Học sinh Phú Yên thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 - Ảnh: THÚY HẰNG
Ngoài ra, còn chuẩn bị cả thơ văn liên hệ, so sánh... Quan trọng không kém là viết chữ rõ ràng, sạch đẹp, đúng ngữ pháp... Thực tế nhiều em viết chữ giám khảo đọc không nổi.
Học sinh cần nắm vững kỹ năng, kỹ thuật... làm bài sẽ dễ đạt điểm cao nhất. Có thể tham khảo các gợi ý bên dưới:
Phần đọc - hiểu (3,0 điểm)
Có 4 cấp độ cần đạt: Nhận biết, Thông hiểu, Vận dụng thấp và Vận dụng cao.
Về phương thức biểu đạt (gồm: tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, điều hành - hành chính - công vụ). Nếu đề yêu cầu chỉ ra phương thức biểu đạt chính/ chủ yếu thì ta chỉ chọn duy nhất 1 phương án lựa chọn.
Nếu văn bản/ đoạn trích là văn bản thơ thì không chọn phương thức biểu đạt thuyết minh; đọc kỹ nếu tình cảm, cảm xúc dạt dào, bay bổng thì chọn biểu cảm; có chuyện để kể (thời gian, không gian, nội dung sự việc có tiến triển...) thì chọn tự sự;...
Về thao tác lập luận (gồm: giải thích, chứng minh, bình luận, phân tích, so sánh, bác bỏ). Nếu văn bản/ đoạn trích có cố ý làm rõ nhiều khái niệm (theo kiểu đồng nhất, mẫu: A là B) hoặc đáp ứng nhu cầu hiểu cấp độ sơ lược thì chọn giải thích;
Nếu có nhiều gương, thơ văn, câu nói, số liệu nhằm đưa ra như bằng chứng thì cân nhắc chọn chứng minh; nếu chủ yếu thể hiện nhận xét, đánh giá, bàn bạc đúng/ sai thì chọn bình luận; nếu thấy có việc chia đối tượng ra nhiều mặt, nhiều phương diện... hoặc cắt câu chữ của đoạn thơ, câu thơ một cách rất cơ học... thì chọn phân tích;
Nếu chỉ ra cái thiếu lôgic, thiếu hợp lý của luận điểm, luận cứ, luận chứng thì chọn bác bỏ. Học sinh cần quyết đoán lựa chọn dựa vào tỉ trọng chiếm ưu thế. Lưu ý, học sinh thường nhầm lẫn tên gọi giữa nghị luận; bình luận và chính luận.
Về phong cách ngôn ngữ (gồm: sinh hoạt, nghệ thuật, báo chí, chính luận, khoa học, hành chính). Mỗi phong cách ngôn ngữ đều có 3 đặc trưng và phạm vi sử dụng; hệ thống từ ngữ và lối diễn đạt riêng.
Cần lựa chọn và giải thích dựa vào "dấu hiệu nhận biết" và đặc trưng. Học sinh thường có thói quen nhìn chú thích bên dưới văn bản mà chọn bừa sẽ bị đánh lừa (ví dụ trích thông tin trên báo Tuổi Trẻ nhưng vẫn có thể chọn phong cách ngôn ngữ chính luận).
Về một số dạng câu hỏi đọc - hiểu khác: Xác định biện pháp tu từ và tác dụng của nó. Mỗi loại biện pháp tu từ đều có tác dụng của nó và được chia làm 3 loại nhỏ: biện pháp tu từ từ vựng; biện pháp tu từ cú pháp; biện pháp tu từ ngữ âm.
Lưu ý trình tự làm bài: gọi tên - trích - nêu tác dụng cụ thể. Học sinh thường nêu chung chung là "nhấn mạnh", "gợi hình, gợi tả"... sẽ thiếu điểm phần nội dung (về điều gì?).
Vấn đề: Theo tác giả, theo văn bản... hay Theo em... Với câu hỏi: Theo tác giả, theo văn bản...?, các em cần bám sát đến như nguyên văn từng câu chữ trên văn bản (có khi chép lại nguyên văn), dĩ nhiên có trường hợp chúng ta phải "gom ý" của tác giả. Với câu hỏi: Theo em...?, các em có thể dựa vào sự hiểu biết của mình để đánh giá, nhìn nhận sự việc theo hướng đồng tình hoặc không đồng tình; hoặc đồng tình một phần và có bổ sung, trao đổi thêm với quan điểm của tác giả.
Về kỹ thuật trả lời câu hỏi: thường phải ngắn gọn, đi thẳng vào "thông điệp"; có câu hỏi nên trả lời bằng một đoạn văn ngắn (thường là câu 4 trong phần đọc - hiểu), không gạch đầu dòng, nên theo dạng đoạn văn diễn dịch là tốt nhất (khoảng 3-5 dòng).
Phần làm văn: viết đoạn văn nghị luận xã hội (200 chữ)
Phần này chiếm 2,0 điểm, cần phân bố thời gian khoảng 15 đến 25 phút làm bài, viết khoảng 15-20 dòng. Cần viết có luận điểm, thường là nhắc lại/ trích câu nói, ý kiến, trích dẫn ở đề hoặc luận điểm mà đề đã yêu cầu. Dạng đoạn văn phù hợp nhất, là diễn dịch hoặc tổng phân hợp.
Cần nhất của đoạn văn là tính vừa phải của luận cứ, đủ để thuyết phục và bài học, nhận thức hành động, giải pháp phải mang tính cá nhân; tránh lối viết "nhạt nhẽo" và theo mô hình, quen theo cách viết của bài văn nghị luận mà theo mô hình: Luận điểm - Nhiều luận cứ - Bài học.
Tránh thói quen gạch đầu dòng, tránh viết thành bài văn (hoặc thành nhiều đoạn văn)... sẽ bị trừ điểm.
Phần làm văn (5,0 điểm)
Trọng tâm là dạng đề Bình luận ngắn, về kỹ năng và kiến thức cần đảm bảo đầy đủ theo mô hình sau:
Mở bài: Vài nét về tác giả, tác phẩm, Luận đề/ Nội dung chính; Trích nhận định.
Thân bài: Bàn luận về vấn đề (luận đề); Đánh giá lại
b.1) Giải thích sơ lược nhận định
b.2) Phân tích, chứng minh
b.3) Đánh giá, chốt nhận định là chính xác, không chính xác...; bổ sung thêm (nếu có).
Kết bài: Đánh giá chung: nhận thức, hành động, mở rộng.
Một số lưu ý
Về mở bài, nên theo trình tự: Dẫn dắt - Giới thiệu tác giả - Phong cách - Tác phẩm - Luận đề/ Chủ đề/ Sơ lược nội dung - Trích dẫn nhận định (nếu có) - Chuyển ý. Mở bài nên viết thành 1 đoạn sẽ dễ chịu hơn.
Về thân bài, phải viết thành nhiều đoạn, có luận điểm (luận điểm nên biến thành câu chủ đề hoặc câu chốt của đoạn và thường nằm ở đầu đoạn). Phải có liên kết giữa các đoạn (tránh rời rạc hay chuyển ý vụng về, gượng ép).
Về kết bài, đề yêu cầu về luận đề nào ta chốt lại theo luận đề đó ("phân tích cái gì, chốt cái đó"), rồi cảm nghĩ hay vấn đề cần mở rộng... Tránh kết bài chiếu lệ, sẽ mắc lỗi "đầu voi đuôi chuột", thiếu dư vị đậm đà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận