23/12/2019 08:03 GMT+7

Ông Nguyễn Bắc Son có thoát án tử nếu nộp lại 3 triệu USD?

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Trong phần luận tội của Viện KSND Hà Nội với các bị cáo trong vụ án mua cổ phần AVG, cựu bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son bị đề nghị mức án tử hình. Ông Son còn cơ hội khắc phục hậu quả?

Ông Nguyễn Bắc Son có thoát án tử nếu nộp lại 3 triệu USD? - Ảnh 1.

Cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đến tòa - Ảnh: NAM TRẦN

Một trong những lý do để ông Son bị đề nghị mức án nghiêm khắc như vậy là bởi ông chưa nộp lại một đồng nào trong tổng số 3 triệu USD nhận hối lộ. Tuy nhiên, ông Son còn cơ hội để hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét mức án thấp hơn nếu nộp lại số tiền trên.

Vẫn còn cơ hội

Trong bản luận tội, Viện kiểm sát (VKS) cũng nêu rõ trong quá trình công tác ông Son có nhiều thành tích và đã được tặng huân chương, bằng khen... Đây là những tình tiết giảm nhẹ đối với ông Son. 

"Tuy nhiên với những thành tích đóng góp đó cùng cương vị đứng đầu bộ, lẽ ra bị cáo phải là tấm gương trung thực tận tâm phục vụ đất nước nhưng bị cáo đã có những hành vi sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt lớn", VKS nhận định.

Trước đó ông Son xin gặp gia đình để bàn phương án khắc phục hậu quả, HĐXX đã quyết định tòa tạm nghỉ một ngày để ông Son gặp gia đình. Tuy nhiên, tính đến khi VKS công bố bản luận tội, ông Son chưa khắc phục số tiền nhận hối lộ 3 triệu USD. Do đó, VKS đã đề nghị HĐXX tuyên mức án tử hình với ông.

Đây mới chỉ là đề nghị của VKS đối với những gì thẩm vấn và các tình tiết, diễn biến công khai tại phiên tòa. HĐXX chưa tuyên án thì gia đình ông Son vẫn còn cơ hội để khắc phục hậu quả trước khi mức án được tuyên.

Tạo điều kiện để bị cáo khắc phục hậu quả

Theo quy định pháp luật, việc khắc phục hậu quả trong vụ án hình sự được coi là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, thể hiện nhận thức, trách nhiệm của người phạm tội đối với hành vi sai phạm của mình gây ra. Việc khắc phục hậu quả này có thể được diễn ra trong suốt quá trình tố tụng: điều tra, truy tố, xét xử... và cả quá trình thi hành án.

Hiện đây mới là phiên tòa sơ thẩm và HĐXX chưa tuyên án nên gia đình ông Son hoàn toàn có thể nộp tiền khắc phục hậu quả để ông Son được hưởng tình tiết giảm nhẹ giống như các bị cáo khác. 

Trong vụ án này, các bị cáo Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Trương Minh Tuấn... cũng đều bị xét xử tội nhận hối lộ (số tiền nhận hối lộ đều nhiều hơn 1 tỉ đồng, lớn hơn mức quy định của hình phạt tử hình). 

Trong đó, số tiền mà ông Lê Nam Trà nhận từ ông Phạm Nhật Vũ cũng không hề nhỏ: 2,5 triệu USD. Tuy nhiên, các bị cáo này đã thành khẩn khai báo và gia đình đã nộp tiền khắc phục toàn bộ hậu quả nên mức án mà VKS đề nghị cho 3 bị cáo này với tội nhận hối lộ nhẹ hơn nhiều so với ông Son.

"Điều đó cho thấy mức độ phân hóa trong đánh giá hành vi, thái độ và khả năng khắc phục hậu quả của vụ án đối với mức án đề nghị là rất rõ rệt. Đồng thời, các cơ quan tố tụng cũng đã thực hiện theo đúng tinh thần của pháp luật đó là thu hồi tối đa số tiền thất thoát cho Nhà nước, tạo điều kiện cho các bị cáo khắc phục hậu quả để nhận mức hình phạt nhẹ hơn so với quy định của pháp luật" - một kiểm sát viên cao cấp đánh giá.

Sẽ chung thân?

Đối với ông Nguyễn Bắc Son, mặc dù bị VKS đề nghị mức án tử hình nhưng cơ hội để ông Son thoát án tử không phải không có nếu gia đình ông Son nộp được số tiền khắc phục hậu quả theo quy định.

Ngày 21-12, luật sư bào chữa của ông Nguyễn Bắc Son cho biết gia đình ông Son đã gom được 12,5 tỉ đồng để nộp cho cơ quan thi hành án. Con rể ông Son cũng đã nhận thư của ông Son gửi cho gia đình, động viên khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, đây mới chỉ là lời nói của luật sư và người thân ông Son chứ cơ quan thi hành án vẫn chưa nhận được tiền vì là ngày nghỉ.

Nếu ông Son khắc phục được toàn bộ số tiền nhận hối lộ, giống như các bị cáo khác trong vụ án, việc đánh giá, lượng hình với ông Son chắc chắn sẽ được HĐXX xem xét.

Ngoài ra, kể cả bản án đã có hiệu lực, pháp luật vẫn còn chừa một cơ hội cuối cùng đối với người phạm tội: nộp tiền khắc phục hậu quả trước khi có quyết định thi hành án. Mức tiền mà luật đưa ra là 3/4 số tiền được xác định là hậu quả của vụ án. 

Trong giai đoạn trước khi thi hành bản án tử hình, chỉ chánh án TAND tối cao mới có quyền xem xét giảm được từ bản án tử hình xuống chung thân hay không. Và đương nhiên, mức án nhẹ nhất trong giai đoạn thi hành án cũng là chung thân, không phải án có năm như HĐXX có thể cân nhắc, lượng hình.

Do đó, ông Son còn cơ hội để được nhận mức án nhẹ hơn đề nghị của VKS và cơ hội ấy tùy thuộc ở gia đình ông.

Bị cáo sẽ khai những gì có lợi cho bản thân

Đó là nhận định của một chuyên gia tâm lý học tội phạm về các lời khai của 2 cựu bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông trước tòa. "Diễn biến tâm lý của các bị cáo thuộc loại tội phạm tham nhũng và chức vụ không giống với các loại tội phạm khác nên dù có phân tích thế nào cũng khó đúng. Nhưng có một điểm chung ở họ: sẽ khai những gì có lợi cho bản thân.

Khi đủ căn cứ xác định hành vi phạm tội, trách nhiệm khắc phục hậu quả đó sẽ được buộc cho bị cáo. Do đó, trong vụ án cụ thể này, HĐXX chỉ có thể phân tích về những lợi ích cho bị cáo khi đưa ra lời khai trung thực và khắc phục hậu quả sớm để nhận được các tình tiết giảm nhẹ mà luật đã quy định".

Luật sư: Gia đình ông Nguyễn Bắc Son đã tập hợp được 12,5 tỉ để khắc phục Luật sư: Gia đình ông Nguyễn Bắc Son đã tập hợp được 12,5 tỉ để khắc phục

TTO - Trong phần bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son, luật sư của ông này bất ngờ cho biết gia đình đã tập hợp được 12,5 tỉ đồng và đang làm thủ tục để nộp trước số tiền này.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên