25/12/2021 11:11 GMT+7

Ông Putin xài đòn thế 'cương nhu' với phương Tây

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Tổng thống Nga Vladimir Putin ôn hòa khi nói không muốn chiến tranh với phương Tây, song đột ngột trở nên cứng rắn khi ông nhắc đến không gian sinh tồn của Nga đang ngày thu hẹp vì sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ông Putin xài đòn thế cương nhu với phương Tây - Ảnh 1.

Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc họp báo lớn thường niên vào ngày 23-12 - Ảnh: AFP

Cuộc họp báo lớn thường niên ngày 23-12 tiếp tục là sân khấu cho Tổng thống Putin: ông trả lời hàng loạt câu hỏi và sẵn sàng chất vấn ngược những nhà báo của phương Tây cho rằng Matxcơva phải chịu trách nhiệm cho căng thẳng âm ỉ giữa Nga với NATO và Ukraine.

Chúng ta cần phải nghĩ liệu nước Nga sắp tới sẽ sống như thế nào. Liệu chúng ta có muốn một cuộc sống nơm nớp bất an và chờ đợi không?

Tổng thống Nga VLADIMIR PUTIN nói về nhu cầu tồn tại ổn định và an ninh của Nga.

Thông điệp hòa giải

Cuộc họp báo ngày 23-12 là cơ hội để Tổng thống Putin thuyết phục người Nga rằng việc Kiev nghiêng về phương Tây cũng như NATO mở rộng về phía đông là một mối đe dọa an ninh khẩn cấp với nước Nga. Không chỉ người Nga theo dõi sát sao sự kiện mà các quan chức phương Tây cũng chú tâm lắng nghe từng câu trả lời và đúc kết thông điệp mà ông Putin muốn gửi đến họ.

Thông điệp của nhà lãnh đạo Nga rất rõ ràng và nhất quán: Matxcơva không muốn và không lựa chọn xung đột với Kiev lẫn NATO, các hành động của Nga tại châu Âu sẽ tùy thuộc vào tình hình và chỉ nhằm mục đích đảm bảo an ninh cho nước Nga.

Giọng điệu hòa giải của ông Putin xuất hiện sau khi căng thẳng hai bên lên đến đỉnh điểm trong tuần này khi ông tuyên bố Nga sẽ thực hiện các bước đi quân sự nhằm "trả đũa thích đáng" trước "lập trường hiếu chiến" của phương Tây.

Với truyền thông phương Tây, đây là một thông điệp nước đôi và cho thấy nước Nga dưới thời ông Putin đang để ngỏ khả năng can thiệp quân sự vào Ukraine với lý do đảm bảo an ninh. Ở chiều ngược lại, đặt vào vị thế của nước Nga sẽ hiểu vì sao ông Putin lại có lập trường này.

"Những năm thập niên 1990, NATO đã nói với chúng tôi rằng họ sẽ không tiến thêm 1 inch (2,54cm) về phía đông. Kết quả thì sao? Họ đã lừa nước Nga và tiến hành các cuộc mở rộng về biên giới Nga" - nhà lãnh đạo Nga nhắc lại chuyện cũ trong cuộc họp báo ngày 23-12.

Việc NATO kết nạp thêm các thành viên mới là những nước thuộc Liên Xô (cũ) đã mở đường cho các hệ thống vũ khí và binh sĩ của khối này đến gần biên giới Nga trong gần 30 năm qua.

"Và bây giờ họ nói là Ukraine cũng sẽ là một thành viên NATO, do đó các hệ thống vũ khí của họ sẽ xuất hiện ở đó", ông Putin quay trở lại hiện tại. Theo nhà lãnh đạo Nga, NATO đã nhiều lần phớt lờ các quan ngại của Matxcơva và cho rằng bản thân không có nghĩa vụ tuân thủ cam kết với Nga vì không có sự ràng buộc nào về mặt giấy tờ.

Rút kinh nghiệm từ quá khứ, Tổng thống Putin muốn NATO phải ký kết theo kiểu giấy trắng mực đen sẽ không mở rộng về phía đông và kết nạp Ukraine, theo Hãng thông tấn Tass.

Nga - NATO sắp đàm phán

Tuần trước, Bộ Ngoại giao Nga đã nêu ra 8 yêu cầu đảm bảo an ninh với phía Mỹ, trong đó có yêu cầu NATO dừng mở rộng và rút vũ khí khỏi các nước từng thuộc Liên Xô (cũ). Theo Tổng thống Putin, các phản ứng ban đầu của Mỹ với những đề xuất này nhìn chung là "tích cực".

Các cuộc đàm phán đảm bảo an ninh giữa Nga và NATO có thể bắt đầu sớm nhất trong tháng 1-2022 tại Geneva (Thụy Sĩ) và sẽ tách bạch với các cuộc đàm phán ổn định chiến lược Nga - Mỹ, theo các quan chức hai nước.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hoan nghênh các phát ngôn sẵn sàng đàm phán của ông Putin và cho rằng ngoại giao là "con đường tốt nhất và đúng đắn" cho quan hệ Nga - phương Tây. Bà Psaki bác bỏ ý kiến cho rằng NATO hoặc Ukraine đang đe dọa Nga, tuyên bố NATO là một "liên minh phòng thủ, không phải liên minh xâm lược".

Vẫn còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước, bao gồm câu hỏi làm thế nào để phá thế đối đầu giữa Nga và Ukraine. 

Bất đồng giữa hai nước đã ở mức khó có thể xem như không có chuyện gì, cộng với việc Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine sau một cuộc trưng cầu ý dân. Chính quyền Kiev thì cáo buộc Matxcơva đứng sau lực lượng ly khai miền đông Ukraine, nơi có nhiều người Nga hoặc gần gũi với Nga sinh sống.

Một câu hỏi nữa là làm thế nào để đảm bảo NATO thực hiện lời hứa với Nga. Tổng thống Putin đã thể hiện sự nghi ngờ vào hôm 21-12 khi cho rằng kể cả khi ràng buộc pháp lý, phương Tây vẫn có thể tìm lý do để rút khỏi những thỏa thuận với Nga vào một thời điểm nào đó.

Nếu cả Nga và phương Tây đều cho rằng phía còn lại có trách nhiệm xuống thang căng thẳng thì việc hóa giải đối đầu giữa hai bên sẽ chẳng đi đến đâu vì không ai chịu nhượng bộ trước.

Tố phương Tây muốn chia tách nước Nga

Hãng thông tấn Tass cũng trích một nhận xét của ông Putin cho rằng dường như phương Tây vẫn nghĩ Liên bang Nga ngày nay vẫn còn quá rộng lớn và rắp tâm chia tách nước Nga hơn nữa.

"Tại sao lại hỗ trợ những kẻ khủng bố ở Bắc Kavkaz và sử dụng các tổ chức rõ ràng là khủng bố để cố gắng làm tan rã Liên bang Nga?" - ông Putin cáo buộc phương Tây, trước khi nhấn mạnh thông điệp chỉ muốn cùng tồn tại ổn định và nhắc nhở châu Âu về sự phụ thuộc vào khí đốt từ Nga.

Nga Nga 'ngả bài' với NATO?

TTO - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi đến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ dự thảo hiệp ước nhằm hạ nhiệt căng thẳng kéo dài nhiều tháng qua, đặt ra 8 yêu cầu mà phương Tây cho là "không thể chấp nhận".

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên