28/12/2019 15:21 GMT+7

Thiếu hụt phi công cản trở tham vọng tàu sân bay của Trung Quốc

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Sau tàu Liêu Ninh và Sơn Đông, Trung Quốc có tham vọng sở hữu một đội tàu sân bay lớn hơn luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, 'nút thắt cổ chai' trong đào tạo phi công gây khó khăn cho kế hoạch của nước này.

Thiếu hụt phi công cản trở tham vọng tàu sân bay của Trung Quốc - Ảnh 1.

Một phi công tham gia huấn luyện cùng tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình SCMP

Báo South China Morning Post (SCMP) ngày 27-12 dẫn nhận định của các nhà phân tích quân sự cho rằng tình trạng thiếu phi công hải quân đang cản trở tham vọng của Trung Quốc nhằm phát triển một đội tàu sân bay sở hữu năng lực sẵn sàng chiến đấu thật sự.

Giữa tháng này, Trung Quốc đã chính thức đưa vào biên chế tàu Sơn Đông - tàu sân bay thứ hai (sau tàu Liêu Ninh) và cũng là tàu sân bay tự đóng đầu tiên của nước này. Việc chính thức đưa vào hoạt động đòi hỏi có ít nhất 70 phi công cùng nhiều sĩ quan hỗ trợ hoạt động của các máy bay trên tàu sân bay này.

Trước đó, khi thúc đẩy kế hoạch hiện đại hóa quân đội đầy tham vọng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói rằng "nhu cầu xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết".

Tuy nhiên, kế hoạch mở rộng nhằm sở hữu 5 hay 6 tàu sân bay của Trung Quốc - bên cạnh các công nghệ tiên tiến hơn được dùng trên các tàu này - cũng đồng nghĩa nhiệm vụ đào tạo thêm nhiều phi công sẽ trở nên cấp bách hơn trong tương lai. 

Ông Collin Koh - nghiên cứu viên Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore - nhận định hiện có "nút thắt cổ chai" trong công tác tuyển dụng và đào tạo các phi công hải quân của Trung Quốc, gây cản trở tham vọng của Bắc Kinh.

“Hàng không hải quân trên tàu sân bay vẫn là lĩnh vực khá xa lạ đối với quân đội Trung Quốc, đặc biệt khi có sự thôi thúc tăng quy mô tuyển dụng và nhịp độ đào tạo để hoàn thành các chỉ thị về xây dựng một chương trình tàu sân bay khả thi” - ông Collin Koh giải thích.

Chương trình đào tạo phi công quân sự của Trung Quốc vẫn đang phát triển, đặc biệt khi nói đến hàng không hải quân mới chỉ được thành lập vào tháng 5-2013.

Chẳng hạn, tàu sân bay Liêu Ninh được đưa vào biên chế hồi tháng 9-2012. Tuy nhiên, mãi đến 2 tháng sau, tiêm kích J-15 mới có chuyến hạ cánh thành công đầu tiên trên tàu sân bay này. Và gần 4 năm sau, truyền thông nhà nước Trung Quốc mới tường thuật về một chuyến hạ cánh ban đêm.

Ngoài ra, Trung Quốc dường như mất nhiều thời gian để đào tạo phi công trực thăng. Lần hạ cánh thành công đầu tiên tương tự như trên diễn ra vào tháng 11-2018. Đợt hạ cánh ban đêm đầu tiên mới chỉ diễn ra vào tháng 6 năm nay.

Thiếu hụt phi công cản trở tham vọng tàu sân bay của Trung Quốc - Ảnh 2.

Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình SCMP

Chương trình đào tạo phi công cũng bị ảnh hưởng bởi một loạt tai nạn nghiêm trọng. Ông Koh cho biết những sự cố này thường không được báo cáo để tránh gây hoang mang cho các tân binh. 

Chẳng hạn chỉ vài ngày sau cuộc duyệt binh kỷ niêm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc vào ngày 1-10-2019, có 3 phi công đã thiệt mạng khi một trực thăng vận tải rơi ở tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc. 

Tám ngày sau, một vụ tai nạn khác xảy ra ở cao nguyên Tây Tạng, khi một tiêm kích J-10 rơi xuống một ngọn núi khi đang tham gia huấn luyện bay ở độ cao vừa phải. Tuy nhiên, phi công được cho là đã may mắn sống sót.

Trong khi đó, ông Lý Khiết (Li Jie), một chuyên gia quân sự khác ở Bắc Kinh, cho rằng dù hải quân Trung Quốc đang thiếu phi công, vấn đề này có thể được giải quyết trong vòng 2 - 3 năm tới.

"Tình trạng thiếu máy bay chiến đấu trên tàu sân bay và nhu cầu đào tạo đáng kể để tạo ra một phi công hải quân giỏi là 2 lý do chính khiến Trung Quốc thiếu phi công hải quân hiện nay. Nhưng khi Trung Quốc ngày càng chú trọng đến chuyện đào tạo phi công, vấn đề sẽ dần được giải quyết", ông Lý Khiết nhận định.

Theo SCMP, Đại học Hàng không hải quân Trung Quốc - nơi chịu trách nhiệm đào tạo các phi công hải quân - đang phối hợp với 3 trường đại học hàng đầu của Trung Quốc là Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Hàng để tìm kiếm và tuyển dụng những phi công tương lai.

Trung Quốc đưa tàu sân bay tự đóng đầu tiên vào hoạt động Trung Quốc đưa tàu sân bay tự đóng đầu tiên vào hoạt động

TTO - Tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự đóng có tên Sơn Đông đã được đưa vào biên chế trong một buổi lễ có sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay 17-12.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên