10 năm trao ánh sáng và niềm tinChế tạo máy để giúp các bạn khiếm thị Mang yêu thương đến trẻ em khuyết tật
Phóng to |
Lê Hương Giang (giữa) cùng các bạn khuyết tật tại lớp học mini arthouse trong Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội - Ảnh: Tiến Thắng |
"Ngọn nến cong" tỏa sáng |
Tâm sự của Lê Hương Giang - một học sinh khiếm thị (lớp 12D2 Trường THPT Thăng Long, Hà Nội) - trong buổi lễ phát động Tuần lễ toàn cầu giáo dục cho mọi người, tại thành phố Huế hôm đầu tháng 5, làm xúc động những người đến dự.
Hòa nhập cuộc sống mới
Một người đa tài sôi nổi Giang là học sinh khiếm thị hai lần dự hội thi “Thách thức công nghệ thông tin” dành cho thanh niên khuyết tật toàn cầu tại Hàn Quốc năm 2012 và Thái Lan năm 2013. Trong ba năm từ 2012-2014, Giang liên tục giành các giải thưởng: giải ba Hội thi khoa học kỹ thuật toàn quốc 2012, giải nhì ngành công nghệ máy tính Intel, giải nhất Hội thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông thành phố Hà Nội lần thứ nhất 2013 và cũng tại hội thi này, lần thứ tư Giang đoạt giải khuyến khích. Đầu tháng 4 vừa qua, Giang được vinh danh là một trong 10 gương mặt người khiếm thị tiêu biểu của Hội người mù thành phố Hà Nội tại festival “Niềm tin và ánh sáng” lần 2 năm 2014. Giang từng được hoàng hậu Thụy Điển mời sang thăm cung điện và giao lưu với những bạn khuyết tật bên đó. |
Thoạt nhìn ít ai ngờ Giang là học sinh khiếm thị. Việc đi lại, cách giao tiếp thân thiện và nụ cười hiền dịu giúp Giang xóa bỏ khoảng cách “sáng tối” với người xung quanh.
Cuộc sống bị đảo lộn với Lê Hương Giang khi vừa vào năm đầu THCS, mắt mờ dần rồi chìm trong bóng tối. Giang mất hết niềm tin, sống thu mình, tự ti, kết quả học tập sa sút. Giang không biết tương lai của mình rồi sẽ ra sao, thậm chí Giang không muốn nghĩ tới. Đó là giai đoạn đen tối nhất.
Rồi tình cờ Giang gặp hai người bạn đồng cảnh ngộ là chị Phạm Thị Ngà và anh Đỗ Xuân Linh. Câu chuyện vượt khó của hai người đã dấy lên trong con người “ngọn nến cong” một khát khao dữ dội. Hằng ngày, chị Ngà kèm Giang học và giao tiếp. Anh Linh dạy Giang hát, chơi guitar. Thời gian rảnh, cả hai người khuyến khích Giang tham gia các hoạt động xã hội. Bản năng tồn tại trong Giang trỗi dậy mãnh liệt. Bạn bè của Giang đông dần lên, không chỉ có những bạn đồng cảnh ngộ mà cả những người bạn bình thường. Mọi người cùng giúp đỡ, hướng dẫn Giang cách tự định hướng lối đi, kỹ năng cơ bản của cuộc sống.
Học hết THCS, khác với nhiều bạn khuyết tật ở Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Giang chọn xin vào THPT Thăng Long. Giang giãi bày là đã có nhiều năm học với các bạn đồng cảnh ngộ, cảm nhận rất rõ người khuyết tật có xu hướng cô lập, tụ lại với nhau. Giang muốn chọn con đường này để thử thách bản thân, buộc mình phải tìm cách hòa nhập với cuộc sống mới.
Thời gian đầu bước vào trường Giang nghĩ sẽ lạc lõng. Nhưng thật bất ngờ, từ những ngày đầu tiên từng bạn trong lớp đã làm quen, hỏi thăm về khó khăn của người khiếm thị trong học tập và sinh hoạt rồi phân công nhau giúp Giang vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu. Để bây giờ Giang luôn nằm top 10 học sinh giỏi nhất trường.
“Giang đã thật sự khiến tôi bất ngờ. Ngay khi bắt đầu chủ nhiệm lớp Giang, tôi đã khá lo lắng nghĩ làm cách nào để giúp cô bé hòa nhập với các bạn. Tôi thấy cô bé rất nhạy cảm và luôn cố gắng hết mình để có thể hoàn thành công việc được giao tốt hơn cả những người bình thường có thể làm được” - cô Nguyễn Thị Thu Phương, giáo viên chủ nhiệm lớp Giang, cho biết.
Ước mơ trở thành chuyên gia tâm lý
Ở Trường THPT Thăng Long, Hà Nội, Giang là chủ tịch CLB phóng viên. Riêng giới trẻ Hà Nội còn biết tới Giang là cô phóng viên Đài VOV2 với những phóng sự cảm động về người khuyết tật.
Từ Minh Ngọc - một bạn học cùng lớp với Giang - cho biết lớp học gồm 50 người chỉ mình Giang là học sinh khuyết tật, nhưng những gì Giang thể hiện đã khiến mọi người quên điều đó. Không chỉ có thành tích ở các cuộc thi và hoạt động xã hội, trong học tập Giang luôn là “đối thủ” đáng gờm của các bạn học sinh giỏi.
Hiện tại, bên cạnh những buổi học tại trường THPT, tranh thủ thời gian rảnh vào chiều thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, Lê Hương Giang lại tìm về lớp học “mini arthouse” tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội để cùng với các bạn khuyết tật khác tham gia “sáng tác nghệ thuật” trên những khối đất sét. Nhiều bạn khuyết tật còn rụt rè, tự ti được Giang giới thiệu tham gia lớp học. Theo Giang, ở đây sẽ giúp những người khiếm thị có thể thể hiện những hình dung của mình về cuộc sống xung quanh và sáng tác bằng việc nặn đất sét. Quan trọng hơn, nó giúp người khuyết tật thấy tự tin, lạc quan hơn.
Giang luôn tâm niệm: “Tôi sinh ra trên đời là để làm nên điều kỳ diệu cho chính cuộc sống của mình”. Giang mong muốn trở thành một nhà tư vấn tâm lý. Giang nói tâm lý của người khuyết tật là một lĩnh vực phức tạp mà có lẽ chỉ những người đồng tật mới hiểu hết được. Bản thân Giang khi mới bước ra với cộng đồng cũng gặp phải rất nhiều trở ngại, băn khoăn, lo lắng mà không thể chia sẻ với ai. Giang muốn mình với kinh nghiệm sẵn có cùng những kiến thức chuyên môn sẽ giúp việc học hòa nhập của các em sau này trở nên thuận lợi hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận