08/11/2015 10:09 GMT+7

Nước Đức vẫn đầy hấp dẫn

DUY BÌNH
DUY BÌNH

TT - Tại sao bạn chọn nước Đức là điểm đến? Câu trả lời chung của nhiều người nhập cư khi được chúng tôi hỏi là: “Ở nước Đức, chúng tôi có nhiều cơ hội...”.

Học viên tiếng Đức tại Viện Goethe - Ảnh: D.B.
Học viên tiếng Đức tại Viện Goethe - Ảnh: D.B.
Nghe đọc bài báo này

Cơ hội được nhiều người “dòm ngó” nhất, trong đó có không ít bạn trẻ Việt Nam, là chất lượng giáo dục cực tốt ở các trường đại học Đức.

Quan trọng hơn, du học sinh được các trường đại học Đức chấp nhận cho học đều không phải trả học phí hoặc trả rất ít. Chính yếu tố hấp dẫn này đã khiến Đức trở thành sự lựa chọn của nhiều người.

“Thiên đường” của sinh viên nghèo

Viện Goethe TP.HCM ở cư xá Đô Thành (P.4, Q.3) là một trong những trung tâm giao lưu văn hóa Đức tại Việt Nam, đồng thời là địa điểm được nhiều người lựa chọn học tiếng Đức.

Học viên của Viện Goethe gồm nhiều thành phần như sinh viên, học sinh, những người sắp sang Đức định cư, học tập...

Bà Sonja Stoll - viện trưởng Viện Goethe TP.HCM - cho biết một thông tin thú vị là lượng người đăng ký học tiếng Đức tại Viện Goethe ngày càng nhiều khiến các lớp học ở đây thường kín học viên.

Thậm chí cách đây hơn một năm, có những ngày phụ huynh và học viên phải xếp hàng từ 4g sáng đăng ký học tiếng Đức tại đây.

Bà Sonja nở nụ cười nói: “Câu chuyện đó xảy ra trước khi tôi đến TP.HCM nhận nhiệm vụ. Tuy nhiên, bây giờ mọi người không phải xếp hàng khó khăn như vậy nữa vì họ có thể đăng ký học tiếng Đức trên website của viện”.

Con số học viên tiếng Đức tại Viện Goethe TP.HCM, theo bà Sonja, là “tăng ấn tượng”. Năm 2014 lượng học viên là 1.721 người, nhưng chỉ tính đến nửa năm 2015 số lượng học viên tiếng Đức tại Viện Goethe đã lên tới 1.953 người.

Bà Sonja ước tính con số này sẽ vượt hơn 2.000 vào cuối năm 2015 và tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới.

Tại Viện Goethe TP.HCM, bà Sonja đã sắp xếp cho chúng tôi gặp gỡ và thực hiện cuộc “thăm dò bỏ túi” năm học viên đang học tại đây với câu hỏi: “Vì sao bạn chọn học tiếng Đức?” và câu trả lời của năm người đều có điểm giống nhau: “Chúng tôi muốn biết tiếng Đức để tìm hiểu văn hóa Đức và tìm cơ hội du học ở Đức”.

Anh Minh Quang - người từng du học ở Đức - cho biết nếu so với Mỹ, Úc hay Anh thì Đức là “thiên đường” dành cho sinh viên nghèo. Anh cho biết: “Hầu hết trường đại học ở Đức đều không thu học phí hoặc thu rất ít, tùy theo bang.

Nếu sống tiết kiệm và biết cách tiêu xài thông minh, một sinh viên Việt Nam có thể chỉ tốn 500-800 euro/tháng gồm tiền ăn, ký túc xá, điện nước, bảo hiểm y tế... Ngoài ra, sinh viên còn có thể đi làm để có thêm tiền trang trải chi phí học tập và sinh hoạt”.

Nước Đức cho phép sinh viên đi làm không quá 20 tiếng/tuần. Ở Đức, chúng tôi gặp khá nhiều sinh viên Việt Nam và nước ngoài đi làm thêm, trong đó khá phổ biến là nghề chạy bàn với thu nhập 7-8 euro/giờ.

Một sinh viên Việt Nam nếu chịu “cày” có thể kiếm được khoản tiền 400-600 euro/tháng, giúp họ trang trải tốt chi phí học tập và sinh hoạt.

Trong khi đó, những bạn trẻ không đủ điều kiện vào giảng đường thì tìm cơ hội đến Đức học nghề và làm việc.

Theo số liệu do bà Anita Conrad - người phụ trách khâu cấp visa ở Tổng lãnh sự quán Đức tại TP.HCM - cung cấp, số lượng người Việt đến Tổng lãnh sự xin visa sang Đức học nghề đã tăng nhanh chóng.

Cụ thể trong sáu tháng đầu năm 2014 Tổng lãnh sự quán Đức chỉ nhận bốn bộ hồ sơ xin visa đến Đức học nghề thì sáu tháng đầu năm 2015, số bộ hồ sơ xin visa loại này đã lên tới 56.

Một tiết mục văn nghệ nhân Ngày phụ nữ Việt Nam tại chợ Đồng Xuân Berlin - Ảnh: D.B.
Một tiết mục văn nghệ nhân Ngày phụ nữ Việt Nam tại chợ Đồng Xuân Berlin - Ảnh: D.B.

Cơ hội cho người nhập cư

Ngày 14-10, đoàn nhà báo quốc tế tham dự chương trình “Nhập cư và hội nhập” do Bộ Ngoại giao Đức tổ chức đã được mời đến ăn cơm tối tại nhà hàng Việt Phố trong khu vực Trung tâm thương mại Đồng Xuân (Berlin) do ông Nguyễn Văn Hiền - doanh nhân Đức gốc Việt - làm chủ.

Sở dĩ những người tổ chức chương trình chọn ông Nguyễn Văn Hiền để giới truyền thông quốc tế phỏng vấn vì họ muốn giới thiệu chân dung một người nhập cư thành công vượt bậc trên đất Đức.

Ông Hiền - người nhập cư gốc Việt giàu nhất nước Đức hiện tại - đã đến Đông Đức (cũ) vào những năm thập niên 1980 với hai bàn tay trắng, không nói được tiếng Đức.

Ông nỗ lực làm việc mà theo như ông nói với các nhà báo là “14 giờ làm việc mỗi ngày và 10 năm làm việc không nghỉ”, từng bước vươn lên trước khi mở Trung tâm Đồng Xuân rộng hơn 150.000m2.

Ông Nguyễn Văn Hiền (trái) trong bữa cơm với các nhà báo quốc tế hôm 14-10 ở Trung tâm thương mại Đồng Xuân. Ảnh: D.B

Trung tâm Đồng Xuân có khoảng 40% người Việt nhập cư thuê đất mở nhà hàng, bán quần áo, giày dép... Các gian hàng còn lại do người Ấn Độ, Trung Quốc và cả người Đức... thuê để mang đến lợi nhuận rất lớn cho công ty do ông Hiền làm chủ tịch hội đồng quản trị.

Ông Hiền nói nước Đức cho ông cơ hội và ông đã biết nắm bắt cơ hội làm giàu.

Trong bữa cơm chiêu đãi các nhà báo quốc tế, chúng tôi được chị Mai Phương - cũng là một người nhập cư Việt Nam - kể câu chuyện gian khó trong những ngày đầu chị đặt chân đến Đức: “Tôi phải làm việc cật lực, chắt chiu từng đồng để có được cơ ngơi như hôm nay”.

Chị Phương hiện là chủ một doanh nghiệp về hoa đang hoạt động rất hiệu quả.

Nhưng điều khiến chị Mai Phương tự hào nhất là một trong ba người con của chị hiện rất nổi tiếng ở Đức vì khả năng chơi cờ vua thiên phú. Đó là con trai Bảo Anh, 9 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Đức.

Năm 3 tuổi, Bảo Anh đã tỏ ra khác biệt so với những đứa trẻ bình thường khi có thể sắp xếp hoàn chỉnh một bàn cờ vua. Càng lớn, em càng bộc lộ năng khiếu với vô số huy chương, cúp giành được ở các giải đấu cờ vua do trường và địa phương tổ chức.

Bảo Anh (trái) và anh trai Anh Khoa. Ảnh: D.B
Chị Mai Phương (thứ 3 từ phải)  - mẹ của kỳ thủ cờ vua Bảo Anh và anh Trần Công Thành - Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Bình ở Berlin trong bữa cơm với các nhà báo quốc tế tham dự chương trình “Nhập cư và hội nhập”. Ảnh: D.B

Chị Mai Phương cho biết: “Người Đức nhìn thấy năng khiếu chơi cờ vua của Bảo Anh nên đã dành cho cháu sự quan tâm đặc biệt. Họ cử hẳn giáo viên đến nhà dạy Bảo Anh chơi cờ. Hiện nay, Bảo Anh có đến ba HLV cờ vua người Đức”.

Năm 7 tuổi, Bảo Anh giành chức vô địch cờ vua U-8 toàn nước Đức và châu Âu. Em trở thành niềm tự hào của ngôi trường em theo học, được ban giám hiệu nhà trường sử dụng ảnh làm vơđét trên trang web giới thiệu trường.

Tại Đức có rất nhiều gương mặt thuộc thế hệ thứ hai làm “nở mày nở mặt” cha mẹ như trường hợp của Bảo Anh.

Chẳng hạn ở thành phố Regensburg, rất nhiều người biết đến Thảo My - cô bé sinh ra ở Đức - học rất giỏi, thường xuyên đạt điểm cao nhất từ lớp 1 đến hết lớp 12 và hiện đang theo học ngành y ở một trường đại học tại Regensburg.

Cha mẹ Thảo My thuộc thế hệ thanh niên đến Đông Đức hợp tác lao động vào những năm cuối thập niên 1980. Họ chăm chỉ lao động, nuôi nấng hai con gái trưởng thành.

Anh Sáng - cha của Thảo My - nói: “Dĩ nhiên tôi rất vui khi có con học giỏi, ngoan, lễ phép. Nhưng điều tôi vui hơn là những đứa trẻ như Thảo My có nhiều cơ hội thể hiện ngang hoặc cao hơn trình độ của người bản xứ. Bởi đó là điều thế hệ chúng tôi không làm được”.

Nhiều người nhập cư Việt Nam mang ơn nước Đức cho họ cơ hội vươn lên và ở chiều ngược lại, nước Đức cũng cảm ơn họ vì được hưởng lợi nhiều nhờ đóng góp của người nhập cư Việt Nam nói riêng và các quốc gia khác nói chung.

Đó cũng là cơ sở để nhiều người nghĩ đến đoạn kết đẹp dành cho dòng người di cư đang tấp nập đổ đến nước Đức.

-------------

Các kỳ trước

>> Kỳ 4: Rào cản đầu tiên: tiếng Đức

>> Kỳ 3: Sau những “vòng tay ấm áp”...

>> Kỳ 2: Bên trong trại tị nạn

>> Kỳ 1: Những “túp lều khẩn cấp”

DUY BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên