa thuận".

Vì vậy, Triều Tiên vẫn sẽ duy trì chiến thuật của mình, nhất là khi ông Kim Jong Un đã âm thầm gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 8-5.

Điểm trừ cho tổng thống Iran

Việc Mỹ hủy cam kết JCPOA khiến nhiều người lo ngại, nhưng Tổng thống Iran Hassan Rouhani có thể xem là người lo lắng nhất. Đơn giản, vị thế của ông Rouhani đã lệ thuộc khá nhiều vào thỏa thuận hạt nhân, nhưng nay chiếc "chìa khóa" mở cửa cho nền kinh tế Iran đang vuột khỏi tầm tay của lãnh đạo này.

Trong thông cáo ngày 9-5, Nhà Trắng cho biết Mỹ đảm bảo 100% rằng Iran không thể phát triển vũ khí hạt nhân. Động thái cụ thể cho cam kết này là rút khỏi JCPOA, khôi phục và áp đặt thêm lệnh trừng phạt lên Iran. Hãng tin Reuters ngày 9-5 dẫn lời một nhà ngoại giao Iran giấu tên thừa nhận: "Trong lịch sử, các tổng thống (Iran) thường trở nên yếu hơn khi làm tới nhiệm kỳ thứ hai. Giờ đây, khi thỏa thuận hạt nhân sụp đổ, ông Rouhani thậm chí trở nên yếu hơn".

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên