Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, giá xăng dầu sắp tới sắp tới sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố - Ảnh: REUTERS
Đài CNN dẫn các nguồn tin ngành dầu khí dự đoán quan điểm cứng của ông Trump về Iran sẽ khiến giá xăng dầu tăng cao hơn mức hiện nay.
Iran tăng sản lượng khai thác lên 1 triệu thùng dầu/ngày sau khi cấm vận được dỡ bỏ đầu năm 2016. Ít nhất một phần dầu đó sẽ bị rút ra khỏi thị trường, ngay vào thời điểm giá dầu đang tăng do OPEC và Nga cắt giảm sản lượng, còn Venezuela thì đang bất ổn.
Dan Eberhart, CEO công ty dịch vụ dầu khí Canary LLC (Mỹ), nhận định thẳng: "Rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ đẩy giá dầu tăng".
Do ông Trump thông báo trước quyết định Iran, giá dầu đã bắt đầu tăng trong vài tuần gần đây và đạt ngưỡng 70USD/thùng trong tuần này (lần đầu tiên sau gần 4 năm).
Vài giờ trước tuyên bố chính thức của ông Trump, Chính phủ Mỹ nâng mức dự báo giá dầu trung bình năm 2018 lên 65,58 USD/thùng.
Giá xăng, vốn hay đi theo giá dầu, đã nhảy lên mức trung bình 2,81 USD/gallon (khoảng 16.900đ/lít) tại Mỹ. 1 gallon xăng cách đây 1 năm chỉ có giá 2,34 USD.
Theo Công ty Dịch vụ thông tin giá dầu (OPIS), một gia đình Mỹ điển hình sẽ phải chi thêm khoảng 200USD cho tiền xăng mùa hè này.
"Những người lái môtô sẽ mệt mỏi nhiều hơn khoảng thời gian 2 năm qua - nhưng cũng chưa hề gì so với giai đoạn 2011 - 2014 khi giá xăng ở mức 3,4-3,6 USD/gallon" - ông Tom Kloza, nhà phân tích thuộc OPIS, nhận xét.
Một phụ nữ đi ngang qua bức tường thuộc tòa nhà đại sứ quán Mỹ cũ tại Tehran - ảnh: AFP
Không ai biết chính xác giá nhiên liệu sẽ tăng bao nhiêu. Điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn dầu thô Iran sẽ bị giới hạn bao nhiêu bởi cấm vận, hay liệu các nhà sản xuất lớn khác - như Mỹ - có trám vào chỗ trống không...
Một câu hỏi lớn khác: Liêu căng thẳng ở Trung Đông có tăng thêm không khi giờ đây Mỹ đang rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran? Những lo sợ về địa chính trị thường cũng đẩy giá dầu tăng.
Theo Đài CNN, một vài quan chức quân sự Mỹ tiết lộ hiện đang có lo ngại về việc Iran đang chuẩn bị một cuộc "tấn công" nhắm vào Israel, nhưng không rõ nó sẽ diễn ra khi nào và dưới hình thứ nào.
"Giai đoạn 3-4 năm yên lặng của tác động địa chính trị lên thị trường dầu đã kết thúc" - ông Eberhart thuộc Cty Canary nhận định.
Iran sản xuất khoảng 3,8 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 4-2018, theo khảo sát của S&P Global Platts, tăng từ mức 2,9 triệu thùng/ngày của hồi tháng 1-2016, khi thỏa thuận hạt nhân mới có hiệu lực.
Hầu hết các nhà phân tích tin rằng một vài quốc gia sẽ phớt lờ lệnh cấm vận của Mỹ và tiếp tục mua dầu Iran. Trung Quốc - khách hàng lớn nhất của Iran - sẽ đặc biệt miễn cưỡng bỏ rơi Iran trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Washington.
"Cách duy nhất làm nghẽn dầu thô Iran là châu Âu và một vài nước châu Á quay lại chính sách cấm vận trước năm 2015 - cơ hội xảy ra chuyện đó gần như là 0" - nhà phân tích năng lượng Pavel Molchanov bình luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận