Quan điểm nhờ ông bà chăm cháu nhỏ giúp vợ chồng trẻ yên tâm đi làm có người đồng thuận, nhưng có người lại cho rằng để ông bà nghỉ ngơi. Điều đó còn phụ thuộc vào quan điểm của chính ông bà.
"Chúng tôi không phân biệt cháu nội hay cháu ngoại"
Ông Phạm Bá và bà Đào Hợp (ở Hòa Bình) có một trai, một gái. Từ ngày ông bà về hưu cách đây 18 năm, ông bà đã lần lượt đi chăm cháu ngoại đến cháu nội ở TP.HCM. Đứa cháu ngoại của ông bà nay đã học lớp 12. Còn cô cháu gái nhỏ nhất là cháu nội của ông bà cũng đã học lớp 4.
Khi con trai, con gái của ông bà lập gia đình, có con nhỏ, ông bà đều vào TP.HCM hỗ trợ chăm sóc. Cứ hết chăm cháu ngoại đến cháu nội. Các con ông bà đều sinh hai đứa con. Cả hai đứa cháu từ lúc lọt lòng đến lúc 2 tuổi đều được ông bà phụ giúp chăm sóc.
"Chúng tôi không có quan điểm phân biệt cháu nội hay cháu ngoại. Thấy con cái lập nghiệp tại TP, điều kiện kinh tế chưa dư dả nên sẵn sàng giúp trông cháu cho con yên tâm đi làm.
Ban đầu, các con tôi cũng tính thuê người giúp việc trông cháu, nhưng chúng tôi nghĩ mình đã nghỉ hưu nên cố gắng chăm sóc cháu. Giúp tụi nó vừa đỡ tốn phí thuê người, mà mình cũng yên tâm khi tự tay chăm cháu mình", bà Hợp cho hay.
Còn ông Bá chia sẻ: "Tuổi già chăm cháu nhỏ vất vả hơn so với khi mình còn trẻ chăm con. Chính vì thế, cả hai vợ chồng tôi cùng đi chăm cháu để hỗ trợ nhau.
Vì các con ở đô thị, vừa phải mưu sinh, vừa phải chăm con sẽ vất vả hơn khi mình ở quê có ông bà hay người thân hai bên hỗ trợ phần nào.
Chúng tôi cũng không có tiền để cho con phụ thuê người giúp việc, mà lại không yên tâm bằng chính tay ông bà hỗ trợ chăm cháu".
Ông bà cho biết tuổi già cũng nhức mỏi tay chân nên khi chăm cháu nhỏ, nhất là khi cháu tập đi cũng chùn chân mỏi gối theo cháu.
"Thương con và cháu nên chúng tôi cũng ráng giúp. Mình không giúp con, ở quê cũng thấy lòng dạ bồn chồn không yên tâm", bà Hợp bộc bạch.
Đi nước ngoài chăm cháu
Bà Nguyễn Thị Thu quê Gia Lai đang sang Mỹ để chăm cháu ngoại thứ hai của mình. Cách đây 5 năm, bà cũng sang Mỹ khi con gái của bà sinh con đầu lòng.
Con gái bà Thu làm việc tại Mỹ, lập gia đình cùng đồng nghiệp là người Việt. Không có người thân bên cạnh nên khi chuẩn bị đón đứa con đầu lòng, hai vợ chồng con gái bà đã cậy nhờ bà Thu bay sang để hỗ trợ chăm sóc cháu nhỏ. Khi cháu đi được trường mầm non, bà Thu mới về nước.
Bà Thu từng chia sẻ, bà sang Mỹ chăm đứa cháu đầu lòng bởi bà sợ con gái sẽ tủi thân khi ở phương xa sinh con một mình. Hai vợ chồng trẻ chăm sóc con nhỏ chắc chắn sẽ rất vất vả.
Chính vì thương hoàn cảnh con cái ở xa phải chăm con nhỏ, bà Thu đã để chồng và con trai út ở nhà để sang tận trời Tây chăm con, chăm cháu.
Còn bà Đặng Thị Hồng (quê Thanh Hóa) cũng từng bay sang Úc để đỡ đần khi hai vợ chồng con trai đón đứa con đầu lòng. Bà Hồng cho hay bà không phân biệt con dâu hay con ruột.
Bà chỉ suy nghĩ hai vợ chồng con trai bà sống nơi đất khách, không người thân thì lại càng cần được hỗ trợ khi sinh con. Điều đó khiến bà bỏ qua khó khăn để bay sang Úc giúp con, giúp cháu.
Với bà Hồng và bà Thu, sang nước ngoài chăm sóc cháu để con cái yên tâm đi làm không chỉ vất vả, mà còn cô đơn. Các bà không biết giao tiếp với ai ngoài những cuộc gọi điện về nhà nói chuyện với chồng và bạn bè ở quê nhà.
Bạn nghĩ thế nào về việc vợ chồng trẻ nuôi con cần có sự hỗ trợ của ông bà nội ngoại? Theo bạn, ông bà nên giúp con chăm cháu, hay tận hưởng cuộc sống khi đã nghỉ hưu? Mời bạn chia sẻ quan điểm về hòm thư hongtuoi@tuoitre.com.vn. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận