Ông Duterte nói Philippines sẽ không tham gia các cuộc tuần tra trên Biển Đông để tránh can dự vào một hành động gây hấn - Ảnh: AFP |
Theo Bloomberg trong bài phát biểu phát trên truyền hình hôm qua (13-9) trước các sĩ quan quân đội tại Manila, ông Duterte cho biết đã có hai nước (ông không nêu tên cụ thể) chấp thuận cho Philippines vay một khoản ưu đãi trong 25 năm để mua trang thiết bị quân sự.
Sau đó ông nói với bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana và các chuyên gia kỹ thuật trong lực lượng vũ trang sẽ tới Trung Quốc và Nga để "xem những loại vũ khí nào là tốt nhất".
Mặc dù ông Duterte nói là không muốn cắt "sợi dây rốn" với các đồng minh của Philippines, tuy nhiên tuyên bố đó của ông là tín hiệu mới nhất cho thấy những thay đổi so với nội dung hiệp định quốc phòng giữa Mỹ và Philippines có từ năm 1951.
Ông Eduardo Tadem, giảng viên chuyên về nghiên cứu châu Á của Đại học Philippines, cho rằng: "Ông Duterte dường như đã bắt đầu cụ thể hóa những tuyên bố của ông ấy bằng cách thực thi một chính sách ngoại giao độc lập. Vấn đề ở đây là kết quả nhận về sẽ là gì? Trung Quốc sẽ thực sự trao đổi những gì?"
"Tôi không cần máy bay chiến đấu"
Ngày 13-9 ông Duterte nói Philippines chỉ cần những loại máy bay có thể giúp lực lượng an ninh nước này chống lại những kẻ nổi dậy và đám khủng bố tại Mindanao. Ông nói ông muốn mua vũ khí "ở đâu giá rẻ và ở đâu không có những điều kiện ràng buộc và mọi chuyện minh bạch".
Tổng thống Philippines nói: "Tôi không cần máy bay chiến đấu, F-16, nó chẳng có tác dụng gì với chúng ta cả. Chúng ta không có ý định tấn công bất cứ nước nào".
Theo cơ sở dữ liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, kể từ năm 1950 Mỹ chiếm 75% lượng vũ khí nhập khẩu của Philippines. Cũng theo dữ liệu này, trong khoảng thời gian đó Nga và Trung Quốc không cung cấp bất cứ loại vũ khí nào cho Philippines.
Theo chuyên gia phân tích về ngành công nghiệp quốc phòng Jon Grevatt của HIS Jane tại Bangkok, Mỹ có thể sẽ có những động thái về ngoại giao để ngăn cản Philippines chuyển sang tìm kiếm nguồn cung thiết bị quân sự từ Trung Quốc.
Theo dữ liệu của IHS Janes năm nay ngân sách chi cho quốc phòng của Philippines tăng lên 25 tỉ peso (524 triệu USD), cao hơn 60% so với năm 2015.
Trung Quốc và Nga vỗ tay ăn mừng
Chuyên gia Grevatt cho rằng nếu đúng là Philippines thực sự sẽ rời xa đối tác truyền thống lâu nay của họ là Mỹ thì Trung Quốc và Nga sẽ vỗ tay ăn mừng vì trông thấy cơ hội rõ rệt trong việc thâm nhập được thị trường này.
Cùng với đó ông Duterte cũng tuyên bố Philippines sẽ không tham gia các cuộc tuần tra trên Biển Đông để tránh liên quan trong một "hành động gây hấn". Ông Duterte nói: "Tôi chỉ muốn tuần tra trong vùng biển của chúng ta".
Mỹ bắt đầu tuần tra chung với Philippines trên Biển Đông từ đầu năm nay trước khi ông Duterte đắc cử tổng thống hồi tháng 5. Hai nước cũng đã tìm kiếm giải pháp tăng cường hợp tác quân sự để đối phó với những tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc tại vùng biển này.
Trong một email thông báo ngày 13-9 Lực lượng vũ trang Philippines cho biết mối quan hệ quốc phòng với Mỹ vẫn được duy trì "bền vững như đá tảng" và các hoạt động đã lên kế hoạch trong năm nay vẫn sẽ được tiến hành bình thường.
Quân đội Philippines cũng chưa nhận được chỉ thị cụ thể nào về cách thức tiến hành những điều ông Duterte tuyên bố về chuyện rút quân Mỹ khỏi Mindanao.
Người phát ngôn tổng thống Philippines, ông Ernesto Abella, cho biết trong cuộc họp báo ngày 13-9, phát biểu của tổng thống về việc lính Mỹ nên rời khỏi Mindanao vẫn chưa trở thành chính sách cụ thể, tuy nhiên đó là nền tảng cho một động thái khả thi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận