28/02/2021 08:19 GMT+7

Ông Biden dùng ngoại giao cứng rắn?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Tổng thống Joe Biden đang vẽ ra bức tranh đối ngoại của nước Mỹ bằng những nét riêng khác biệt với người tiền nhiệm, khi tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc và Iran như thời trước nhưng có thể đảo ngược chính sách đối với Nga và Saudi Arabia.

Ông Biden dùng ngoại giao cứng rắn? - Ảnh 1.

Tổng thống Biden (phải) bày tỏ sự chia sẻ khi đến thăm ngân hàng lương thực Houston ngày 26-2, khi ông cùng vợ đến thị sát hoạt động tái thiết sau thảm họa bão mùa đông - Ảnh: Reuters

Washington đang làm nhiều việc thừa thãi. Thay vì phối hợp với châu Âu để thiết kế một lộ trình hợp lý để hồi sinh JCPOA, các quan chức của ông Biden lại liên tục tuyên bố Iran phải là người bước trước tiên rồi Mỹ mới dỡ bỏ lệnh trừng phạt dù chính Washington đã rời bỏ thỏa thuận trước.

Trita Parsi (người sáng lập Hội đồng quốc gia Mỹ - Iran)

Tờ The Hill, có quan điểm ủng hộ Đảng Dân chủ, cho rằng Tổng thống Biden đang cố gắng thoát khỏi bóng đen của người tiền nhiệm. Ông tuyên chiến với khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" bằng tuyên bố "Nước Mỹ đã trở lại". Thậm chí trong một chương trình truyền hình, đương kim tổng thống tuyên bố "đã quá mệt mỏi" với việc người ta cứ mãi nhắc đến người tiền nhiệm và đem ra so sánh, theo The Hill.

Từng bước phác họa

Một loạt động thái cả quân sự lẫn ngoại giao đã được ông Biden quyết định trong những ngày cuối tuần này. Ngay sau cuộc "không kích có giới hạn" ở Syria - một động thái vấp phải sự phản đối gay gắt từ Nga, ông Biden điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. "Mỹ không bao giờ công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và sẽ sát cánh cùng Ukraine chống lại các hành động gây hấn của Nga. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp để buộc Nga phải chịu trách nhiệm vì những hành vi cưỡng ép và gây hấn với Ukraine", Hãng tin Reuters thuật lại lời ông Biden trong cuộc điện đàm ngày 26-2.

Thái độ cứng rắn với Nga của chính quyền Biden là điều đã được giới quan sát dự đoán từ lâu. Động thái có phần bất ngờ, theo Reuters, là trong mối quan hệ với Saudi Arabia vốn vô cùng nồng ấm dưới thời ông Trump. Một quan chức cấp cao trong chính quyền Biden cho biết Mỹ đang tìm cách "hiệu chỉnh" lại mối quan hệ: một mặt Washington muốn Riyadh phải ngừng hoặc thừa nhận một phần trách nhiệm các vụ vi phạm nhân quyền, mặt khác vẫn muốn giữ những thứ cốt lõi trong quan hệ đã có.

Theo nguồn tin độc quyền của Reuters, sau khi hoãn việc bán nửa tỉ USD vũ khí cho Saudi Arabia, chính quyền Biden đang tiến tới việc chỉ bán cho Riyadh các loại vũ khí phục vụ cho mục đích phòng thủ. Lý do được đưa ra là cuộc chiến ủy nhiệm giữa Saudi Arabia và Iran ở Yemen đã gây thống khổ quá nhiều cho dân thường. "Chúng tôi muốn chấm dứt cuộc chiến ở Yemen nhưng cũng đảm bảo Saudi Arabia có đủ mọi thứ cần thiết để bảo vệ người dân và lãnh thổ của họ", một quan chức ngoại giao đề nghị giấu tên tiết lộ.

Một chỉ dấu khác là việc xới lại vụ sát hại dã man nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018 trong Tổng lãnh sự quán Saudi Arabia ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thái tử Mohammed bin Salman, người đang cai quản Saudi Arabia trên thực tế, bị chỉ đích danh là người đã chấp thuận kế hoạch "tìm và diệt" ông Khashoggi. Một loạt cá nhân đã bị trừng phạt theo thông cáo ngày 27-2 của Bộ Ngoại giao Mỹ nhưng lại không có tên của thái tử Saudi Arabia.

Cần sự kiên nhẫn

Vụ không kích có giới hạn nhắm vào các lực lượng vũ trang thân Iran ở biên giới Syria - Iraq ngày 25-2 cũng đã khiến một số học giả lo ngại. "Anh vừa tuyên bố ngoại giao đã trở lại, rồi anh lại quăng bom xuống Syria. Thế có nghĩa là gì?", người sáng lập Hội đồng quốc gia Mỹ - Iran Trita Parsi đặt vấn đề trong bài viết trên báo The Guardian.

Trong khi phần lớn chuyên gia cho rằng vụ không kích là cần thiết để gửi thông điệp cảnh cáo tới Iran, ông Parsi cho rằng Tổng thống Biden "có ý định tốt nhưng chiến lược tệ". Dù đã chủ động thương thảo với Iran về việc tuân thủ Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (JCPOA), Mỹ vẫn đang đi theo cách cũ: lấy sức mạnh quân sự và kinh tế để gây sức ép thay vì ngoại giao.

Tổng thống Biden rõ ràng cần thêm sự thông cảm và kiên nhẫn từ giới phân tích. Đã có những lo ngại về cái gọi là "sự cứng rắn giả tạo" của chính quyền Biden, song khái niệm cứng rắn chưa bao giờ được hiểu là chỉ dành riêng cho các hành động quân sự hay trừng phạt. Mặc dù có thể tạo ra thay đổi nhanh chóng, hành động quân sự hay biện pháp trừng phạt sẽ để lại những hệ quả khó sửa chữa nếu tính toán sai lầm.

Các nỗ lực ngoại giao thường tốn nhiều thời gian và công sức, có thể thành công bằng sự thỏa hiệp, dù đôi khi có thể thất bại nhưng không để lại hậu quả có thể trông thấy. Sẽ còn mất thêm một khoảng thời gian nữa để kiểm chứng tuyên bố "Mỹ đã trở lại, ngoại giao đã trở lại" của Tổng thống Biden.

Câu hỏi đặt ra là giải pháp ngoại giao của chính quyền Biden sẽ là gì trong những vấn đề đã gặp thất bại khi tìm cách điều đình bằng ngoại giao trong quá khứ, chẳng hạn như vấn đề Crimea?

Tổng thống Biden: Không kích Syria là cảnh báo với Iran Tổng thống Biden: Không kích Syria là cảnh báo với Iran

TTO - Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 26-2 cho rằng Iran nên xem cuộc không kích của Mỹ nhằm vào nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn tại miền đông Syria là sự cảnh báo với họ.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Biden Syria Nga Saudi Arabia