07/11/2015 08:53 GMT+7

Rào cản đầu tiên: tiếng Đức

DUY BÌNH
DUY BÌNH

TT - Làm thế nào để người nhập cư nhanh chóng hội nhập, có thể tự bươn chải mưu sinh? Câu hỏi này cũng là “bài toán” đau đầu đối với nước Đức trong bối cảnh người tị nạn đang ào ạt đổ đến.

Các bạn trẻ người Việt theo học nghề điều dưỡng viên sinh hoạt tại Hội Trống cơm - Ảnh: D.B.
Các bạn trẻ người Việt theo học nghề điều dưỡng viên sinh hoạt tại Hội Trống cơm - Ảnh: D.B.

“Không biết tiếng Đức, không làm gì được cả”

Một ngày của Osman, một thanh niên tị nạn người Somalia sống tại một trại ở gần thành phố Nuremberg, bắt đầu lúc 9g sáng với những bài học tiếng Đức kết hợp các bài học hội nhập.

Nội dung dành cho Osman gồm nhiều chủ đề như lịch sử và văn hóa Đức, đi mua sắm, cách trả lời phỏng vấn khi xin việc...

Lớp học buổi sáng của Osman kết thúc lúc 11g. Đến khoảng 14g, anh trở lại trường để tiếp tục “đánh vật” với những bài học tiếng Đức.

Osman đã học tiếng Đức gần một năm nhưng anh thừa nhận: “Hằng ngày đến lớp tôi như người mới bắt đầu vì tiếng Đức quá khó. Nhưng tôi phải nỗ lực vì hiểu rằng không biết tiếng Đức, không làm gì được cả”.

Nơi Osman đến là một trung tâm hội nhập mà người Đức lập ra dành cho người nhập cư. Ở Nuremberg, Munich, Dortmund hay Berlin có rất nhiều trung tâm hội nhập dành cho người nhập cư gốc Ả Rập, người Do Thái và cả người nhập cư Việt Nam.

Ở thủ đô Berlin, Hội Trống cơm nằm ở quận Marzahn (Berlin) là một trong những trung tâm hội nhập được nhiều người Việt biết đến nhất.

Tại đây, thanh niên Việt được học tiếng Đức, được định hướng và tư vấn nghề nghiệp. Mỗi năm ban quản lý Hội Trống cơm nhận được khoảng 500.000 euro (12,5 tỉ đồng) từ đóng góp của nhiều nguồn khác nhau.

Lâm Thoại, 25 tuổi, đến Đức cách đây bốn năm theo diện hôn nhân. Anh đã nỗ lực học tiếng Đức nhưng “học trước, quên sau” nên không thể ra ngoài giao tiếp và bằng lòng với công việc rửa chén tại một nhà hàng ở Berlin.

Việc không biết tiếng Đức khiến anh gặp nhiều phiền toái, ví dụ khi có thư từ do trường học của con gửi đến, anh phải chạy qua nhà người bạn nhờ dịch hộ.

Tình thế buộc Lâm Thoại trở lại học tiếng Đức và Hội Trống cơm là địa chỉ được anh chọn. Lâm Thoại cho biết: “Bây giờ thì tôi đã có thể nói bập bõm tiếng Đức với cô giáo con mình”.

Các trung tâm hội nhập ở Berlin nói riêng và tại Đức nói chung được tổ chức chu đáo, khoa học và tỉ mỉ đến từng chi tiết.

Chúng tôi đến thăm một thư viện dành cho thiếu nhi tại một trung tâm hội nhập ở Berlin và ngạc nhiên khi thấy nhiều quyển sách ở đây được in bằng hai thứ tiếng là Ả Rập và Đức.

Vì sao vậy? Người quản lý thư viện giải thích: “Nhiều gia đình quanh đây có nguồn gốc Ả Rập. Chúng tôi muốn họ đến và đưa con em mình quay lại vì nhìn thấy ngôn ngữ quê hương họ trong các quyển sách”.

Một số trung tâm hội nhập tại Berlin còn có sân chơi bóng rổ, bóng đá, sân trượt patin... để thu hút những gia đình nhập cư đến chơi, sinh hoạt, học tiếng Đức...

Ban quản lý một trung tâm hội nhập giới thiệu với nhà báo về hoạt động giúp người nhập cư - Ảnh: D.B.
Ban quản lý một trung tâm hội nhập giới thiệu với nhà báo về hoạt động giúp người nhập cư - Ảnh: D.B.

Tuyển lựa người tài từ dân nhập cư

Một trong những cách giúp người nhập cư hội nhập nhanh nhất là tìm việc làm cho họ. Câu hỏi được đặt ra là trong số 800.000 người tị nạn hiện có mặt tại Đức, có bao nhiêu người sẵn sàng đáp ứng được loại công việc trình độ cao, bao nhiêu người cho loại công việc chỉ yêu cầu các kỹ năng thấp?

Người Đức buộc phải sàng lọc, chọn ra rồi đào tạo trước khi đưa những người nhập cư vào thị trường lao động.

Ở Munich, chúng tôi được gặp Ali - một bác sĩ 48 tuổi đến từ Syria. Ông cùng vợ và hai đứa con, con gái 8 tuổi và con trai 5 tuổi, đến Thổ Nhĩ Kỳ giữa năm 2014.

Sau đó họ rời Thổ Nhĩ Kỳ đến Đức. Ali có bằng bác sĩ ở Syria nhưng tại Đức người ta không công nhận bằng này. Vì thế, Ali buộc phải học tiếng Đức để chuẩn bị tham gia các khóa học y nâng cao, kiếm thêm bằng cấp mới có thể được hành nghề bác sĩ ở Đức.

Tuy nhiên, trước mắt người ta tạo điều kiện cho Ali công tác tại một bệnh viện nhỏ gần Munich trong vai trò trợ lý bác sĩ, giúp ông có một công việc nuôi sống gia đình và không quên nghề y.

Ali được xếp vào nhóm “lao động có kỹ năng cao”. Theo đánh giá của các chuyên gia về thị trường lao động Đức, trong dòng người tị nạn hiện có mặt tại Đức, Syria là quốc gia cung cấp nhiều nhất các “lao động có kỹ năng cao” như bác sĩ, kỹ sư hay những nhà khoa học.

Tuy nhiên, hiện tại nước Đức đang gặp khó khăn trong việc chọn lọc các nhóm lao động, với một trong những lý do là khi làm thủ tục đăng ký, nhiều người tị nạn đã khai không đúng sự thật, thậm chí là giả làm người Syria trong nỗ lực tìm cách cư trú lâu dài. Những người này bị phát hiện vì không nói được một từ Ả Rập nào khi tham gia phỏng vấn.

Manichov - chuyên gia về thị trường lao động ở Đức - nói: “Đức đang thiếu kỹ sư và các loại lao động đòi hỏi kỹ năng cao. Tôi nghĩ trong khoảng 800.000 người tị nạn hiện có mặt tại Đức sẽ có nhiều người giúp giải quyết việc này. Họ có thể là những kỹ sư tay nghề giỏi và không đòi hỏi mức lương quá cao như các kỹ sư Đức. Vấn đề là chúng ta cần biết họ đang ở đâu trong 800.000 người tị nạn này để kéo họ ra ngoài, đào tạo giúp họ sớm hội nhập nhanh”.

Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế Đức, thị trường lao động hiện tại ở Đức đang thiếu hụt 500.000 nhân công. Đến năm 2030, nước Đức dự kiến thiếu 6 triệu lao động của đủ loại công việc, với một trong những lý do là dân số Đức đang già đi. Lượng người nhập cư đổ đến Đức sẽ giúp giải quyết sự thiếu hụt lao động này.

Ông Manichov cho biết một trong những nghề mà Đức đang thiếu hụt lao động nhất là điều dưỡng viên (nghề chăm sóc người già, người bệnh tật). Điều bất ngờ hơn, theo ông Manichov, hiện có rất nhiều thanh niên Việt Nam sang Đức học và làm nghề này.

Ở Hội Trống cơm, chúng tôi được gặp một nhóm thanh niên Việt Nam quê ở Hà Nội, Quảng Bình, Nghệ An... đến Đức học nghề điều dưỡng viên.

Những thanh niên này cho biết họ ký hợp đồng với một công ty lao động ở Việt Nam, theo đó trong chín tháng đầu tiên họ vừa học tiếng Đức và những kỹ thuật cơ bản của nghề điều dưỡng viên. Sau đó họ sẽ học thêm ba năm chuyên sâu của nghề này và được cấp phép làm.

Tuy nhiên, theo ông Manichov, trong tương lai người Việt Nam muốn sang Đức học và hành nghề điều dưỡng viên có thể sẽ khó khăn vì như ông lý giải: “Nước Đức đang có lượng người nhập cư quá đông. Nhiều người trong số họ sẽ được khuyến khích học những nghề mà thị trường lao động Đức đang thiếu hụt để cân bằng công việc. Vì thế, lao động Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt nếu muốn tìm cơ hội làm việc ở Đức”.

Thiếu giáo viên dạy tiếng Đức trầm trọng

Dự tính từ nay đến cuối năm 2015, sẽ có trên 300.000 người tị nạn được cấp giấy tờ ở lại lâu dài tại Đức. Trong cuộc gặp gỡ các phóng viên quốc tế có mặt ở Berlin tham dự chương trình “Nhập cư và hội nhập” do Bộ Ngoại giao Đức tổ chức, một quan chức nhập cư Đức cho biết bài toán khó khăn nhất thời điểm hiện tại là nước Đức không đủ giáo viên dạy tiếng Đức.

Ông này nói: “Người tị nạn đến quá đông, chưa kể nhiều người còn có con cái. Bạn phải tìm đủ số lượng giáo viên có những kỹ năng đặc biệt để dạy tiếng Đức cho những đứa trẻ không sinh ra ở nước Đức này”.

Theo quan chức này, năm 2016 nước Đức sẽ thiếu khoảng 10.000 giáo viên dạy tiếng Đức. Cũng chính vì điều này nên nhiều trường học ở Đức đang cần thêm tài chính để tuyển giáo viên dạy tiếng Đức.

_______________

Kỳ tới: Nước Đức vẫn hấp dẫn họ

DUY BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên