Ông Nguyễn Văn Bình yêu cầu Cần Thơ cần đặt trong "trạng thái bình thường mới" để phát triển trong thời gian tới - Ảnh: CHÍ QUỐC
Tại hội nghị "Phát triển bền vững thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" do Ban Kinh tế trung ương phối hợp Thành ủy Cần Thơ tổ chức sáng 24-5, ông Nguyễn Văn Bình, ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Kinh tế trung ương, lưu ý trong phát triển bất cứ lĩnh vực nào của Cần Thơ đều phải gắn với biến đổi khí hậu.
"Tốc độ biến đổi khí hậu hiện đang nhanh hơn, Cần Thơ nói riêng, ĐBSCL nói chung đều bị ảnh hưởng. Chống chọi lại thiên tai rất khó, giờ phải theo hướng thuận thiên. Dù Cần Thơ phát triển thế nào cũng phải đặt thành phố thích ứng với biến đổi khí hậu", ông Bình nói.
Ông Bình cho rằng các con số như công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90%, nông nghiệp chỉ 7%, cho thấy "cơ cấu kinh tế Cần thơ rất tốt", tuy nhiên quỹ đất nông nghiệp của thành phố lại rất lớn, chiếm 80%.
Theo ông Bình, chính điều đó khiến nguồn lực nội tại (đất đai và con người) của Cần Thơ còn rất lớn, là điều kiện để thành phố phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời gian tới.
Ông Bình cũng nêu quan điểm về hai vấn đề được nói tới rất nhiều ở ĐBSCL: hạ tầng giao thông và vùng trũng về giáo dục.
"So với 15 năm trước thì có rất nhiều tiến bộ, nhưng so với nhu cầu đặt ra thì thế nào? Hệ thống hạ tầng kết nối khu vực phải nói là còn yếu kém. Đó là một trong những trở ngại", ông Bình nói.
Cũng theo trưởng Ban Kinh tế trung ương, nhân lực là điểm nghẽn lớn nhất của ĐBSCL, điều khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài ngại đầu tư vào đây.
Một góc đô thị trung tâm TP Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC
"Tất cả những cái nêu trên phải đặt trong thích ứng biến đổi khí hậu, chung sống với nó, coi nó là trạng thái bình thường mới để phát triển. Phát triển giao thông thì cũng đặt thích ứng, nông nghiệp cũng vậy", ông Bình gợi mở.
"Vai trò Cần Thơ với tư cách trung tâm vùng ĐBSCL còn rất mờ nhạt"
Ông Nguyễn Hồng Sơn, phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, cho rằng ĐBSCL hiện tại có 3 vấn đề chính đang phải đối mặt.
Cụ thể, thứ nhất là logistics yếu kém, xuất khẩu hàng hóa phải "mượn đường" (qua TP.HCM) hoặc đi lòng vòng khiến chi phí cao. Thứ hai là chất lượng nguồn nhân lực còn yếu kém, tỉ lệ qua đào tạo của vùng chỉ đạt 13% (bình quân cả nước 21%), Thứ 3 là tác động của biến đổi khí hậu với các ngành, đặc biệt là ngành nông nghiệp.
"Cần Thơ hoàn toàn đóng vai trò hỗ trợ và giải quyết tất cả vấn đề này. Nếu được thì nghiễm nhiên Cần Thơ sẽ là trung tâm vùng, dẫn dắt và thúc đẩy toàn vùng", ông Sơn nói.
Tương tự, GS.TS Võ Thanh Thu, Đại học Kinh tế TP.HCM, cũng chỉ ra 4 thách thức của TP Cần Thơ trong tiến trình trở thành trung tâm động lực phát triển ĐBSCL, trong đó nhiều liên kết vùng đang diễn ra nhưng không hề nhắc tới vị trí, vai trò của Cần Thơ (hợp tác tiểu vùng Đồng Tháp Mười, tiểu vùng bán đảo Cà Mau).
Trong khi đó, theo bà Thu, những tiểu vùng này lại nhắc tới TP.HCM, muốn liên kết với TP.HCM để phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận