Chị Nguyễn Thị Lê trong một chuyến xe chở khách ở trung tâm TP Hà Nội - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Mỗi lần thấy ai gặp nạn trên đường là chị lao vào giúp chẳng quản đến hiểm nguy của bản thân.
Nữ "hiệp sĩ Grab"
Chồng mất sớm, chị Lê (42 tuổi, ngụ quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) trở thành trụ cột cho gia đình gần chục năm nay. Hằng ngày, chị phải dậy từ mờ sáng để kịp chuẩn bị cơm nước cho cả nhà rồi khoác bộ đồng phục Grab lao ra đường tất bật với cuộc mưu sinh.
Đều đặn ngày mưa cũng như ngày nắng, chị mở ứng dụng Grab từ sáng tới tối mịt. Ngày nào chị cũng trở về nhà khuya lắc, khi các con chị đã say sưa giấc ngủ.
Tôi hỏi chị chạy cả ngày vậy có mệt không? Chị cười hồn hậu nói: “Mình chạy xe ôm thì khách cần đi giờ nào mình phải chạy giờ đó. Đấy cũng là trách nhiệm nghề nghiệp mà bạn. Với cả mình chạy ban ngày thôi không đủ lo cho các con ăn học nên mình phải chạy thêm buổi khuya nữa bạn ạ!”.
Hơn hai năm chạy Grab, chị Lê được nhiều đồng nghiệp yêu mến gọi là “nữ hiệp sĩ”, bởi dù là thân phụ nữ nhưng mỗi ngày chị làm việc hơn 12 tiếng đồng hồ liên tục chẳng kêu ca. Có những ngày, đến 2h sáng chị vẫn còn lang thang đưa đón khách đường xa.
Không chỉ vậy, chị đối với mọi người xung quanh luôn ân cần, giúp đỡ. Đồng nghiệp, anh em nào trong đội nhóm gặp khó khăn gì chị đều nhiệt tình đến giúp.
Có người bị hỏng xe dọc đường gọi chị Lê là chị chạy đến đẩy ra tiệm sửa xe. Tài xế nào mới đi làm, không rành đường, chị Lê đều chỉ bảo cặn kẽ. Chị cũng luôn dặn dò đồng nghiệp phải luôn đi đúng luật, đảm bảo an toàn giao thông cho hành khách.
Trước đến giờ, chị cũng ra tay giúp rất nhiều người bị nạn trên đường. Lúc thì đẩy giúp xe máy hư hỏng giữa đường, khi thì đưa người bị nạn đi cấp cứu.
Nhiều đêm đang chờ khách trên đường, thấy người bị tai nạn giao thông, chị liền lao đến giúp đỡ đưa họ vào lề, gọi xe cấp cứu…
Chị Lê tâm niệm gặp người bị nạn mà không giúp, lỡ họ rủi ro đến tính mạng thì chị sẽ ân hận suốt đời.
“Có lần, mình gặp vụ tai nạn, nhiều người dân xúm lại nhưng chỉ đứng nhìn, không ai giúp. Lúc đó, mình liền đưa người bị thương đi cấp cứu luôn cho an tâm. Thế nhưng người nhà nạn nhân lại tưởng mình gây tai nạn suýt đánh đập mình. May mà nhờ có bác sĩ can ngăn và giải thích mình mới không bị đánh oan”, chị Lê kể lại.
“Người Hà Nội không lẫn vào đâu được”
Đó là lời nhận xét của nhiều đồng nghiệp và hành khách về chị Lê. Những ai từng gặp qua chị cũng khen chị khéo giữ gìn nét đẹp tính cách thanh lịch của người Tràng An.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về chị là một người phụ nữ ăn nói khéo léo và nhiệt tình "hết phần thiên hạ". Chị nói chuyện với người lạ mà một tiếng dạ, hai tiếng vâng rất lịch sự. Cả ngày hôm đó, cái sự chỉnh chu trong lời nói của một tài xế Grab như chị cứ khiến tôi nhớ mãi.
Dù mỗi ngày đều mệt nhoài với những chuyến xe ôm công nghệ, chị Lê vẫn luôn giữ gìn hình ảnh một người phụ nữ đảm đang, lo toan hết bao chuyện gia đình, con cái.
Chị khoe với tôi, cả ba cháu nhà chị đều ngoan ngoãn, học giỏi. “Con gái lớn mình nay đã đi du học ở Nga chuyên ngành quân sự. Cháu thứ hai thì đang theo học Học viện Báo chí và tuyên truyền, tương lai cũng sẽ là nhà báo đấy nhé. Còn đứa con trai nhỏ đang học phổ thông”.
“Dù cuộc mưu sinh vất vả, phía trước mấy mẹ con còn đối mặt nhiều khó khăn, chỉ cần các con ngoan thì mình sẽ luôn cố gắng.
Có những đêm đi làm về mệt nhoài, mình mở điện thoại ra thấy con gái nhắn tin chúc mẹ ngủ ngon. Cứ thế mọi mệt mỏi tan biến, mình lại tiếp tục làm việc để lo cho các con trở thành người có ích cho xã hội”, chị Lê thỏ thẻ.
Mỗi đêm, sau những cuốc Grab đường xa mệt nhọc, chị và vài ba người đồng nghiệp hẹn nhau đến một quán cà phê cóc để thư giãn. Cuộc cà phê bắt đầu muộn từ 21h - 22h đêm, họ ngồi quây quần bên ấm chè ấm tâm sự chuyện nghề, chuyện đời.
Hầu hết họ là những người tài xế có phận đời khó khăn, phải chạy xuyên đêm để đủ trang trải cuộc sống. Sau khoảnh khắc thư giãn ngắn ngủi, ai nấy lại lao vội ra đường khi kịp chạy thêm vài chuyến Grab khuya.
Nhấp mấy ngụm cà phê xong, chị Lê lại bật ứng dụng Grab lên để tiếp tục công việc. Màn hình chiếc điện thoại chợt sáng, chị quay sang từ giã đồng nghiệp" “Mình có khách rồi, mình đi trước nhé. Chúc cả nhà buổi tối làm việc chăm chỉ”.
Thế rồi người phụ nữ vội vã chạy lẫn vào màn đêm Hà Nội.
Hãy cùng "Chuyến xe văn minh" xây dựng văn hóa giao thông
Chương trình "Chuyến xe văn minh" do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng các sở ngành TP.HCM phát động và sự đồng hành của Grab Việt Nam với mong muốn chia sẻ, lan truyền rộng rãi những câu chuyện đẹp góp phần xây dựng văn hóa giao thông.
Để lan tỏa các hành động đẹp, ứng xử văn minh trong giao thông, chương trình "Chuyến xe văn minh" mời bạn truy cập website: http://chuyenxevanminh.tuoitre.vn hoặc gửi bài vở qua email: chuyenxevanminh@tuoitre.com.vn .
Ban tổ chức sẽ có những phần quà ý nghĩa dành cho những tác giả có câu chuyện thú vị, xúc động, góp phần thiết thực xây dựng nếp sống văn minh khi tham gia giao thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận