21/08/2021 10:17 GMT+7

Ở nhà mùa dịch với trường hè trực tuyến

BÌNH MINH
BÌNH MINH

TTO - "Trường hè không biên giới" là chương trình miễn phí do Tổ chức Teach For Viet Nam thực hiện từ cuối tháng 6 cho 300 học sinh.

Ở nhà mùa dịch với trường hè trực tuyến - Ảnh 1.

Lớp học tiếng Anh trực tuyến giữa cô giáo Nguyễn Anh Phương và các học sinh - Ảnh chụp màn hình

Chỉ sau 18 tiếng mở đơn, 300 suất học dành cho các lớp tiếng Anh, lớp STEM và lớp giáo dục kỹ năng cho trẻ đã được các phụ huynh nhanh tay đăng ký.

Đúng như tên gọi, lớp học tận dụng thế mạnh của việc học trực tuyến để học sinh cả nước có thể tham gia. Trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh, phụ huynh cũng yên tâm hơn khi con họ có môi trường vừa học tập, vừa giải trí.

Mỗi tuần, các giáo viên đều chiêm nghiệm lại bản thân, đặt mục tiêu để buổi dạy sau tốt hơn buổi dạy trước một điểm. Sự thay đổi đầu tiên phải xuất phát từ thay đổi ở bản thân mình.

Nguyễn Anh Phương

Chú trọng phát huy năng lực trẻ

Ở các lớp học tại trường hè, giáo viên đóng vai trò là "chất xúc tác" để hướng dẫn, động viên giúp trẻ phát huy khả năng và thế mạnh.

Đối với lớp tiếng Anh, đối tượng chính là trẻ tiểu học và THCS. Lớp tập trung dạy trẻ kỹ năng giao tiếp, chủ yếu thông qua kỹ năng nghe, nói và tích hợp với các năng lực chung khác như thuyết trình, sáng tạo, làm nhóm.

Lớp STEM dành cho học sinh THCS nhằm mang lại sân chơi về khoa học và kỹ thuật, hướng học sinh đến các hoạt động giáo dục STEM gần gũi trong đời sống, đồng thời phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, lập kế hoạch.

Ngoài lớp dành cho các học sinh mới, Teach For Viet Nam cũng tổ chức lớp riêng dành cho các học sinh tại hai huyện Núi Thành và Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam). Đây là các học sinh từng tham gia lớp học của dự án vào năm trước.

Ở lớp giáo dục kỹ năng dành cho khối THPT, các bạn trẻ chủ yếu được trải nghiệm thông qua hoạt động làm việc nhóm, thực hành phỏng vấn, phân tích nhu cầu của bạn bè cùng trang lứa trong học tập và cuộc sống. Học sinh cũng được hướng dẫn cách tự khám phá sở thích, tìm hiểu các kênh thông tin và trò chuyện với người đã đi làm để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp sau này.

Cả ba lớp học đều được thiết kế để phát huy kỹ năng của trẻ dựa theo khung năng lực do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố, trong đó chú trọng tư duy phản biện, sáng tạo và hợp tác.

Đặt tâm huyết vào giảng dạy

Dù là trường hè, một hoạt động bổ trợ cho học sinh, nhưng các giáo viên trẻ của Teach For Viet Nam đều dùng hết mọi khả năng để mang lại cho trẻ những trải nghiệm tích cực và bổ ích nhất.

Cô giáo Võ Trần Nguyệt Chinh, giáo viên dạy môn STEM cho các học sinh tại tỉnh Quảng Nam, kể lại kỷ niệm gặp trực tiếp các bậc phụ huynh để thuyết phục các em tham gia lớp học trực tuyến.

"Mình không biết nhà nên phải nhờ các phụ huynh và học sinh chỉ nhà nhau. Có một học sinh mình gọi điện thoại tận ba lần nhưng phụ huynh không đồng ý với lý do nhà không có thiết bị", Chinh nói.

Không nản, cô giáo Nguyệt Chinh nói sẽ giúp phụ huynh mượn thiết bị từ Teach For Viet Nam để tạo điều kiện cho trẻ học và cuối cùng nhận được sự đồng ý. Khung thời gian của trẻ trong những ngày hè bắt đầu trở nên "bận rộn" hơn nhưng cũng bổ ích hơn.

Nguyệt Chinh tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP.HCM ngành giáo dục tiểu học năm 2020. Tình cờ thấy Teach For Viet Nam tuyển dụng, Chinh quyết định đăng ký.

"Mình muốn đi xa khỏi vùng an toàn. Quê mình ở Đồng Nai, mình lên TP.HCM. Sau nhiều năm, nói nôm na đây là hai vùng an toàn của mình", Chinh nói.

Biết Teach For Viet Nam đang dạy học sinh ở tỉnh Quảng Nam, trong khi bản thân cô vẫn muốn đi dạy và được gần gũi học sinh, Chinh quyết định bay từ Đồng Nai ra Quảng Nam sống. Mùa mưa lũ, vùng Chinh dạy học gặp nhiều khó khăn. Mỗi lần mưa xuống trường ngập, phòng học bị mưa tạt, lớp học lại phải nghỉ và Chinh lại tham gia dạy bù.

Trong lớp học, Nguyệt Chinh để các học sinh chủ động suy nghĩ, tìm tòi và sáng tạo. Cô cũng mong học sinh có niềm tin rằng cơ hội học tập vẫn luôn ở đó, chỉ cần các em nắm bắt thay vì tin rằng "sống ở vùng này làm sao học được".

"Mình tin mỗi học sinh đều có tiềm năng riêng. Có bạn khi mình yêu cầu thiết kế phương tiện vận chuyển lương thực, bạn nộp cho mình một mô hình kết hợp giữa tàu ngầm và tên lửa, có gắn 2 môtơ, cánh quạt, đèn LED, buồng lái và khoang chứa hàng. Với mình, đó là ý tưởng rất tuyệt vời chỉ từ những gợi ý ban đầu của giáo viên", Chinh chia sẻ.

Trong khi đó, Nguyễn Anh Phương, giáo viên lớp học tiếng Anh, tốt nghiệp khoa ngôn ngữ Anh Trường đại học Hà Nội, quyết định gắn bó với Teach For Viet Nam vì yêu thích tầm nhìn và cách tiếp cận có hệ thống của tổ chức.

Anh Phương nói cô chứng kiến sự thay đổi mỗi ngày của không chỉ các học sinh mà kể cả phụ huynh và cả bản thân mình. Là giáo viên trẻ, Anh Phương tham gia khóa tập huấn của Teach For Viet Nam, đồng thời học thêm kỹ năng giảng dạy từ bạn bè, đồng nghiệp. Cô cũng dành thời gian gặp riêng để lắng nghe tâm tư phụ huynh và học sinh tham gia trường hè.

"Có những bạn ngày đầu không mở micro, không mở camera, mình hỏi cũng không trả lời. Rồi mình gặp riêng trẻ và phụ huynh để trò chuyện, thăm hỏi. Mình luôn tin là khi giáo viên chọn được cách làm việc phù hợp, bạn nhỏ nào cũng sẽ học được sự chủ động", cô nói.

Anh Phương chia sẻ khi trẻ ở độ tuổi tiểu học học online, phụ huynh là người đồng hành tốt nhất. Thay vì chỉ làm việc với mỗi trẻ, Anh Phương cố gắng trao đổi để phụ huynh hiểu bối cảnh và hướng dẫn họ cách hỗ trợ cho con.

"Dần dà mình nhận ra sự thay đổi không chỉ của học sinh mà của cả phụ huynh. Có những bậc cha mẹ buổi họp phụ huynh đầu tiên không tham gia, nhưng rồi thấy được sự nghiêm túc và nỗ lực của giáo viên để giúp con họ phát triển, họ bắt đầu chú tâm hơn đến việc học của con", Anh Phương chia sẻ.

Theo Phương, một trong những khó khăn của lớp học trực tuyến là giáo viên khó bao quát được trẻ. Một khi trẻ tắt camera, người đứng lớp gần như rất khó biết được trạng thái cảm xúc của chúng. Bên cạnh đó, việc tổ chức hoạt động, nhất là hoạt động nhóm, cũng không thuận lợi. Tuy nhiên, cô nói điều mình thấy hạnh phúc nhất là sau khi dành thời gian để trò chuyện cùng học sinh và phụ huynh, giờ đây các bạn nhỏ tham gia lớp đã chủ động hơn, ít làm việc riêng hơn và chú tâm học hơn.

Không gian trò chuyện giữa cô và trò

Để gắn kết hơn với học sinh, Phương mở ra không gian trò chuyện sau lớp học. "Mình thông báo với trẻ rằng mình vẫn ngồi lại sau giờ học. Bạn nào muốn trò chuyện có thể chia sẻ bất cứ điều gì các bạn muốn", Phương kể.

Khi lời đề nghị này được đưa ra, nhiều trẻ bắt đầu ở lại sau giờ học, tiếp tục trực tuyến để trò chuyện với cô. Bọn trẻ kể về chú Hamster, chú mèo, chú chim ở nhà, hát cho cô nghe hay kể về nơi sinh sống của mình.

"Mình nhận ra học sinh có mong muốn kết nối với giáo viên. Sắp tới, ngoài các bạn chủ động ở lại trò chuyện, mình dự định đưa ra lời mời ở lại chia sẻ dành riêng cho các học sinh còn chưa tham gia nhiều vào hoạt động của lớp", Phương tiết lộ.

Dạy học trực tuyến cho cấp tiểu học: Giảm áp lực, tăng vai trò phụ huynh Dạy học trực tuyến cho cấp tiểu học: Giảm áp lực, tăng vai trò phụ huynh

TTO - Nhiều chuyên gia, thầy cô nhận định như vậy khi nói về việc thực hiện chủ trương ghi hình các tiết dạy phục vụ dạy học qua Internet ở cấp tiểu học cho 10 tuần đầu năm học 2021 - 2022 của Sở GD-ĐT TP.HCM.

BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên