Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời báo chí tại Hà Nội sáng 14-1 - Ảnh: BNG cung cấp
Chúng ta vẫn tiếp tục chú trọng tăng cường quan hệ với những đối tác quan trọng, láng giềng và các nước lớn.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ về trọng tâm đối ngoại năm 2020 của Việt Nam.
Đó là phiên thảo luận chủ đề "Kỷ niệm 75 năm LHQ: Tuân thủ hiến chương để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế" ở trụ sở LHQ, New York (Mỹ) hôm 9-1 vừa qua. Đây là chủ đề do chính Việt Nam, với tư cách là chủ tịch Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ tháng 1-2020, đề xuất.
Phiên thảo luận lịch sử
"Tôi vừa qua chủ trì thảo luận mở của HĐBA. Điều đáng mừng và ngạc nhiên là chủ đề của Việt Nam đề xuất không chỉ được các thành viên HĐBA mà đông đảo các nước thành viên LHQ ủng hộ.
Tôi đã xem lại các cuộc họp trước đây của HĐBA (họp mở): số lượng tham gia chưa bằng cuộc này của Việt Nam là 110 nước tham gia. Điều đó chứng tỏ đề xuất của Việt Nam phù hợp, đúng thời điểm. Các nước thấy hơn lúc nào hết cần nâng cao vai trò, tầm quan trọng của hiến chương" - Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phấn khởi chia sẻ.
Theo ông, phiên thảo luận này diễn ra đúng lúc vì hai lý do. Thứ nhất, năm 2020 thế giới kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ và ra đời Hiến chương LHQ. Thứ hai, hiện các cuộc xung đột, các mối đe dọa đang hiện hữu ở nhiều nơi, trong đó có những vấn đề liên quan đến việc tuân thủ Hiến chương LHQ.
Ông nhấn mạnh vào thời điểm hiện nay, một số quốc gia đang không tôn trọng hiến chương. "Tại phiên thảo luận, chúng ta nêu quan điểm rằng các nước, đặc biệt là các thành viên HĐBA, phải đi đầu trong tôn trọng hiến chương. Đáp ứng sự quan tâm của các nước, họ tham gia tích cực, chúng ta đã đi đúng dòng chảy vì liên quan đến lợi ích của các nước" - ông nói.
Về phiên thảo luận mở ở HĐBA LHQ mà VN chủ trì mới đây, Phó thủ tướng cho biết lần đầu tiên trong lịch sử LHQ, Việt Nam đã có được một tuyên bố về thảo luận mở liên quan đến Hiến chương LHQ. Các cuộc thảo luận về hiến chương trước đây chưa bao giờ ra được tuyên bố của chủ tịch HĐBA như vậy.
Ông nhấn mạnh ưu tiên của Việt Nam với tư cách là thành viên không thường trực HĐBA là phải bảo đảm các nước tuân thủ Hiến chương LHQ; ngăn chặn xung đột hay còn gọi là ngoại giao phòng ngừa; bảo vệ dân thường trong xung đột; và bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong xung đột.
Phải bảo vệ chủ quyền trên biển
Điểm lại tình hình khu vực và thế giới năm 2019, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định chiều hướng chung là hòa bình, ổn định nhưng các vấn đề bất ổn tăng lên nhiều, đặc biệt ở các khu vực có nhiều điểm nóng như Trung Đông. Ngoài ra, chủ nghĩa khủng bố, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn cũng tác động đến khu vực.
"Trong năm 2019, tình hình Biển Đông diễn biến hết sức phức tạp, trong đó có việc tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam làm tình hình phức tạp, các vùng biển của các nước khác cũng có biến động" - ông nêu.
Theo ông, Biển Đông là mối quan tâm chung của tất cả các nước vì Biển Đông là đường biển quan trọng về thông thương hàng hóa, liên quan nhiều nước, không chỉ các nước trong khu vực. "Với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, vấn đề chủ quyền là thiêng liêng, chúng ta phải bảo vệ chủ quyền trên biển. Vấn đề quan trọng nhất là các nước phải tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Công ước của LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982" - ông nhấn mạnh.
Ông đưa ra một thông điệp đáng chú ý rằng nếu xảy ra các hoạt động vi phạm chủ quyền, các thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ có lập trường chung, đấu tranh bảo vệ chủ quyền và yêu cầu tôn trọng luật pháp quốc tế và UNCLOS. "ASEAN đang trong quá trình xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc để đảm bảo được các mục tiêu như vậy" - ông nói.
Khi phóng viên hỏi nếu khi chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông bị xâm phạm và các biện pháp hòa bình không hiệu quả, Việt Nam có thể sử dụng các biện pháp pháp lý được không, Phó thủ tướng trả lời: "Hiến chương LHQ đã quy định rõ. Nếu chúng ta giải quyết bằng biện pháp hòa bình không hiệu quả, chúng ta sẽ sử dụng các biện pháp khác theo quy định của hiến chương".
13.000
Theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, trong năm 2019, các cơ quan chức năng Việt Nam đã bảo hộ hơn 13.000 công dân, tăng mười mấy phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có nhiều trường hợp lớn như vụ xét xử công dân Đoàn Thị Hương, vụ tai nạn xe du lịch ở Ai Cập, và gần nhất là vụ 39 thi thể người Việt ở Anh.
"Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục nỗ lực bảo đảm lợi ích và quyền lợi hợp pháp của các công dân. Nhưng chúng tôi cũng mong các công dân ra nước ngoài phải tôn trọng luật pháp nước sở tại" - ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận