“Cảm ơn nước Đức” - những người tị nạn vui sướng trước sự đón tiếp của dân Đức - Ảnh: AP |
Chúng tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện nhân văn mà dân Đức dành cho người tị nạn trong những ngày đầu họ đến Đức.
Chào đón và sẻ chia
Safia - tình nguyện viên làm việc ở một khu trại khẩn cấp dành cho người tị nạn tại Berlin - cho biết:
“Một người bạn nói với tôi rằng chính quyền TP Berlin cần tình nguyện viên hỗ trợ chăm sóc y tế cho người tị nạn. Tôi là sinh viên trường y và thế là tôi đã sắp xếp thời gian, mỗi ngày 4-6 tiếng để hỗ trợ cho khu trại”.
Nhiệm vụ của Safia là tiêm ngừa, chữa trị các vết thương chủ yếu ngoài da cho người tị nạn. Tuy nhiên, cô không chỉ đến làm việc mà còn mang theo quần áo, giày dép cũ, đồ chơi, thậm chí bánh kẹo và sôcôla cho người tị nạn.
Safia nhớ lại: “Ngày đầu tiên đón người tị nạn, tôi ra trạm xe buýt với đứa cháu gái 4 tuổi. Cháu tôi đã tận tay trao đồ chơi cho những đứa bé đến từ Syria. Tôi muốn giáo dục cháu cách sống nhân văn qua hành động trực tiếp của nó”.
Tại Munich hay các thành phố lớn khác ở Đức như Hamburg, Dortmund..., người tị nạn cũng được đón chào ấm áp.
Đến đầu tháng 9, cảm xúc của dân Đức đối với người tị nạn càng thêm dâng trào khi bức ảnh chụp cậu bé tị nạn 3 tuổi chết ở bờ biển gần khu nghỉ dưỡng Bodrum (Thổ Nhĩ Kỳ) xuất hiện tràn ngập trên các phương tiện truyền thông.
Những hoạt động từ thiện dành cho người tị nạn lại được nhiều cơ quan, hội đoàn khắp nước Đức tổ chức dồn dập.
Một trong những hoạt động khiến nhiều người nhớ nhất là sự kiện đội bóng đương kim vô địch Bundesliga (Giải vô địch Đức) Bayern Munich tổ chức “Trại huấn luyện” và quyên góp được 1 triệu euro (khoảng 25 tỉ đồng) cho các dự án dành cho người tị nạn.
Giám đốc điều hành đội Bayern Munich Karl-Heinz Rummenigge khi ấy nói với giới truyền thông: “Chúng tôi xem các hoạt động từ thiện như là trách nhiệm xã hội để giúp đỡ người tị nạn”.
Nhưng cũng chính “vòng tay ấm áp” của người Đức đã góp phần kéo người tị nạn đến ngày càng đông. Cứ mỗi buổi sáng, mở truyền hình là thấy hình ảnh người tị nạn đến.
Báo chí Đức liên tục cập nhật số lượng người tị nạn tăng vọt, có tờ báo đưa tin trong tháng 10, nước Đức đã có hơn 1,2 triệu người đến tị nạn.
Và người Đức bắt đầu lo ngại khi “khách không mời” đến nhà ngày một đông, không có dấu hiệu dừng lại. Trong một cuộc thăm dò do kênh truyền hình ARD (Đức) tổ chức vào tháng 10, hơn 50% những người được hỏi nói rằng họ bắt đầu “sợ” dân tị nạn. Tháng trước, con số này chỉ là 38%.
Phụ nữ Hồi giáo sinh hoạt tại một trung tâm giúp người nhập cư hòa nhập tại thủ đô Berlin (Đức) - Ảnh: D.B. |
Và những nỗi lo ập đến
Người tị nạn đông đúc, nhiều thành phần, đa văn hóa và tôn giáo đã ít nhiều làm cuộc sống của dân Đức xáo trộn và khiến nhiều người Đức khó chịu.
Tại một con đường sầm uất chuyên bán đồ hiệu ở quận nổi tiếng Kreuzberg (Berlin), chúng tôi thấy một thanh niên gương mặt Trung Đông tay cầm chiếc nón xin tiền khách đi đường. Người bạn Đức đi cùng nói: “Anh ta là người tị nạn. Trước đây con đường này chưa bao giờ xuất hiện người ăn xin”.
Ở các siêu thị, cửa hàng bán lẻ... gần những trung tâm đăng ký tị nạn tại Munich hay Berlin, người tị nạn xuất hiện khắp nơi. Họ đi thành từng nhóm, thông thường là những người cùng quốc gia với nhau, mua sim điện thoại, đồ ăn, thức uống...
Tại một siêu thị, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một người Đức cau mày khó chịu khi chứng kiến một thanh niên Trung Đông lựa hàng bằng cách sờ tay và bóp những chùm nho đặt trên kệ, rồi bỏ đi.
Anh ta không mua chùm nho này và chắc chắn người đàn ông Đức thấy được cảnh này cũng không mua.
Trong khi đó, những người bạn đi cùng anh bàn tán gì đó trước quầy điện thoại, giọng họ to đến mức những người Đức đứng ở các quầy kế bên phải quay mặt nhìn. Đó là cách bày tỏ thái độ không hài lòng.
Còn nhiều câu chuyện lặt vặt khác khiến người Đức không vui, chẳng hạn như người tị nạn hay hút thuốc rồi vứt tàn đầy các nhà ga, bãi cỏ công viên hoặc tổ chức nướng thịt, uống bia ở những khu không được phép...
Đã có những trường hợp ăn cắp ở siêu thị liên quan đến người tị nạn được trình báo cảnh sát.
Ông Hosler, 68 tuổi, sống ở Berlin hơn 40 năm, cho biết: “Người tị nạn đến quá đông, có người tốt và cũng không ít kẻ xấu. Một người bạn của tôi vừa mất chiếc xe đạp. Ông ấy không đổ tội cho người tị nạn, nhưng ông ấy đã bắt đầu nghĩ những điều không hay về họ”.
Cô sinh viên Macadelona ở Trường đại học Humboldt Berlin nhận định nếu cuộc tổng tuyển cử Đức diễn ra trong thời điểm này, Đảng Liên minh dân chủ Thiên Chúa giáo của bà Thủ tướng đương nhiệm Angela Merkel chắc chắn sẽ thất bại vì nhiều người Đức đã không đồng ý với chính sách mở rộng cửa cho người tị nạn của bà Merkel.
Tuy nhiên, Macadelona nói: “Nếu là bà Merkel, anh sẽ làm gì? Anh sẽ cho dựng hàng rào chắn ở các biên giới để ngăn người tị nạn và sống trong ngôi nhà của mình? Nếu nước Đức làm vậy thì cả thế giới này sẽ lên án họ hành xử không nhân đạo và nhân văn.
Còn nếu mở cửa để người tị nạn vào như chính sách của bà Merkel làm thì nhiều người Đức lại không hài lòng...”.
Bác tài taxi Domidiko cho biết: “Thực tế nhiều người Syria hay Afghanistan rất đáng thương. Họ là nạn nhân chiến tranh.
Nhưng nước Đức dù rộng lớn và giàu có đến mấy cũng không thể mở cửa để đón hết người tị nạn. Đáng lý ngay từ đầu chúng tôi nên lập hàng rào kiểm soát để ngăn người tị nạn ngay từ biên giới”.
Người Việt cũng lo âu Nhìn bên ngoài, cuộc sống của người Việt ở Đức vẫn bình thường, có vẻ chẳng bị chi phối bởi dòng người tị nạn đang ào ạt đổ đến Đức. Nhưng thực tế có rất nhiều người lo âu. Đầu tiên là chuyện việc làm. Rất đông người Việt Nam định cư ở Đức có những công việc liên quan đến lao động chân tay. Họ có thể đứng trước nguy cơ mất việc hoặc phải cạnh tranh gay gắt về việc làm. Anh Nguyễn Trường làm công việc rửa chén tại một nhà hàng châu Á ở Munich cho biết: “Chính phủ Đức không thể kham nổi lượng người tị nạn quá đông như thế và chắc chắn họ sẽ sớm đẩy người tị nạn ra thị trường lao động để giảm bớt gánh nặng. Công việc của tôi có mức lương 10 euro (khoảng 250.000 đồng)/giờ, ai cũng có thể làm được. Nếu một người khác xuất hiện và nói với bà chủ là “tôi có thể làm 9 euro hay 8,5 euro/giờ” thì bà ấy có thể đẩy tôi ra ngoài”. Chị Hồng Ánh sống ở thành phố nhỏ Regensburg, gần Munich thì có một âu lo khác, đó là trong tương lai tiền trợ cấp xã hội của chị sẽ bị giảm vì quỹ xã hội Đức có thể bị vỡ bởi gánh nặng người tị nạn. Chị Ánh nói: “Mức trợ cấp dành cho tôi khoảng 400 euro (10 triệu đồng)/tháng. Tuy nhiên, một số người nói với tôi nguồn trợ cấp này có thể bị giảm để chính phủ dồn tiền giải quyết cuộc khủng hoảng di cư”. |
>> Kỳ 1: Bên trong trại tị nạn
>> Kỳ 2: Những “túp lều khẩn cấp”
__________
Kỳ tới: Rào cản đầu tiên: tiếng Đức
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận