Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ ung thư dạ dày - Ảnh: Quang Định
TS.BS Đỗ Minh Hùng - trưởng khoa ngoại tổng quát Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) giải đáp thắc mắc của bạn đọc về những vấn đề liên quan đến bệnh ung thư dạ dày.
* Thưa bác sĩ, tôi bị các triệu chứng như ợ chua đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, đau tức… đã từ lâu. Và gần nhất cách đây 2 tháng tôi bị xuất huyết thực quản. Những biểu hiện đó theo tìm hiểu của tôi biểu hiện của ung thư dạ dày nhưng trong quá trình điều trị bác sĩ chỉ nói do tôi uống rượu, không phải ung thư. Tôi phải làm gì để kiểm tra chính xác mình bị gì, có phải ung thư dạ dày không? Và nếu có thì liệu khả năng điều trị có hết không? Tốn kém như thế nào? (Phạm Ngọc Long, Ngoclong55@...)
- Các triệu chứng như bạn nêu trên có thể là biểu hiện của ung thư dạ dày hoặc một bất thường tiêu hóa khác. Bạn cần tới bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và thực hiện nội soi cùng một số xét nghiệm khác để tìm ra nguyên nhân của những triệu chứng này.
Điều trị ung thư dạ dày thì tùy thuộc mỗi giai đoạn khác nhau sẽ có những mục tiêu và kỳ vọng riêng cần hướng tới, và chi phí sẽ phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn phát hiện. Nếu phát hiện sớm, việc điều trị và chi phí cũng như chất lượng cuộc sống sẽ khả quan hơn ở giai đoạn muộn.
* Khi bị phát hiện ung thư dạ dày, tôi có thể kéo dài cuộc sống được bao lâu? Trước đó, tôi vẫn thường xuyên khám sức khỏe định kỳ nhưng chưa một lần bác sĩ nhìn thấy nguy cơ nào mắc bệnh của tôi? Tại sao vậy? Vậy các biểu hiện sớm của bệnh là gì để khi phát hiện ra tôi đã giai đoạn 2? (Trường Trung, ng.truongtrung62@...)
Theo tìm hiểu, những biểu hiện của bệnh ung thư dạ dày và viêm dạ dày gần như giống nhau. Bác sĩ có thể tư vấn giúp có những triệu chứng đặc hiệu hơn, dễ nhận biết hơn là những triệu chứng chung… làm sao để người dân dễ dàng nhận biết sớm nhất và được điều trị kịp thời nhất. Cám ơn bác sĩ. (Trần Thụy Phương Nga, phuongngatran@...)
- Tiên lượng sống còn của ung thư dạ dày tùy thuộc vào: giai đoạn bệnh, cách thức điều trị, loại ung thư và khả năng đáp ứng điều trị của từng bệnh nhân
Hiện nay, các tại bệnh viện hầu hết các gói khám sức khỏe định kỳ đều không có nội soi dạ dày tầm soát, vì xét nghiệm này không phải thực hiện định kỳ hàng năm mà theo chỉ định của bác sĩ. Ở những đối tượng có nguy cơ thì nội soi dạ dày tầm soát các tổn thương tiền ung thư để có kế hoạch theo dõi và điều trị là cần thiết.
Ung thư dạ dày giai đoạn đầu hiếm khi gây ra các triệu chứng. Đây là một trong những lý do ung thư dạ dày rất khó phát hiện sớm.
Các triệu chứng của ung thư dạ dày có thể bao gồm: ăn kém, sụt cân, đau bụng, khó chịu mơ hồ ở bụng, thường ở phía trên rốn, cảm giác no bụng sau khi ăn một bữa nhỏ, chứng ợ nóng hoặc khó tiêu, buồn nôn, nôn có hoặc không có máu, đầy bụng, có máu trong phân, thiếu máu.
Hầu hết các triệu chứng này có nhiều khả năng gây ra bởi những bệnh lý khác ngoài ung thư, chẳng hạn như viêm dạ dày hoặc loét…. Chúng cũng có thể xảy ra với các loại ung thư khác. Những người có bất kỳ vấn đề nào trong những triệu chứng này, nên tới gặp bác sĩ kiểm tra.
* Nguyên nhân chính của ung thư dạ dày và đại tràng là gì. Tôi năm nay 25 tuổi, bị viêm dạ dày và viêm đại tràng đã 5 năm dù không hút thuốc, rất ít uống bia rượu. Bệnh chỉ tái phát đau khi căng thẳng thời gian dài hoặc thay đổi chế độ ăn. Vậy cho tôi hỏi tôi có nguy cơ bị ung thu không. Có cách nào trị dứt điểm không. (Pham Tuyen, tuyenphamhphq@...)
- Nguyên nhân chính xác gây ra ung thư vẫn không được biết rõ. Tuy nhiên có một số yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư.
Các yếu tố nguy cơ ung thư dạ dày: Giới tính: nam; vị trí địa lý: thường gặp ở khu vực châu Á; nhiễm Helicobacter pylori; chế độ ăn một lượng lớn các loại thực phẩm hun khói, cá và thịt muối, rau muối; hút thuốc lá và uống rượu; thừa cân hoặc béo phì; tiền sử phẫu thuật dạ dày; một số bệnh di truyền; một số loại polyp dạ dày; nhiễm virus Epstein-Barr.
Các yếu tố nguy cơ ung thư đại tràng: Bệnh viêm đường ruột (IBD bao gồm viêm loét đại trực tràng và bệnh Crohn); polyp đại tràng; tuổi trên 50; tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đại trực tràng; tiền sử ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng.
Tuy nhiên, có những yếu tố nguy cơ khác mà bạn có thể kiểm soát. Các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh: ăn chế độ ăn nhiều thịt đỏ hoặc chế biến, hoặc ăn thịt nấu chín ở nhiệt độ cao; thừa cân hoặc béo phì; tập thể dục không đầy đủ; hút thuốc lá; uống rượu.
Trường hợp của bạn là một bất thường của đường tiêu hóa, bạn cần tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán cụ thể, theo dõi và điều trị thích hợp. Tùy thuộc vào nguyên nhân để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho mình.
Thừa cân, béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ ung thư dạ dày - Ảnh: Quang Định
* Tôi vừa nội soi dạ dày về và bác sĩ kết luận tôi bị nhiễm HP. Theo tôi tìm hiểu, vi khuẩn HV hoạt động mãn tính trong dạ dày và là một trong những nguy cơ cao gây ra ung thư dạ dày. Tôi phải làm gì để không mắc ung thư dạ dày khi đã bị HP như hiện nay? (Nguyễn Xuân Hương, ngxuanhuong62@...)
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) dường như là nguyên nhân chính gây ung thư dạ dày, đặc biệt là ung thư ở phần dưới của dạ dày. Nhiễm trùng kéo dài của dạ dày với mầm bệnh này có thể dẫn đến viêm (được gọi là viêm teo dạ dày mạn tính) và thay đổi tiền ung thư của lớp niêm mạc dạ dày.
Những người bị ung thư dạ dày có tỉ lệ nhiễm H. pylori cao hơn những người không bị ung thư này. Nhiễm H. pylori cũng liên quan đến một số loại ung thư hạch dạ dày.
Mặc dù vậy, hầu hết những người mang mầm bệnh này trong dạ dày không bao giờ bị ung thư.
Cần điều trị tình trạng viêm dạ dày cũng như điều trị tiệt căn HP. Theo dõi thật sát bệnh với một bác sĩ chuyên khoa, nhất là BS chuyên khoa có thể theo dõi thật tốt về nội soi tiêu hóa để có thể phát hiện những thay đổi sớm cũng như có phương pháp điều trị sớm nhất có thể.
* Ung thư dạ dày của tôi đến giai đoạn cuối. Dù là một tia hi vọng cuối cùng, tôi vẫn mong nó còn có cơ hội được hỗ trợ chữa trị, nhưng liệu có được không thưa bác sĩ? Ung thư dạ dày giai đoạn cuối có lây không? Và nếu phẫu thuật ung thư dạ dày sống được bao lâu? (Mai Khê, maikhe50@...)
- Ung thư dạ dày ở bất cứ giai đoạn nào cũng cần điều trị. Tùy thuộc vào từng giai đoạn sẽ có những phác đồ điều trị khác nhau, ở mỗi giai đoạn mục tiêu để đạt được hiệu quả điều trị hướng tới sẽ khác nhau, vì vậy bạn cần tới cơ sở y tế để được tham vấn để khởi đầu quá trình trị liệu.
Ung thư không phải là bệnh lý nhiễm trùng vì vậy không lây nhiễm, tuy nhiên ung thư dạ dày ở một số dạng thức có liên quan tới di truyền nếu gia đình bạn mắc một số bệnh lý di truyền như hội chứng Lynn, hội chứng đa polyp gia đình… thì bạn thuộc nhóm nguy cơ cao ung thư dạ dày, bạn cần tham vấn với bác sĩ chuyên khoa để có kế hoạch tầm soát và điều trị sớm.
Ung thư là điều trị đa mô thức, là sự kết hợp của nhiều chuyên khoa như phẫu thuật, hóa - xạ trị, tâm lý học, vật lý trị liệu, giảm đau… Phẫu thuật chỉ là một phần trong quá trình này, tùy thuộc giai đoạn bệnh, loại ung thư, khả năng đáp ứng hóa - xạ trị, hợp tác điều trị….. mà tiên lượng sống sẽ khác nhau.
* Khi người nhà tôi có kết luận bệnh án là ung thư dạ dày giai đoạn đầu, thay vì tiếp tục điều trị theo phác đồ của bác sĩ tây y thì lại đi tìm hiểm những bài thuốc dân gian như lá đu đủ, mãng cầu xiêm… Đến nay đã hơn 2 tháng sau khi có kết luận bệnh án, người nhà tôi càng mau xuống sức, ngày càng xanh xao... Xin bác sĩ tư vấn giúp để người nhà tôi hiểu tầm quan trọng của điều trị theo phác đồ sớm và những tác dụng không mong muốn của những bài thuốc dân gian? Cám ơn bác sĩ. (Lê Ngọc Lành, ngolanh.bd@...)
- Hiện nay, chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định hiệu quả trong việc cải thiện sống còn của ung thư dạ dày đối với điều trị bằng phương pháp dân gian, còn đối với Tây y thì các nghiên cứu và báo cáo rất rõ ràng liên quan tới từng giai đoạn bệnh và loại ung thư.
Ung thư dạ dày sớm có thể chỉ cần cắt sang thương tại chỗ qua nội soi ống mềm với tỉ lệ sống 5 năm trên 90%. Bạn cần khuyên người thân sớm quay lại cơ sở y tế chuyên biệt để được tham gia sớm vào quá trình điều trị ung thư, tránh làm mất cơ hội can thiệp trong giai đoạn sớm.
* Được biết, vi khuẩn HP là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra ung thư dạ dày và lây truyền qua đường ăn uống. Vậy khi bị ung thư dạ dày, người bệnh có lây bệnh cho người nhà không ạ. Bác sĩ tư vấn giúp, cám ơn. (Thức Viên, thucvien.87@...)
- Ung thư không phải là bệnh lý nhiễm trùng vì vậy không lây nhiễm. Tuy nhiên, vi khuẩn HP thì dễ lây lan, 3 con đường lây lan chính của vi khuẩn HP đó là:
Lây nhiễm qua đường miệng: Vi khuẩn HP tồn tại trong niêm mạc dạ dày người bệnh, tuy nhiên, chúng còn được tìm thấy trong nước bọt, mảng bám ở răng. Thói quen của người Việt Nam khi ăn uống là ăn chung mâm, dùng đũa gắp thức ăn từ bát chung, có 1 bát nước chấm chung... vì vậy nguy cơ lây nhiễm khuẩn HP rất cao.
Lây nhiễm qua đường dạ dày - dạ dày: Quá trình lây nhiễm này diễn ra khi thực hiện thao tác nội soi tại các cơ sở y tế. Nếu dụng cụ nội soi không được vệ sinh sạch, vi khuẩn HP có thể lây nhiễm từ người có bệnh sang người lành.
Lây nhiễm qua đường phân - miệng: Khuẩn HP tồn tại trong phân của người bệnh nên có thể lây nhiễm khi đi vệ sinh không rửa tay sạch, hoặc lây nhiễm qua các trung gian khác như côn trùng nếu chúng tiếp xúc với nguồn bệnh sau đó lại bám vào thức ăn.
* Người thân tôi đang điều trị ung thư dạ dày bằng xạ trị. Các tác dụng phụ khiến người nhà tôi không muốn tiếp tục phác đồ điều trị. Tôi thấy trên thị trường có một số sản phẩm có công dụng giảm đau nhức, đảm bảo chỉ số máu, bổ sung dinh dưỡng, tăng miễn dịch… Xin bác sĩ cho lời khuyên. Cám ơn! (Thanh Nhàn, thanhnhan1288@...)
- Các sản phẩm quảng cáo trên thị trường đa phần là thực phẩm chức năng, ít có ý nghĩa trong quá trình trị bệnh, mà chủ yếu mang tính thương mại. Bạn nên tham vấn bác sĩ điều trị để được tư vấn dinh dưỡng và nâng đỡ tổng trạng là tốt nhất.
* Bệnh viện vui lòng chia sẻ gói tầm soát ung thư dạ dày gồm những kỹ thuật và xét nghiệm nào, người bệnh cần lưu ý gì trước khi làm tầm soát? Giá cho một gói tầm soát là bao nhiêu? Ngoài kỹ thuật nội soi ống mềm thì có kỹ thuật nào khác tối ưu nữa không, tôi rất sợ cảm giác nội soi. Và bao nhiêu lâu thì nên làm tầm soát một lần? Xin cám ơn. (Xuân Tuyền, n.x.tuyen@...)
- Hiện nay, bên cạnh những phương tiện chẩn đoán hình ảnh như CT scan đa lát cắt, MRI ngày càng cải tiến, tuy nhiên vẫn không thể thay thế được nội soi dạ dày bằng ống soi mềm trong việc tầm soát ung thư dạ dày. Nội soi dạ dày được xem như "tiêu chuẩn vàng" trong tầm soát và xử lý các biến đổi tiền ung thư và ung thư.
Một phương pháp khác có thể sử dụng là chụp dạ dày đối quang kép, tuy nhiên giá trị chẩn đoán chính xác không cao như nội soi. Nếu bạn e ngại cảm giác nội soi thì có thể lựa chọn gói nội soi có gây mê hỗ trợ, bạn sẽ không có cảm giác nội soi trong suốt quá trình làm.
Việc tầm soát những lần tiếp theo phụ thuộc vào kết quả lần đầu có tìm thấy sang thương hay không và tính chất loại sang thương đó. Vấn đề chi phí nội soi, bạn có thể liên hệ với phòng chăm sóc khách hàng để tư vấn giải đáp và lựa chọn.
* Làm thế nào để ngăn ngừa được ung thư dạ dày, bác sĩ tư vấn giúp? (Thục Anh, thuc.anh.1209@...)
- Không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa ung thư dạ dày, nhưng có những điều bạn có thể làm để có thể làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày bằng cách: Chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý, duy trì trọng lượng cơ thể và hoạt động thể chất; tránh sử dụng thuốc lá; điều trị nhiễm khuẩn H. pylori ở một số đối tượng bệnh.
Đối với những người có nguy cơ cao: là những người nằm trong nhóm hội chứng có tính chất di truyền như hội chứng Lynn… cần có kế hoạch theo dõi và điều trị ngay từ khi còn trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
* Tôi ngày càng yếu về thể chất, cảm giác mệt mỏi, kèm theo các triệu chứng của bệnh viêm dạ dày, mới đây tôi bị xuất huyết dạ dày, và bác sĩ của một bệnh viện công nói tôi có nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Nhưng theo tôi biết, trong quá trình nội soi bác sĩ có lấy mẫu sinh thiết nếu thấy nghi ngờ. Vậy tại sao không làm sinh thiết tiếp tục mà bảo tôi tiếp tục theo dõi? Tôi rất hoang mang, mong được giải đáp giúp. Xin cám ơn. (Bạch lan, Lala.lan@...)
- Trên nguyên tắc, khi nội soi phát hiện thấy sang thương bất thường thì luôn thực hiện sinh thiết, trừ một số tình huống đặc biệt: ở vị trí mà dụng cụ hiện có tại cơ sở thực hiện không thể làm được; bệnh nhân có bệnh lý rối loạn đông máu có nguy cơ chảy máu rỉ rả kéo dài.
Tuy nhiên, nếu bạn lo lắng có thể hỏi trực tiếp bác sĩ điều trị của mình lý do tại sao không tiến hành sinh thiết hoặc tìm tới bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn và thăm khám.
* Em Nguyễn Trung Tuấn, 33 tuổi, quê Quảng Ngãi, Công việc nhân viên văn phòng. Bác sĩ tư vấn giúp em tình trạng như sau: Thường 01 năm em đi khám sức khỏe tổng quát 01-02 lần, qua các kết quả chụp phim, siêu âm, xét nghiệm nội soi.. thì bác sĩ kết luận bệnh viêm dạ dày (trước đó em bị viêm hang vị + HP, tuy nhiên em đã điều trị hết HP). Đợt gần nhất em khám tổng quát là tháng 12-2018, tình hình sức khỏe vẫn bình thường, tuy nhiên độ nửa tháng trở lại đây trong ruột em có cảm giác ăn rồi đau bụng, hơi ê ê, cảm giác như sôi sôi, đi đại tiện thì phân bình thường, không nôn. Khi ngủ thức dậy thì cơ thể mệt mỏi, có khi nhức toàn thân. Bác sĩ tư vấn giúp tình trạng bệnh lý của em. (Nguyễn Trung Tuấn, trungquanqng@..., 0905725xxx)
- Trường hợp của bạn nên tìm tới bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được thăm khám và làm rõ hơn một số triệu chứng và hướng đi thích hợp để tìm ra và giải quyết nguyên nhân gây ra tình trạng trên.
* Chào bác sĩ. Tôi tên là Nguyễn Văn Nết, Tôi có đi khám ở Bệnh viện quân y 175 ở TP.HCM, tôi đã nội soi 2 lần ở đây và bác sĩ kết luận là viêm đại tràng/ trĩ. Tôi khám từ năm 2018. Sau đó, tôi thấy bệnh không giảm nên tiếp tục đi khám ở Bệnh viện Đại học y dược TP.HCM (khám năm 2018-2019). Bác sĩ khám cho thuốc uống và kết luận là hội chứng ruột kích thích, tôi khám ở đây 5 lần rồi nhưng bệnh vẫn không giảm. Triệu chứng của tôi hiện tại (01-04-2019) đau bụng mỗi sáng thức giấc còn nằm trên giường, sau đó đi cầu là giảm đau, ăn sáng thì bị đau bụng,...đi cầu phân sống, đau hậu môn, phân cứng thì hậu môn bị chảy máu,... Tôi rất mong được tư vấn của bác sĩ về bệnh của tôi hiện nay. Tôi rất cảm ơn. (Nguyễn Văn Nết, netnguyen35c4@..., 01652049xxx)
- Mỗi người trong đời đều trải qua một số lần rối loạn tiêu hóa ở các mức độ khó khác nhau. Tuy nhiên, đối với những người bị hội chứng ruột kích thích (IBS), các triệu chứng xuất hiện thường xuyên, ít nhất mỗi tháng một lần mà không rõ nguyên nhân.
Mặc dù IBS không đe dọa tính mạng, nó chắc chắn làm giảm chất lượng sống của một người, làm gián đoạn công việc và đời sống xã hội. Các triệu chứng của IBS có thể khác nhau ở các bệnh nhân. Hầu hết các bệnh nhân bị co cứng, đầy hơi, và khó chịu ở bụng.
Trong khi đó, một số bệnh nhân IBS sẽ bị táo bón, những người khác tiêu chảy, hoặc thậm chí lúc tiêu chảy lúc táo bón. Các bác sĩ chia IBS thành 4 nhóm tùy theo tình trạng phân. Hiểu biết về phân loại IBS có thể giúp bác sĩ định rõ những tác nhân và điều trị thích hợp. Trường hợp của bác nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa để tư vấn và điều trị thích hợp.
* Em là nam, 28 tuổi. Do tính chất công việc nên phải sử dụng rượu bia nhiều. Em bắt đầu uống rượu bia từ 5 năm trước. Lượng bia uống tương đối nhiều mỗi lần, tần suất đều đặn mỗi tuần 2 đến 3 ngày. Khoảng 1 năm nay, cứ mỗi khi uống bia dù ít hay nhiều em đều bị đau vùng dưới bụng. Đi tiêu ra ngoài, phân không còn bình thường như trước mà dạng như bị tiêu chảy nhưng không phải dạng lỏng hoàn toàn. Hậu môn có cảm giác như bị sưng, phần thịt nhô ra ngoài to (chưa biết có phải bị trĩ hay không). Mong bác sĩ có thể tư vấn cho em biết trường hợp của em có khả năng bị ung thư đường tiêu hoá hay không? Và em nên làm các xét nghiệm gì để tầm soát cũng như phát hiện và ngăn ngừa sớm các bệnh lý nói trên. Em vẫn chưa đi khám ở đâu cả. (Lâm Quốc Anh lamquocanh111@...)
- Các triệu chứng của bạn hướng tới một rối loạn bất thường về đường tiêu hóa, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để tư vấn và làm các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây ra các triệu chứng của bạn đồng thời xem xét để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp nhất. Việc nội soi hay thực hiện các xét nghiệm khác tùy thuộc vào tình trạng thăm khám bệnh để bác sĩ đưa ra cận lâm sàng phù hợp để tìm kiếm và điều trị bệnh lý của bạn.
Báo Tuổi Trẻ phối hợp Bệnh viện Quốc Tế Mỹ (AIH) tổ chức chương trình tư vấn điều trị ung thư đường tiêu hóa từ ngày 2-4 đến 15-5.
Bạn đọc có thắc mắc về ung thư đường tiêu hóa (miệng, thực quản, dạ dày, ruột, hậu môn...) hay cách ăn uống cho bệnh nhân bị ung thư đường tiêu hóa, có thể gửi câu hỏi về email suckhoe@tuoitre.com.vn hoặc điền câu hỏi ở đây.
500 bạn đọc gửi câu hỏi sớm nhất sẽ được tặng thẻ ưu đãi gồm 1 lần khám bệnh miễn phí, trị giá 690.000 đồng và giảm 5% phí dịch vụ lẻ tiếp theo tại Bệnh viện Quốc Tế Mỹ AIH (Q.2, TP.HCM).
Bạn đọc gửi câu hỏi vui lòng để lại thông tin họ tên, email, điện thoại liên lạc hoặc địa chỉ để nhận được quà từ chương trình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận