13/04/2018 14:29 GMT+7

Ông Duterte phải xin lỗi Myanmar vì lỡ lời ‘diệt chủng’

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Nhà lãnh đạo Philippines phải trả giá cho kiểu phát ngôn có phần bạt mạng của mình. Ông đã phải xin lỗi bà Aung San Suu Kyi.

Ông Duterte phải xin lỗi Myanmar vì lỡ lời ‘diệt chủng’ - Ảnh 1.

Tổng thống Rodrigo Duterte đến phát biểu tại một sự kiện của cộng đồng người Philippines ở Hong Kong ngày 12-4 - Ảnh: REUTERS

Hôm nay (13-6), Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã gửi lời xin lỗi đến bà Aung San Suu Kyi vì nói rằng chuyện diệt chủng đang diễn ra ở Myanmar, và giải thích thêm rằng lời nhận xét của ông là cách hài hước kiểu phương Tây để nói về việc không tiếp nhận người Hồi giáo thiểu số Rohingya.

Bà Aung San Suu Kyi là cố vấn nhà nước, Ngoại trưởng Myanmar nhưng theo nhận định của giới quan sát là lãnh đạo thực quyền của chính phủ Myanmar.

Tuần trước ông Duterte có nói Philippines sẵn sàng dành chỗ trú ẩn cho người Rohingya đang chạy trốn cái mà ông gọi là "nạn diệt chủng" ở Myanmar.

Phát ngôn này của nhà lãnh đạo Philippines đã khiến ông Zaw Htay, phát ngôn nhân của chính phủ Myanmar, lập tức đáp trả rằng ông Duterte "ăn nói thiếu kiềm chế" và "không biết gì về Myanmar".

Theo Hãng tin Reuters, trong phát ngôn ngày hôm nay (13-4), được cho là hướng tới bà Suu Kyi, ông Duterte đã tìm cách thanh minh thanh nga cho phát ngôn lỡ lời trước đó của mình và khẳng định ông không can thiệp vào cái mà ông gọi là "cuộc nội chiến" của Myanmar.

"Tôi sẽ xin lỗi bạn nhưng cũng mong bạn nhận thấy phát ngôn của tôi gần như là câu nói hài hước. Tôi không có ý can thiệp vào công việc nội bộ của bạn", ông Duterte phát biểu với với các nhà báo nhưng chữ "bạn" ở đây được xem là "bà Suu Kyi".

Philippines và Myanmar là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên, với chính sách quan hệ được thỏa thuận là không can thiệp vào công việc của nhau.

Ông Duterte phải xin lỗi Myanmar vì lỡ lời ‘diệt chủng’ - Ảnh 2.

Người Rohingya sống tạm bợ trong khu trại tị nạn ở Bangladesh - Ảnh: REUTERS

Nhà lãnh đạo Philippines giải thích thêm rằng ông phát ngôn kiểu đó nhằm chống lại các nước châu Âu lớn tiếng cáo buộc Myanmar về các vi phạm nhân quyền, nhưng gần như lại chẳng làm gì để giúp người Rohingya.

"Quý vị có kế hoạch nào trong việc cung cấp nơi trú ẩn an toàn dù chỉ trong thời gian ngắn cho những người thực sự là nạn nhân chiến tranh?" - ông Duterte lên tiếng, ý nói đến các quốc gia châu Âu.

Ông cũng lên tiếng thách thức các quốc gia phương Tây thực hiện "cứu trợ tạm thời" cho những người tị nạn và tuyên bố ông sẽ làm như vậy.

"Tôi sẵn sàng chấp nhận chia sẻ trách nhiệm của tôi nhân danh nhân loại", ông Duterte phát biểu.

Quả thực ông Duterte, từ khi lên nắm quyền ở Philippines, luôn không ngần ngại chỉ trích cái mà ông xem là những "thế lực phương Tây đạo đức giả".

Liên Hiệp Quốc và các tổ chức bảo vệ nhân quyền cho rằng gần 700.000 người Rohingya đa số theo Hồi giáo đã bỏ quê nhà Myanmar sang lánh nạn ở Bangladesh láng giềng từ tháng 8-2017 sau khi các tay súng người Rohingya tấn công lực lượng an ninh Myanmar dẫn đến cuộc tấn công quân sự của quân đội chính phủ mà Liên Hiệp Quốc gọi là "thanh lọc sắc tộc".

Nhưng ban lãnh đạo Myanmar với đa số người dân theo Phật giáo đã bác bỏ cáo buộc trên, nói rằng các lực lượng an ninh chỉ thực hiện cuộc hành quân phản công hợp pháp nhằm đáp trả các cuộc tấn công của các tay súng người Rohingya.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên