02/06/2014 06:30 GMT+7

Ông chủ "7 xu" và niềm đam mê tai nghe làm bằng tay

LÊ VÂN
LÊ VÂN

TT - Trai Sài Gòn nhưng phải lăn lộn đủ nghề từ bốc xếp, chạy chợ, bồi bàn... anh chàng có vẻ mặt “ngầu” Trần Mạnh Hùng lại có một đam mê độc đáo: tự chế tai nghe handmade (làm bằng tay).

Làm chủ từ 30 triệu đồngĐưa những ước mơ bay xa“Ngọn nến cong” tỏa sáng

dpnYd3fR.jpgPhóng to
Những đôi tay tài hoa (từ trái qua): Phan Thái Vinh, Nguyễn Minh Tân, Ngô Kỳ Quang và Trần Mạnh Hùng - Ảnh: Quang Định

Khác biệt ở đâu giữa một tai nghe Việt với tai nghe ngoại? Trần Mạnh Hùng, “ông chủ trẻ” của dòng tai nghe đang được nhiều bạn trẻ Sài Gòn yêu thích, lý giải: mộc mạc, sống động, tinh tế và trau chuốt!

Ông chủ “7 xu”

Tặng nhạc có bản quyền

“Thế giới của một người cô đơn thường rất khác với mọi người. Đó là lý do mà mình mê nhạc, âm thanh bắt nguồn từ âm nhạc khiến mình dường như quên được cảm giác trống trải” - Hùng bộc bạch. Hùng còn dự định sẽ lập mạng xã hội âm nhạc với các bản nhạc gốc, có bản quyền để tặng khách hàng sử dụng tai nghe handmade.

Tốt nghiệp phổ thông, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Hùng chọn công việc dễ tìm lúc đó là kiểm hàng bốc xếp ở cảng Sài Gòn.

Công việc kiểm kê bao luôn cả bốc xếp lúc thiếu người, hàng về nhiều khiến anh chàng gốc Sài thành bự con làm việc không thua dân lao động nặng. Ấy vậy mà Hùng lại rất mê âm thanh.

Lúc còn đi làm, bao nhiêu vốn liếng gom góp từ tiền công ít ỏi có khi “bay” theo chiếc tai nghe vài triệu hay có khi cả chục triệu đồng.

Rồi Hùng chuyển hướng công việc sang kinh doanh tai nghe “độ” cho dân chơi âm thanh, vừa để thỏa mãn đam mê vừa có cơ hội tiếp cận với những chiếc tai nghe trị giá mấy chục triệu đồng.

Từng trải qua nhiều cách chơi âm thanh “thủ công” như độ tai nghe, làm amply cho tai nghe hay chế tác các loại dây cho tai nghe thường, Hùng chợt nghĩ phải làm một dòng tai nghe nào đó hội tụ đầy đủ dấu ấn “handmade” của mình.

Sau thời gian chơi tai nghe, Hùng cùng một nhóm bạn chung sở thích đã tự làm chiếc tai nghe từ các linh kiện nhập hoàn toàn bằng tay. Đó là chiếc tai nghe có tên “Jelly ear - Cục thạch” mà nhóm Hùng rất tâm đắc.

26 tuổi, hiện Trần Mạnh Hùng đang sở hữu Công ty “Cùng làm tay - Join handmade” do anh làm giám đốc, chuyên kinh doanh tai nghe thủ công. Và câu chuyện của ông chủ dòng tai nghe “handmade” đã bắt đầu bằng những việc lặt vặt “phụ việc” cho dân chơi âm thanh.

Đó là thời gian giúp Hùng tìm hiểu kết cấu tai nghe, các loại linh kiện được lắp ráp ra sao, nguồn hàng nhập linh kiện... Kỹ năng học được khi phụ việc cho dân “anh chị” trong giới mê âm thanh đã giúp Hùng chuẩn bị một cửa hàng tai nghe của chính mình.

Thời điểm cuối 2010, Hùng mở một cửa hàng chuyên độ tai nghe có tên ngồ ngộ: “7xu.vn”. Cũng từ đây, Hùng khá nổi danh trong giới chơi âm thanh với những chiếc tai nghe “custom” - độ vỏ tai nghe vừa khuôn tai mỗi người. Dù mức giá mỗi chiếc tai nghe tự đục đẽo bằng tay khi đó 6-10 triệu đồng nhưng Hùng làm không đủ bán.

Hãy bắt đầu bằng điều mình yêu thích

Nhưng điểm nổi trội của tai nghe Jelly ear chính là toàn bộ quy trình lắp ráp bên trong, đúc khuôn bên ngoài đều làm bằng tay. Quá trình đúc khuôn đợi độ cứng hoàn hảo nhất, cho đến những chi tiết nhỏ như đan dây, đan chỉ và gia công bề mặt đều được chế tác thủ công hoàn toàn.

“Để hoàn thiện từng chi tiết và cho ra đời một chiếc tai nghe, chúng tôi mất khoảng 48 giờ làm việc cho hơn 20 công đoạn” - Ngô Kỳ Quang, thành viên trong nhóm “Cùng làm tay” của Hùng, chia sẻ.

Núm tai nghe được nhóm chọn chất liệu bọt xốp êm ái, thoải mái và vừa vặn với hầu hết mọi người, giảm sự khó chịu về kích cỡ núm tai hay sự khó chịu mà núm tai silicon thường gây ra như tai nghe thường. Đó cũng là lý do nhóm Hùng lấy tên cho dòng tai nghe làm tay hoàn toàn là “Jelly ear - Cục thạch”.

Jelly ear của “Cùng làm tay” - công ty mới lập để có tư cách pháp nhân khi nhập linh kiện hay xuất hóa đơn cho khách hàng - là một bước tiến chuyên nghiệp của ông chủ “7 xu” trước đây trong hành trình khởi nghiệp.

Những thông tin về Hùng tai nghe handmade rộ lên khiến nhiều người mê âm thanh cũng như nhiều quỹ đầu tư “lưu ý”. Hùng đã nhận được lời mời góp vốn của một quỹ đầu tư về dòng sản phẩm tai nghe handmade này. “Mình trân trọng sự quan tâm của nhà đầu tư nhưng đang cân nhắc về tính độc lập của công ty cũng như sản phẩm về sau. Mục tiêu trước mắt của tụi mình vẫn là khởi nghiệp không cần đầu tư” - Hùng chia sẻ.

Ngay từ khi ra mẫu, Jelly ear đã nhận được 300 đơn hàng online, trong đó 100 đơn hàng đã chuyển tiền “xí trước”. Mục tiêu của “Cùng làm tay” trong thời gian tới là mỗi tháng nhận 100 đơn hàng. Nhưng thời gian này, “Cùng làm tay” đang tạm dừng nhận đơn hàng để làm cho xong những đơn hàng đã nhận. Hùng cũng đã hợp tác với một số cửa hàng điện thoại để cung cấp 50 tai nghe thủ công/tháng.

“Có nhiều cách để lập nghiệp, nhưng hãy bắt đầu bằng điều mình yêu thích” - Hùng đúc kết. Nếu không có đam mê, hẳn Hùng và những người bạn không thể ngồi suốt 48 giờ để hoàn thành 20 công đoạn cho một chiếc tai nghe “handmade” giá 2 triệu đồng. “Giá trị của tai nghe thủ công không nằm ở giá tiền mà ở chữ ký trên từng chiếc tai nghe, cũng chính là dấu ấn của người làm ra nó, điểm đặc biệt mà tai nghe handmade của tụi mình hướng đến” - nhóm chia sẻ.

LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên