24/06/2018 10:44 GMT+7

Ông Trần Phương Bình chiếm đoạt hàng trăm tỉ như thế nào?

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Theo cơ quan điều tra, trong các hành vi sai phạm của ông Trần Phương Bình - tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, có hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Ông Trần Phương Bình chiếm đoạt hàng trăm tỉ như thế nào? - Ảnh 1.

Ông Trần Phương Bình - tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á - tại lễ ra mắt hệ thống auto banking vào tháng 6-2015 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Kết luận điều tra cho thấy ông Bình đã lợi dụng vị trí của mình để mua nhiều cổ phần của Ngân hàng Đông Á (DAB) cho người thân đứng tên. Việc mua cổ phần này ông Bình không dùng tiền cá nhân mà chỉ đạo cấp dưới lập chứng từ khống với tổng số tiền 374 tỉ đồng.

Lập hàng loạt chứng từ khống

Vào năm 2007, DAB phát hành cổ phần chào bán ra công chúng 2 đợt để tăng vốn điều lệ từ 880 tỉ lên 1.600 tỉ đồng. Theo đó, tháng 5-2007 DAB phát hành 260.000 cổ phần (mệnh giá 2 triệu đồng/cổ phần), tháng 12-2007 DAB tiếp tục phát hành 100.000 cổ phần.

Trong đợt tăng vốn này, ông Trần Phương Bình đã chỉ đạo Nguyễn Đức Vinh (trưởng phòng ngân quỹ hội sở kiêm thủ quỹ của DAB) lập 8 bảng kê kiểm phiếu thu (không số) thu khống tổng số 374 tỉ đồng để mua 5.397.400 cổ phần đứng tên ông Bình và người thân.

Để thực hiện việc này, ông Phạm Văn Tân (trợ lý của ông Trần Phương Bình) đứng tên giùm ông Bình mua 732.200 cổ phần với trị giá 94 tỉ đồng. Ông Bình chỉ đạo ông Vinh lập 2 bảng kê kiêm phiếu thu ngày 30 và 31-5-2007, thu khống 94 tỉ đồng trên.

Sau đó, ông Bình tiếp tục chỉ đạo bán 873.200 cổ phần DAB cho các cá nhân và tổ chức nhưng ông Bình "không nhớ sử dụng tiền bán số cổ phần nêu trên vào việc gì".

Tiếp đó, vào ngày 10-12-2007, ông Cao Ngọc Liên (cha vợ ông Trần Phương Bình) đứng tên mua 523.000 cổ phần DAB với giá 31 tỉ đồng, ông Bình tiếp tục chỉ đạo Nguyễn Đức Vinh lập bảng kê kiêm phiếu thu thu khống của ông Liên.

Ông Bình cũng chỉ đạo các nhân viên ký thay chữ ký của ông Liên vào mục người nộp tiền.

Mua xong, ông Bình chuyển hết cổ phần đứng tên ông Liên cùng hơn 3 triệu cổ phần khác cho Công ty TNHH Ninh Thịnh nhưng không thanh toán tiền do công ty này là công ty "sân sau" của ông Bình.

Đến ngày 14-12-2007, ông Trần Phương Bình lại đứng tên mua 671.600 cổ phần với giá hơn 40 tỉ đồng và tiếp tục chỉ đạo ông Vinh lập phiếu thu khống. Lần này, ông Bình cũng nhờ nhân viên ký thay mình vào mục người nộp tiền.

Ngoài ra, ông Đỗ Văn Hiếu (trưởng phòng hành chính DAB) đứng tên mua 908.400 cổ phần với giá hơn 54 tỉ đồng, ông Bình cũng chỉ đạo Vinh lập phiếu thu khống.

Sau đó, ông Bình chuyển nhượng số cổ phần này cho Công ty cổ phần Sơn Trà Điện Ngọc, nhưng thực tế không có việc thanh toán tiền vì công ty này cũng được xác định là công ty "sân sau" của ông Bình.

Để lấp vào số tiền đã nộp khống vào DAB, cuối năm 2007 ông Trần Phương Bình chỉ đạo Vinh xuất quỹ chi 23.252 lượng vàng (không lập chứng từ) và phối hợp với phòng kinh doanh DAB bán cho các hiệu vàng tại TP.HCM lấy 374 tỉ đồng bù vào đúng số tiền âm quỹ do bán cổ phần cho người thân và "sân sau" của mình.

Đến nay, số cổ phần mà ông Bình và người thân đứng tên vẫn thuộc sở hữu của ông Bình và hằng năm DAB vẫn trả cổ tức cho ông.

Đưa cả vợ con vào việc mua khống

Chỉ trong ngày 18-12-2007, hai con gái của ông Bình là Trần Ngọc Phương Thảo và Trần Ngọc Phương Giao liên tiếp đứng tên mua hơn 2 triệu cổ phần với giá trên 120 tỉ đồng.

Lần này ông Trần Phương Bình lại chỉ đạo ông Vinh lập bảng kê và phiếu thu khống số tiền này của hai con.

Đến cuối tháng 12-2007, bà Cao Thị Ngọc Dung (vợ ông Trần Phương Bình) đứng tên mua 200.000 cổ phần DAB với số tiền 12 tỉ đồng, ông Bình cũng chỉ đạo ông Vinh lập phiếu thu khống 12 tỉ của bà Dung.

Mua 5 triệu cổ phần, chiếm đoạt 234 tỉ đồng

Không chỉ nhờ người thân và "sân sau" đứng tên mua cổ phần, cơ quan điều tra còn xác định ông Trần Phương Bình còn lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản số tiền 234 tỉ đồng trong việc mua 5.750.000 cổ phần DAB do Công ty cổ phần quản lý Quỹ Lộc Việt (Quỹ Lộc Việt) sở hữu vào năm 2008.

Theo đó, cũng trong đợt tăng vốn điều lệ năm 2007, ông Bình nhờ Quỹ Lộc Việt mua hơn 5 triệu cổ phần DAB trị giá khoảng 300 tỉ đồng và ông Bình cam kết sẽ mua lại số cổ phần này. Thực hiện lời hứa, đến năm 2008 ông Bình mua lại số cổ phần trên với giá 327 tỉ đồng.

Để có tiền mua số cổ phần của DAB, ông Bình chỉ đạo cấp dưới thu khống hơn 30 tỉ đồng của Nguyễn Hồng Ánh (một khách hàng vay vàng của DAB), đồng thời ông Bình còn dùng 121 tỉ đồng tiền bán chung cư cao cấp Richland Hill để cho các công ty Ninh Thịnh và Sao Việt Nam vay 197 tỉ đồng rồi thông qua hai công ty này trả tiền mua cổ phần cho Quỹ Lộc Việt.

Sau đó ông Bình chỉ đạo phòng ngân quỹ lập phiếu thu khống khoản nợ cả gốc và lãi cho Công ty Ninh Thịnh và Sao Việt Nam.

Cơ quan điều tra xác định tổng số tiền ông Bình gây thiệt hại cho DAB liên quan đến thương vụ mua cổ phần DAB của Quỹ Lộc Việt là 234 tỉ đồng. Đây là số tiền thiệt hại của DAB mà ông Bình phải có trách nhiệm hoàn trả.

Kê biên, phong tỏa toàn bộ cổ phần

Làm việc với cơ quan điều tra, ông Bình khai sau khi mua được cổ phần đã chỉ đạo cấp dưới lập phiếu thu khống tiền. Còn những người thân đứng tên mua cổ phần đều khai không biết gì về việc mua bán này.

Hiện toàn bộ số cổ phần đứng tên những người thân (nhưng do ông Bình đang sở hữu) đều đã bị kê biên, phong tỏa trong vụ án này.

Ông Trần Phương Bình và 1.160 tỉ Ông Trần Phương Bình và 1.160 tỉ 'rút ruột' Ngân hàng Đông Á

TTO - Không chỉ chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng để mua cổ phần rồi cho người thân đứng tên, theo kết luận điều tra, ông Trần Phương Bình - nguyên tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á còn có hàng loạt sai phạm khác.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên