Tuy nhiên, một loạt động thái thiếu nhất quán và lúng túng trong điều hành chính sách, không phải riêng một ngành mà diễn ra trên nhiều lĩnh vực khác nhau thời gian qua cho thấy thách thức về năng lực dự báo, năng lực hoạch định và thực thi chính sách của các bộ ngành tiếp tục là vấn đề đáng quan tâm.
Gần đây nhất, vấn đề người lao động gia tăng rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục "nóng" lên và theo đó Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất phương án mới, trong đó có giải pháp chỉ cho phép rút 50% số tiền người lao động được lĩnh một lần.
Dù đây mới chỉ là đề xuất, và đề xuất đó là một phương án bên cạnh phương án duy trì chính sách như cũ, nhưng tâm lý bất an ngay lập tức dấy lên trong một bộ phận không nhỏ người lao động, đặc biệt là lực lượng công nhân vốn đang đối mặt với nhiều khó khăn từ suy giảm kinh tế gần đây.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ diễn ra riêng lẻ và giới hạn trong lĩnh vực lao động - xã hội. Trước đó, thị trường xăng dầu bán lẻ, lĩnh vực do Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chính điều tiết và quản lý, lâm vào cảnh rối loạn.
Nhìn sang thị trường tài chính, khó có thể nói Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành trách nhiệm trong việc giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực vận tải, những sai phạm dẫn đến việc các trung tâm đăng kiểm bị điều tra, khởi tố và ngừng trệ hoạt động của hệ thống đăng kiểm trên toàn quốc cũng đặt ra câu hỏi về năng lực Bộ Giao thông vận tải trong việc tổ chức, điều tiết, giám sát thị trường này.
Nếu cần liệt kê, những rối loạn mà nguyên nhân khởi nguồn từ chính sách, từ quy định thiếu hợp lý, từ khả năng giám sát trong giai đoạn thực thi còn rất nhiều.
Hệ quả của điều hành chính sách hạn chế đã bộc lộ rất rõ, khi người dân và doanh nghiệp phải gánh chịu những thiệt hại trực tiếp: từ thiếu thuốc chữa bệnh, từ ngừng trệ kinh doanh do thiếu xăng dầu, do xe hết hạn đăng kiểm, từ mất thời gian và đình trệ hoạt động bởi tréo ngoe, bất nhất của thủ tục hành chính và giấy tờ…
Và dài hạn hơn, nghiêm trọng hơn là niềm tin của người dân, của doanh nghiệp không phải chỉ trong nước mà còn là quốc tế vào năng lực quản trị, năng lực điều hành của các cơ quan nhà nước. Tính có thể dự báo được của chính sách là cơ sở tạo niềm tin để nhà đầu tư yên tâm "bỏ vốn" - ký thác tài sản và công sức của họ vào một quốc gia.
Những tiềm năng của quốc gia, lời hứa và uy tín của các lãnh đạo Chính phủ khi mời gọi cao nhất hoàn toàn có thể bị xói mòn bởi cách thực thi "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", "nói một đằng, làm một nẻo" của bộ máy công quyền.
Năng lực - bao gồm yếu tố tầm nhìn, khả năng dự báo, tính hợp lý trong thiết kế chính sách và quy định pháp luật, khả năng thực thi của các bộ ngành trong lĩnh vực chính sách - không phải là câu chuyện dễ dàng và có thể cải thiện ngay trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, về ngắn hạn, vẫn có những giải pháp có thể làm ngay.
Thứ nhất, muốn dự báo tốt, điều hành tốt cần có số liệu, có thông tin đáng tin cậy, và đương nhiên, biết khai thác, biết "đọc" dữ liệu làm căn cứ cho việc ra quyết định cũng như đánh giá nhanh để điều chỉnh. Công nghệ số - với trọng tâm là dữ liệu số - mở ra cánh cửa bằng vàng lúc này để có dữ liệu chất lượng cho người làm chính sách.
Thứ hai, cần coi trọng hơn và làm tốt khâu truyền thông chính sách, đặc biệt là sử dụng ưu thế của mạng xã hội trong tiến trình này.
Bên cạnh báo chí, truyền thông xã hội là công cụ tốt, kể cả khi các cơ quan công quyền cần lấy ý kiến của người dân và doanh nghiệp lẫn khi cần kịp thời đưa thông tin chính sách để trấn an, để đảm bảo niềm tin cho người dân.
Niềm tin dù là vô hình nhưng là tài sản quan trọng nhất mà chính quyền có từ người dân. Và làm chính sách, điều hành chính sách để dân tin, dân theo trong bối cảnh nhiều biến động như hiện nay càng là yếu tố phải đặt lên hàng đầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận