Cuộc chiến thương mại khiến nhiều nông dân Mỹ lo lắng - Ảnh: TIME.COM
Hãng tin Reuters ngày 14-5 dẫn lời ông Trump cho biết 15 tỉ USD trên sẽ dành cho những nông dân bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trả đũa thuế của Trung Quốc.
"Chúng ta sẽ có một năm mua lại nông sản của nông dân lớn nhất, hơn cả mức Trung Quốc từng mua và làm gì đó cho các nông dân" - tổng thống Mỹ nói.
Ông không nói rõ thông tin chi tiết về gói viện trợ.
Nông dân Mỹ, những cử tri quan trọng của ông Trump, là một trong những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc chiến thương mại.
Đậu nành là mặt hàng xuất khẩu nông sản có giá trị nhất của Mỹ và các chuyến hàng xuất sang Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất 16 năm vào năm 2018, trong khi giá đậu tương đã giảm xuống mức thấp trong 11 năm vào tuần trước.
Tưởng rằng êm xuôi
"Tổng thống Mỹ nợ nông dân chúng tôi một kế hoạch hành động. Họ đã giúp bầu ra vị tổng thống này và bây giờ ông ấy quay lưng khi chúng tôi cần ông ấy nhất" - CNN dẫn lời Wesley Boyd, một nông dân trồng đậu nành ở Virginia. Ông là một trong số những nông dân trồng đậu nành, bắp và lúa mì bị dập tơi bời bởi thương chiến Mỹ - Trung trong năm qua.
Tuy nhiên ông Trump liên tục "bắn" đi những thông điệp tích cực về cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc từ cuối năm ngoái khiến các nông dân Mỹ thực sự tin rằng hai nước sẽ có được một thỏa thuận. Khi cuộc đàm phán đảo chiều, họ chỉ còn biết phó mặc.
Nhiều nông dân Mỹ đã gieo trồng bằng với năm ngoái với hi vọng sẽ có thỏa thuận thương mại - Ảnh: THE CONVERSATION
"Chúng tôi cứ nghe rằng đàm phán rất tốt đẹp, mọi chuyện dường như sẽ êm thấm. Bây giờ nông dân Mỹ có vô số nỗi lo và bất an" - ông John Heisdorffer ở Iowa nói. Vì tin tưởng vào cuộc đàm phán, ông đã quyết định trồng số lượng bắp và đậu nành như năm ngoái.
Với những nông dân thận trọng hơn như Grant Kimberley, ông đã hoãn gieo trồng mùa vụ năm nay. Thông thường ông Kimberley đã gieo trồng xong đậu nành và bắp vào thời điểm nay trong năm nhưng quyết định chờ đợi thông tin từ cuộc thương chiến. "Chuyện này không thể kéo dài. Chúng ta cần thỏa thuận, nếu không nông dân sẽ cần thêm một đợt hỗ trợ nữa" - ông Kimberley nói.
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue cuối tuần trước cho biết ông Trump đã yêu cầu ông lập một kế hoạch giúp nông dân Mỹ đối phó với tác động nặng nề của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Chương trình viện trợ mới này là bước hỗ trợ thứ hai cho nông dân, sau kế hoạch 12 tỉ USD của Bộ Nông nghiệp vào năm ngoái nhằm bù giá cho hàng nông sản và thất thu xuất do tranh chấp thương mại với Trung Quốc và các quốc gia khác.
Doanh nghiệp, người tiêu dùng gánh hậu quả
Bộ Tài chính Trung Quốc hôm 13-5 cho biết sẽ áp thuế nhập khẩu mới với 60 tỉ USD hàng hóa từ Mỹ từ ngày 1-6. Động thái này được cho là để đáp trả việc ông Trump tăng thuế lên 25% đối với hàng hóa trị giá 200 tỉ USD nhập từ Trung Quốc.
Hàng hóa tại một hải cảng ở Thượng Hải, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Dù nông dân Mỹ phần lớn vẫn ủng hộ Trump, nhiều người đã kêu gọi chấm dứt cuộc thương chiến đang đẩy nợ nông nghiệp lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và khiến các điều kiện tín dụng cho kinh tế nông thôn xấu đi.
Và trong khi ông Trump khẳng định không vội vàng trong đàm phán thương mại với Trung Quốc, các doanh nghiệp Mỹ và cuối cùng sẽ là người tiêu dùng lãnh đủ.
Đòn thuế nhập khẩu của Mỹ năm ngoái đã khiến Trung Quốc trả đũa, trong đó áp thuế 25% đối với các sản phẩm trị giá 50 tỉ USD của Mỹ bao gồm đậu nành, thịt bò và thịt lợn và mức thuế thấp đối với 60 tỉ USD hàng hóa khác.
Nghiên cứu gần đây của các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho biết các doanh nghiệp và hộ gia đình ở Mỹ mới là những người trả giá cho cuộc chiến thương mại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận