Có phải Tổng thống Trump là nhà thiết kế duy nhất cho cuộc đàm phán liên triều hiện nay? - Ảnh: SLATE
Trong cuộc nói chuyện với người ủng hộ hồi cuối tháng 4 vừa qua tại bang Michigan (Mỹ), Tổng thống Donald Trump tuyên bố trước đám đông rằng ông đã làm hết mọi thứ mới có được hội nghị thượng đỉnh liên Triều lịch sử vào ngày 27-4.
Phải chăng ông Trump là nhà thiết kế duy nhất cho sự kiện hòa hoãn giữa hai miền Triều Tiên?
Theo báo Slate, thật ra động thái ngoại giao liên Triều lịch sử nên vóc nên hình còn nhờ công lao của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Hai nhà lãnh đạo này đã xúc tiến nhiều hành động tích cực kể từ trước và sau Thế vận hội mùa đông PyeongChang ở Hàn Quốc.
Trump có dọa, Kim vẫn làm
Phải thừa nhận với chiến lược gây sức ép tối đa bằng cấm vận và trừng phạt cùng khẩu khí "sặc mùi thuốc súng", ông Trump là một trong những tác nhân quan trọng thúc đẩy ông Kim Jong Un đến bàn đàm phán.
Chiến lược này tương tự "học thuyết người điên" của Tổng thống Richard Nixon khi Nixon "nổi khùng" đòi sử dụng vũ khí hạt nhân trong thời chiến tranh Việt Nam .
"Học thuyết người điên" của Nixon đã thất bại tại Việt Nam, song phải chăng mang lại thành công đối với CHDCND Triều Tiên bởi rõ ràng ông Kim đã giảm bớt khẩu khí đòi đáp trả hoặc bắn tên lửa hủy diệt tận Mỹ và tuyên bố ngừng thử hạt nhân và tên lửa?
Ngày 28-4 tại Washington (bang Michigan ), ông Trump nhận công lao làm hết mọi thứ để có được hội nghị thượng đỉnh liên Triều - Ảnh: REUTERS
Thực tế không chứng minh điều đó. Ông Trump từng tuyên bố sẽ giáng "lửa và cuồng nộ" xuống Triều Tiên vào ngày 8-8-2017. Từ đó đến cuối tháng 11-2017, Bình Nhưỡng tiếp tục thử tên lửa và hạt nhân bốn lần. Như vậy lời đe nẹt sử dụng "lửa và cuồng nộ" chẳng tác động gì đến Triều Tiên.
Phải đến đầu năm nay, ông Kim mới phát tín hiệu "lùi một bước" đầu tiên mở lời Triều Tiên có thể tham gia TVH mùa đông PyeongChang - một cử chỉ dẫn đến bối cảnh ngoại giao hiện nay.
Một số nhà quan sát cho rằng ông Kim chìa tay với người anh em Hàn Quốc không phải vì ông Trump dọa nạt mà vì Triều Tiên đã xây dựng được năng lực đáp trả hạt nhân tuy khiêm tốn nhưng là điều có thật. Bởi thế Triều Tiên biết sẽ không ai dám tấn công Triều Tiên.
Nhiều câu hỏi cho hội nghị Mỹ-Triều
Có khi thái độ dọa nạt của ông Trump lại là động cơ thúc đẩy Triều Tiên vội vã xây dựng vũ khí trả đũa. Có thể Hàn Quốc nhanh chóng mở rộng vòng tay đón nhận sáng kiến ngoại giao của Triều Tiên để xoa dịu ông Trump.
Dù sao đi nữa, kịch bản này không nêu bật chân dung một tổng thống Mỹ là nhà trung gian thương lượng vĩ đại xứng đáng nhận giải Nobel Hòa bình cuối năm nay.
Cũng có thể lời cảnh cáo "lửa và cuồng nộ" của ông Trump đã khiến Trung Quốc phải e ngại nên gia tăng gây sức ép kinh tế, từ đó Triều Tiên đành phải chọn giải pháp xuống nước.
Bắc Kinh đã tính toán nếu ông Trump "xuống tay" sẽ dẫn đến hậu quả tệ hại cho Trung Quốc và ảnh hưởng đến lợi ích của Trung Quốc trong khu vực.
Thế nhưng còn quá sớm để nói đến giải Nobel Hòa bình. Hai miền Triều Tiên đang xích lại gần nhau hơn nhưng vẫn chưa ký kết thỏa thuận hòa bình.
Trung Quốc có thể đã gây sức ép kinh tế khiến Triều Tiên phải xuống nước. Trong ảnh là xe tải chở hàng qua cầu Hữu Nghị giữa biên giới Trung-Triều. Ảnh: AFP
Hàn Quốc chắc chắn sẽ đề nghị Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy cam kết Mỹ không tấn công. Triều Tiên có đồng ý đề nghị đánh đổi này không?
Triều Tiên đến bàn đàm phán sau khi đã xây dựng kho vũ khí đủ để tự xưng là cường quốc hạt nhân. Vậy nếu ông Trump bảo đảm, liệu Triều Tiên sẽ từ bỏ danh xưng này hay không trong khi ông Trump nổi tiếng là con người hay thay đổi?
Bình Nhưỡng luôn gắn vấn đề phi hạt nhân với yêu cầu Mỹ phải rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên. Mỹ có sẵn sàng thực hiện yêu cầu này không trong bối cảnh địa-chính trị hiện nay?
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới chắc chắn sẽ khó khăn với những câu hỏi thế này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận