16/09/2011 07:15 GMT+7

Nước mắt phu vàng - Kỳ 2: Vắt sức giữa rừng

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TT - Vừa lóp ngóp bò lên khỏi miệng hầm thì Bình và bác Đức bị chủ cai bảo quay xuống dưới hầm để nổ mìn phá đá cho nhóm làm ca đêm. Cầm trên tay năm thỏi mìn to bằng nắm tay, dài 20cm đi xuống hầm và 10 phút sau họ lao ra, kích điện. Ùm! Ùm! Ùm!... Cả khối núi rung chuyển như một trận động đất. Phía trên quả núi một cột khói trắng xóa bốc lên mùi khét lẹt.

Kỳ 1: Vào hầm

H6y1YnuP.jpgPhóng to
Trong hầm sâu, các phu vàng đầu trần chân đất thay nhau khoan đá, bốc đá... - Ảnh: Hoàng Lộc

Sức phu vàng

So với một số bãi vàng ở Phước Hiệp nổi tiếng thì bãi vàng ở Phước Chánh (Quảng Nam) là địa điểm mới được khai thác. Theo giới phu vàng, sắp tới đây sẽ là “miền đất hứa” cho nhiều chủ cai đưa quân vào khai thác. Tại bãi vàng nơi tôi làm là địa bàn của bốn chủ cai có máu mặt là anh em ông Mười, ông Chín người Thái Nguyên, ông Hà người Quảng Nam và Khánh “béo” người Nghệ An.

Bốn chủ cai phân chia rạch ròi lãnh địa khai thác và hợp tác làm ăn theo kiểu ăn chia phần trăm số vàng thu được. Những khu lán trại phủ bạt được dựng kiên cố phục vụ việc đào đãi vàng nằm len lỏi dưới những tán rừng rậm. Hàng chục cỗ máy nổ hiện đại tập kết hoạt động 24/24 cày nát khu rừng. Dưới những hầm sâu hàng chục mét lúc nào cũng có trên 20 phu vàng làm việc suốt ngày đêm. Và như một quy luật, để vắt sức thì chủ cai có một số “lính ruột” thân cận, thường xuyên giám sát gắt gao tiến độ công việc.

Trong hầm một khối đá cao ngất đã đổ sập, có khối to bằng cái bàn buộc phu vàng chúng tôi phải dùng búa tạ đập thành những hòn đá nhỏ để dễ vận chuyển. “Đừng tưởng làm ca đêm dễ lẩn tránh công việc. Chủ cai bắt làm ác hơn, quản kỹ hơn cả ban ngày. Thằng nào trốn chủ cai bạt tai, đá đít thằng đó” - Đội nhắc nhở. Giờ làm việc ca đêm kéo dài từ 18g30 đến 6g sáng hôm sau là khoảng thời gian mà các phu vàng sợ nhất vì bị “hành xác” khủng khiếp nhất. Tối. Lùa vội miếng cơm vào bụng, uống miếng nước các phu vàng trong bộ dạng ngái ngủ lao vào hầm làm việc.

Trong hầm sâu ban ngày tối om, đêm đến chỉ nhìn thấy những bóng người vật lộn với đá và đá. Đứng khuân đá vào xe, ban đầu tôi thấy Quân làm hùng hục, càng về khuya cứ đừ dần. Lúc ngồi nghỉ tay chớp nhoáng dưới mỏm đá hàm ếch Quân than: “Một tháng mới được đổi ca một lần, làm tối ngủ ngày nên chẳng thằng nào chợp mắt nổi...”. Phía trong Quân, một phu vàng khác tranh thủ lúc chủ cai ra ngoài ngồi gục ngủ, trong tay còn ôm nguyên hòn đá lớn.

“Nó sợ chủ cai vào vớ đá không kịp, ôm đá sẵn chỉ việc đứng dậy là xong” - Quân giải thích. Trong hầm sâu, giữa đêm khuya lạnh bỗng: “Á! Tao bị đá cắt vào chân rồi, đau quá!” - bê đá ở tầng hầm phía trên, Bình kêu ré lên vẻ đau đớn. Ngồi xuýt xoa vết thương thì chủ cai từ đâu xuất hiện chửi sa sả vào mặt: “Ngu cho mày chết, liệu hồn dậy mà làm không chết với tao”.

Càng về sáng, gương mặt của các phu vàng làm ca đêm càng bạc thếch, tiều tụy. Mắt trũng sâu, thâm quầng vì mất ngủ. Ngáp một hơi thật dài, Quân rướn hết sức đẩy chiếc xe chở đá cao ngất cuối cùng ra khỏi đường hầm sâu hút. Dáng gầy liêu xiêu. Trong những đêm ở lại bãi vàng tôi không sao chợp mắt nổi bởi hình ảnh những phu vàng đang chui rúc tận dưới hầm sâu, bởi tiếng chát chúa từ cỗ máy nổ vô tri cứ oang oang xé toạc màn đêm. Tôi nghe bước chân của đồng nghiệp chạy hồng hộc vào bàn tu nước ừng ực. Nghe tiếng thở dài của bác Đức. Rồi buồn ngủ chưa kịp đặt lưng lên chiếc phản gỗ đã bị chủ cai lôi cổ xuống hầm.

Ông Đức, quê Quảng Trị, nói chua chát: “Thằng Khánh “béo” vắt sức lính khiếp lắm! Hôm mệt quá không còn sức để mần nữa vừa mở miệng xin nó nghỉ một buổi mà nó trợn mắt chửi như tát nước: “Không nghỉ ngơi gì hết. Muốn nghỉ thì ra khỏi bãi nghỉ luôn cho khuất mắt tao”. Tức nhưng nghĩ bụng còn mấy tháng tiền công chưa nhận nên ông cắn răng mà làm”. Bôn ba làm phận phu phen hơn mười năm khắp các bãi vàng từ Đắk Nông tới Quảng Nam, ông Đức bảo đau đớn, tủi nhục nếm đủ cả, nhiều lần tính nghỉ nhưng cuối cùng lại phải lao vào bãi vàng kiếm tiền nuôi con ăn học.

Giống như các phu vàng khác, “bố Đức” cũng ít nói, ít cười mà chỉ biết lầm lũi làm và làm. Một lần ngồi nghe ông trò chuyện mà lòng tôi như quặn thắt: “Còn chút sức già bán nốt kiếm tiền cho con ăn học để đời nó không phải khổ, nhục như ba nó con ạ”. Trong câu chuyện kể về gia đình mỗi khi nhắc tới người con út khuôn mặt ông lại rạng ngời vẻ hãnh diện: “Nó đang học cao đẳng ở Sài Gòn đấy cháu, nó ngoan và học giỏi nhất nhà”.

Miếng ăn

Mâm cơm chiều được dọn ra đúng lúc công việc trong ngày của các phu vàng hoàn tất. Tôi thả phịch chiếc xe vào bãi đá cao ngất, lững thững bước lên lán. Phủi tay qua loa tôi ngồi vào mâm cơm trước mặt. Trên bàn ăn là hai chiếc đĩa đựng hai miếng cá biển cắt mỏng lét kho độn với thịt mỡ. Một thau nhỏ đựng canh và hai chậu cơm. Sau một ngày vắt sức dưới hầm sâu, các phu vàng ai nấy lao vào bàn ăn. Thịt kho mặn, canh lõng bõng... Người ngồi cạnh nháy mắt với tôi: “Ăn đi mà làm, gục chết đây thiệt thân chẳng ai lo đâu”.

Tôi nuốt không nổi tính bỏ chén đi ra ngoài. Quân ngồi đối diện lùa miếng cơm rồi động viên: “Ráng mà ăn đi chú, ăn vô mới có sức mà mần, chan canh vô lùa cho mau”. Quân chưa ngớt lời thì Huỳnh, một phu vàng nhỏ tuổi nhất trong lán, chạy phắt vào trong bếp mang ra món mới nói là “đặc sản”. Ai cũng háo hức, hóa ra món “đặc sản” là mấy miếng cà tím xắt vụn và chén mắm tôm dậy mùi.

Chẳng mấy chốc đĩa cà tím cũng hết sạch. Sau giờ ăn ai cũng tranh thủ ra võng nằm lấy sức cho một ngày làm việc mới sắp tới. Nằm cạnh tôi, ông Đức vừa đặt lưng đã thở phò phò, Bình cầm điện thoại bấm bấm rồi lim dim chợp mắt. Huỳnh chạy khắp lán mượn được chiếc điện thoại để gọi cho một ai đó ở quê nhà. Đội là người sau cùng rời bàn ăn, xoa bụng bước tới võng nằm buông lời như trách móc: “Ăn uống thế này thì chết giữa rừng mất thôi”.

Một lần chủ cai Khánh “béo” đi thị trấn về mang theo 1kg thịt heo tươi, 1kg lòng, ít tiết canh và một can rượu 5 lít. Bỏ phịch đống thịt xuống sàn, Khánh “béo” hô lớn: “Bọn bay vào làm để ăn cơm nhanh lên”. Chui rúc cả ngày dưới hầm vàng mệt rã rời, nhóm chúng tôi lại phải lao vào bếp đứa làm lòng, đứa rửa thịt, đứa đánh tiết canh... Khánh “béo” ngồi trên phản gỗ khoanh chân ra lệnh. Bữa cơm tối hôm đó cũng là bữa ăn “tươi” hiếm hoi của phu vàng sau gần cả tháng trời giữa rừng sâu lạnh.

---------------------------------------------

Ngày đầu bước chân vào bãi vàng làm phu cho chủ cai Khánh “béo”, tôi đã nghe các đồng nghiệp bàn tán xì xầm: “Lán lão Hà có mấy đứa con gái vào làm phu đó, con gái mà nó làm khỏe như con trai, cày suốt ngày suốt đêm”. Tôi sốc!

Kỳ tới: Phận phu nữ

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên