12/04/2025 08:06 GMT+7

Ông lớn dệt may Vinatex biến động ra sao giữa cơn bão thuế đối ứng?

Đã có tình trạng tạm dừng đơn hàng khi mức thuế đối ứng được công bố, song khi lệnh hoãn áp thuế 90 ngày đưa ra, khách hàng đã yêu cầu hoàn tất đơn hàng.

Ông lớn dệt may Vinatex biến động ra sao giữa cơn bão thuế đối ứng? - Ảnh 1.

Việc hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày giúp doanh nghiệp chuẩn bị nguồn lực ứng phó rủi ro - Ảnh: K.GIANG

Theo thông tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), trong quý 1-2025 doanh thu hợp nhất của doanh nghiệp ước đạt 4.417 tỉ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 271 tỉ đồng, tăng 165,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Tình hình kinh doanh khả quan trong quý 1, đơn hàng có hết quý 2?

Kết quả tăng trưởng có được là nhờ việc nhiều doanh nghiệp ngành sợi đã cắt lỗ và có lợi nhuận trong khi tất cả các doanh nghiệp may đều có kết quả kinh doanh tốt. 

Trong đó doanh nghiệp sợi đã có đơn hàng đến tháng 5-2025. Tuy nhiên từ tuần cuối cùng của tháng 2-2025 đến nay, thị trường sợi giảm cả về giá và nhu cầu trước những căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, trong khi giá bông liên tục giảm sâu. 

Hầu hết các đơn hàng sợi đang có xu hướng chốt theo nhu cầu sử dụng, yêu cầu giao hàng nhanh, không mua dự trữ, tồn kho, giá bán theo sát biến động thị trường.

Với ngành may, nhiều doanh nghiệp đã nhận đủ đơn hàng đến hết quý 2-2025 và đang thương thảo cho quý 3-2025. 

Nhiều đơn hàng có xu hướng đẩy nhanh tiến độ giao hàng để hạn chế tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ. Đơn hàng quý 2-2025 có xu hướng chững lại vì nghe ngóng các chính sách thuế. 

Vinatex cho biết trước khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng và kế hoạch áp thuế, nhiều khách hàng đã tạm dừng đơn hàng khiến thị trường và tình hình sản xuất chững lại. 

Tuy nhiên ngay khi thông tin tạm dừng áp dụng thuế được công bố vào ngày 10-4, các khách hàng đã thúc đẩy tiến độ sản xuất và giao hàng, yêu cầu hoàn tất đơn hàng trong vòng 90 ngày tới. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đã chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó trong ngắn và dài hạn, tập trung vào đàm phán với khách hàng trên tinh thần chia sẻ hữu nghị. Tìm kiếm thị trường xuất khẩu cũng như nguồn cung nguyên phụ liệu mới, tối ưu hóa quản trị sản xuất, đẩy nhanh tốc độ sản xuất các đơn hàng đã ký trong quý 2…

Tuy nhiên ngành dệt may Việt Nam cũng cần dự phòng phương án trong trường hợp hàng dệt may Trung Quốc không xuất khẩu vào Mỹ do thuế cao sẽ tấn công sang các thị trường lớn khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả thị trường nội địa Việt Nam.

Theo đánh giá của tập đoàn, nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may tại thị trường Mỹ có thể sẽ không sụt giảm mạnh do tồn kho đã trở về mức thấp sau COVID-19 và kỳ vọng vào những tín hiệu tích cực hơn chính sách thuế quan. 

Bình tĩnh ứng phó

Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường nhấn mạnh thị trường biến động, thuế suất cao không phải là điều mới xảy ra với dệt may Việt Nam - ngành công nghiệp đã trải qua nhiều sóng gió trong quá khứ nhưng vẫn vững vàng vượt qua, khẳng định được vị trí xuất khẩu thứ hai trên thế giới. 

Do đó điều quan trọng nhất lúc này không phải là hoang mang, lo lắng, mà là tinh thần kiên định, dũng cảm, gắn bó, sẵn sàng làm việc với hiệu suất cao nhất trong 90 ngày tới.

Ông Trường khuyến nghị các đơn vị cần kích hoạt cơ chế phối hợp chặt chẽ, tích lũy quỹ dự phòng cho kịch bản thị trường xấu nhất. Thúc đẩy khí thế lao động sản xuất, tối đa hóa sản lượng với 90 ngày làm việc thần tốc. Tuyên truyền cho người lao động không hoang mang, không dao động, nỗ lực cho đơn hàng của quý 2.

Ngoài ra, Vinatex cũng đẩy mạnh việc ưu tiên sử dụng vải trong hệ thống, phân loại từng mặt hàng, thị trường có nguy cơ bị ảnh hưởng để có cơ sở đàm phán với khách hàng và tìm kiếm hướng đi phù hợp. 

Vinatex đẩy mạnh minh bạch về quy tắc xuất xứ cũng như tuân thủ các quy định về chống gian lận thương mại. Đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường để tránh phụ thuộc vào một số thị trường đã có".

"Vấn đề lớn nhất hiện nay là mong chờ kết quả tích cực từ các đoàn đàm phán của Chính phủ. Với vai trò là ngành đóng góp khoảng 14% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi Mỹ và có gần 1 triệu lao động trực tiếp, tập đoàn sẽ có báo cáo kịp thời, đề xuất các vấn đề liên quan với tinh thần bình tĩnh, sáng suốt, đồng lòng, chia sẻ" - Vinatex nhấn mạnh. 

Ông lớn dệt may Vinatex biến động ra sao giữa cơn bão thuế đối ứng? - Ảnh 3.Ứng phó thuế của Mỹ, bộ trưởng kinh tế các nước ASEAN họp đặc biệt kêu gọi đối thoại

ASEAN kêu gọi Mỹ tham gia vào đối thoại mang tính xây dựng, thẳng thắn để giải quyết các mối quan ngại liên quan thương mại, đảm bảo mối quan hệ cân bằng và bền vững.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên