04/06/2024 08:56 GMT+7

Nước mắt ở phiên tòa xử hai vợ chồng lừa đảo

Vợ chồng bị cáo và vợ chồng bị hại là bạn bè đã chơi với nhau ngót 20 năm trời. Hôm nay, họ gặp nhau không phải ở những chỗ thân thương thường lui tới, mà ở tòa - nơi mà người bị xử tội lừa đảo, còn người kia là bị hại.

Phiên tòa xét xử Hoàng Thị Hồng Nhạn và chồng là Nguyễn Phước Hùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Phiên tòa xét xử Hoàng Thị Hồng Nhạn và chồng là Nguyễn Phước Hùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Đứng trước bục khai báo là vợ chồng Hoàng Thị Hồng Nhạn và Nguyễn Phước Hùng. Bị hại cũng là bạn của gia đình Nhạn - bà H.T.K.N..

Bị cáo cũng là nạn nhân lừa đảo quốc tế?

Từ đầu đến cuối phiên tòa, Nhạn và chồng nói rằng bản thân không tham gia chơi đồng tiền ảo, mà cả hai là nạn nhân của lừa đảo quốc tế để rồi sau đó lại đi lừa bạn của mình. Và đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành vi phạm tội của mình.

Luật sư bào chữa cũng cho rằng các bị cáo là nạn nhân của một thủ đoạn lừa đảo quốc tế tinh vi. Theo đó, hai vợ chồng Nhạn là chủ doanh nghiệp.

Xuất phát từ việc khó khăn về tài chính, đang có tranh chấp chờ phán quyết của tòa án, Nhạn có tâm sự với ông Mark - một doanh nhân mà Nhạn đã quen trong một lần tham gia hội thảo ở Mỹ.

Ông Mark có nhã ý cho vợ chồng Nhạn mượn số tiền 850.000 USD để trang trải, vực dậy công ty. Đồng thời, yêu cầu Nhạn liên lạc với luật sư tên Sidy ở Senegal để mở một tài khoản ngân hàng quốc tế, gửi thẻ ATM về cho bà này.

Vợ chồng Nhạn cũng thực hiện theo yêu cầu của Sidy là đóng các loại phí như phí chống rửa tiền, phí bảo hiểm, phí thẻ thì mới rút được. Việc chuyển tiền được thực hiện bằng cách mua Bitcoin chuyển vào ví điện tử theo hướng dẫn của Sidy.

Vợ chồng bị cáo này đã vay mượn của bị hại với mục đích chuyển cho ông Sidy để nhận được tiền nhưng đã bị ông Mark và Sidy lừa đảo chiếm đoạt tất cả.

"Các đối tượng người nước ngoài đã có thủ đoạn vô cùng tinh vi, đưa ra các thông tin tưởng như là thật nhưng đều là giả mạo để vợ chồng bị cáo ngày càng lún sâu vào việc mượn tiền để chuyển tiền cho chúng.

Vợ chồng bị cáo cũng là người bị hại trong một đường dây lừa đảo quốc tế với thủ đoạn rất tinh vi, chứ trong ý thức bị cáo không có ý định thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" - luật sư bào chữa nêu quan điểm.

Suốt phiên tòa, bị cáo Nhạn khai lặp đi lặp lại rằng không chơi Bitcoin.

Bà này nói "bạn" là người nước ngoài gửi thẻ của một ngân hàng lớn ở Trung Đông, được công ty pháp nhân quốc tế chuyển về. Thẻ đứng tên mình nên bà này mang ra ngân hàng và rút được 2 triệu đồng.

Sau đó, "bạn nước ngoài" hứa hẹn sau khi kích hoạt, đóng các loại phí, số tiền đóng đó sẽ được hoàn lại. Khi bản thân rơi vào tình thế khó khăn, tưởng đã bấu víu được phao cứu sinh nên vợ chồng bà đã huy động, vay mượn để đóng đủ các loại phí theo yêu cầu.

"Thậm chí khi làm việc với cơ quan điều tra, phía bên kia vẫn nhắn tin đòi nộp thêm tiền để sớm nhận tiền" - Nhạn khai.

"Tất cả số tiền vay từ vợ chồng chị N. và cả tiền của vợ chồng bị cáo đều gửi cho đối tượng người nước ngoài. Vợ chồng bị cáo không hề sử dụng tiêu xài cá nhân - bị cáo Nhạn sụt sùi, tiếp lời - Đến bây giờ, bị cáo không có nhà. Vợ chồng có một đứa con đang tuổi dậy thì phải nhờ bác nuôi".

Quá thương mà giúp, để rồi bị lừa

Ngồi bên hàng ghế bị hại, nghe những lời trình bày của người trước đây là bạn của gia đình, bà N. giọng nghẹn lại: "Lời khai của hai bị cáo là sai sự thật rất nhiều. Cáo trạng đúng như diễn biến sự việc xảy ra".

Bà N. nói rằng bà nguyên là nhân viên ngân hàng. Vợ chồng bà đã chơi với vợ chồng Nhạn gần 20 năm, như chị em trong nhà. "Nên khi vợ chồng Nhạn gặp khó khăn, nói mượn tiền thì nhà tôi giúp, không lấy một đồng lãi nào" - bà N. nói.

Bà N. nhớ lại thời điểm xảy ra sự việc, bị cáo nói lý do vay tiền để thanh toán hợp đồng Trung Đông 850.000 USD, chỉ cần 100 triệu đồng đặt cọc là được. "Vợ chồng Nhạn đưa hình ảnh Zalo, chỉ có tiếng Anh và con số 850.000 USD" - bà N. cho hay.

Thấy bạn gặp khó, vợ chồng bà N. ban đầu chuyển 100 triệu đồng. "Sau đó, cứ thấy quá thương mà giúp. Quá thương mà thành nạn nhân bị lừa đảo ri đây" - bà N. xót xa nói.

Đâu chỉ có vậy, chồng bà N. gặp cú sốc mất số tiền quá lớn, ông đã ra đi sau đó ít ngày. Vậy nhưng, cuối phiên tòa, bà N. vẫn xin hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho vợ chồng Nhạn.

Sau khi được tòa đồng ý, bị cáo Nhạn quay về phía bà N. vừa khóc vừa nói: "Em xin lỗi chị, xin chị tha thứ. Vợ chồng em vướng vòng lao lý không thể làm gì để khắc phục cho chị. Xin chị cho em cơ hội, hãy cùng gia đình em nói chuyện với nhau để gia đình em khắc phục phần nào cho chị".

Hai vợ chồng lãnh án tù

Ngày 3-6, TAND TP Đà Nẵng tuyên phạt Hoàng Thị Hồng Nhạn (53 tuổi, trú Đà Nẵng) 20 năm tù, chồng Nhạn là Nguyễn Phước Hùng (55 tuổi) 17 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tòa nhận định cáo trạng truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng người đúng tội. Đồng thời không chấp nhận luận cứ bào chữa của các luật sư…

Theo cáo trạng, khoảng tháng 7-2021, Nhạn bắt đầu có giao dịch đầu tư đồng tiền ảo Bitcoin qua sàn "Binance.com" với Nguyễn Văn Nhâm (trú Hà Nội). Việc mua bán này được thực hiện qua Zalo. Để có tiền tiếp tục đầu tư đồng tiền ảo, khoảng tháng 3-2022, Nhạn - Hùng nói dối với vợ chồng bà H.T.K.N. (trú quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Theo đó, vợ chồng Nhạn có một hợp đồng mua bán nhà tiền chế ở bên Trung Đông, trị giá 850.000 USD, cần qua thanh toán để nhận tiền về, nhưng hiện tại tình hình kinh tế khó khăn nên đề nghị vợ chồng bà N. giúp cho mượn tiền làm chi phí thanh toán hợp đồng, khi nào hoàn tất nhận tiền về sẽ trả lại.

Tin lời nên vợ chồng bà N. đã cho vợ chồng Nhạn nhiều lần mượn tiền với số tiền tổng cộng là trên 15,8 tỉ đồng.

Trong 8 lần mượn tiền giai đoạn đầu, vợ chồng Nhạn - Hùng đưa ra lý do là để kích hoạt tài khoản làm thủ tục thanh toán hợp đồng. Tuy nhiên, qua điều tra xác định sau khi mượn tiền, Nhạn chuyển tiền đến tài khoản của Nhâm để mua Bitcoin.

Đến ngày 5-5-2022, để tiếp tục mượn được tiền từ vợ chồng bà N., mặc dù vẫn đang ở Việt Nam nhưng vợ chồng Nhạn bàn bạc nói dối với bà N. là đã xuất cảnh sang Senegal để xử lý hợp đồng và tiếp tục ba lần mượn tiền.

Trong ba lần mượn tiền trên, vợ chồng Nhạn đưa ra lý do là để góp vốn, đối ứng, nộp thuế, phí và mua mã code để chuyển tiền thanh toán hợp đồng về Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả điều tra xác định sau khi mượn tiền, Nhạn - Hùng tiếp tục chuyển tiền để mua Bitcoin từ Nhâm.

Giám đốc công ty lên mạng đăng tìm nhà phân phối để lừa đảoGiám đốc công ty lên mạng đăng tìm nhà phân phối để lừa đảo

Để có tiền tiêu xài, Nguyễn Phú Hộ (giám đốc Công ty Hồng Hưng) đăng bài tuyển giám sát công ty trên mạng xã hội, kèm theo phụ cấp hấp dẫn nhằm tìm người đăng ký làm nhà phân phối, yêu cầu họ chuyển tiền cọc rồi lừa đảo, chiếm đoạt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên