25/10/2021 19:00 GMT+7

Nữ tài xế Gojek: Từ người mù đường, giờ đi đâu cũng không sợ

CHÂU TUẤN - THU DUNG
CHÂU TUẤN - THU DUNG

9h tối, tôi đặt đồ ăn của một quán ở TP Thủ Đức, ứng dụng thông báo người nhận đơn là một tài xế nữ. Trong lòng tôi có chút e ngại vì nhìn quãng đường giao hàng khá xa mà tài xế nữ thì không biết có tìm được đường trong hẻm tối không.

Nữ tài xế Gojek: Từ người mù đường, giờ đi đâu cũng không sợ - Ảnh 1.

Nữ tài xế Nguyễn Thị Cương đã có hơn 3 năm làm đối tác tài xế Gojek, từ người "mù đường", giờ đi đâu cũng không sợ - Ảnh: CHÂU TUẤN

Chừng 20 phút sau, chị Nguyễn Thị Cương, người nhận đơn hàng của tôi, với dáng người nhỏ bé, nước da ngăm đen, tác phong nhanh nhẹn mang phần đồ ăn còn nóng hổi đến cho tôi.

"Ai đời nào mà con gái lại đi chạy xe ôm"

Biết tính chị Nguyễn Thị Cương (30 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) thích đi đây đi đó, một vài người quen đã giới thiệu cho chị công việc chạy xe công nghệ để kiếm thêm thu nhập. Đến với Gojek từ những ngày đầu, đến nay, chị Cương đã có hơn 3 năm gắn bó với công việc này.

Thời gian đầu, chị Cương gặp nhiều khó khăn khi khách hàng cứ liên tục hủy đơn vì thấy tài xế là nữ. Có những lần vừa chạy tới điểm đón, khách thấy chị là nữ liền lập tức hủy đơn, bỏ đi vào nhà. Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh chị Cương vẫn chăm chỉ mở app, đợi có đơn hàng là lập tức đi ngay. Dần dần, khách hàng nhìn thấy chị có nhiều đánh giá 5 sao trên ứng dụng thì cũng yên tâm đi xe của chị, ai cũng nói chị chạy rất an toàn, cẩn thận và chu đáo.

Chị kể, ngày trước chị sống với ba mẹ ở TP Thủ Đức, ít khi đi đâu, hằng ngày chỉ quanh quẩn chăm sóc ba mẹ trong nhà. Có lẽ vì vậy chị thụ động và không rành đường lắm, từ TP Thủ Đức vào trung tâm TP chị bị lạc đường là chuyện bình thường. Bước chân vào nghề tài xế, chị cứ lo chở khách đi nhầm đường, vậy rồi chị cứ mở ứng dụng lên chạy theo hướng dẫn. Bây giờ đường nào ở TP.HCM chị cũng rành, còn biết đường nào không kẹt xe để mà né.

"Hồi mới vào nghề, tính mình khá nhút nhát. Mình được như ngày hôm nay là nhờ hội anh em tài xế. Thấy mình chưa thành thạo đường sá, họ nhiệt tình chỉ bảo. Sau này, mình đem tất cả những gì được dạy chỉ lại cho những bạn tài xế mới vào nghề" - ánh mắt của chị Cương tràn đầy niềm vui khi nhắc về những người đồng nghiệp của mình.

Nữ tài xế Gojek: Từ người mù đường, giờ đi đâu cũng không sợ - Ảnh 2.

Vào thời gian rảnh chị Cương phụ giúp ba hàn, sơn kệ để giao cho các tiệm hoa - Ảnh: CHÂU TUẤN

Thấy con gái dãi nắng dầm mưa vất vả cả ngày ngoài đường, ba mẹ của chị Cương rất lo lắng. Ba mẹ từng nói với chị: "Ai đời nào mà con gái lại đi chạy xe ôm". Có những thời điểm cận tết, chị Cương chạy xuyên đêm, ba mẹ ở nhà thao thức, chờ cửa trông chị về.

Ba mẹ chị Cương chỉ yên tâm hơn khi thấy chị Cương luôn cảm thấy vui và tự hào về công việc. Chị kể, anh em đồng nghiệp tài xế rất quan tâm, giúp đỡ chị. Chị hay gặp được những khách hàng dễ mến, những người đồng nghiệp luôn sẵn lòng giúp đỡ, yêu thương chị, và chị luôn cảm nhận được sự gắn kết với cộng đồng này

"Khi nào công ty đóng cửa thì mình mới nghỉ làm"

Trong công việc, chị Cương gặp không ít những tình huống dở khóc dở cười. Có lần, khi đến điểm đón, chị mới biết khách nam của mình đang trong tình trạng say xỉn. Thấy người ta năn nỉ quá, chị cũng ráng chở khách về nhà. Để đảm bảo an toàn cho bản thân, trên đường đi chị liên tục yêu cầu khách hàng phải ngồi cách xa mình và vịn thật chắc vào yên xe để không bị ngã.

Lần khác, chị gặp một khách nữ khó tính, vừa thấy chị đến thì không muốn lên xe, cứ chần chừ mãi. Một khách, một tài xế đứng đó đợi nhau. 

"Tôi hỏi ra mới biết chị nghĩ nữ tài xế chạy không an toàn, muốn hủy cuốc xe. Tôi liền nói chị ấy cứ thử tin tưởng lên xe tôi đưa chị ấy đi thử đảm bảo an toàn. Vậy mà sau cuốc đó lại được đánh giá 5 sao kèm lời khen", chị Cương kể.

Với chị Cương và rất nhiều tài xế khác, công việc chạy xe công nghệ này là nguồn thu nhập chính của gia đình. Dịch COVID-19 ập tới, bất kể ngành nghề nào cũng bị ảnh hưởng, tài xế xe công nghệ cũng không phải ngoại lệ. Thời điểm dịch bùng mạnh, chị nghỉ hẳn ở nhà phụ giúp ba hàn, sơn kệ để giao cho các tiệm hoa trong căn nhà thuê nhỏ.

Chị Cương xúc động: "Ba mẹ già, lại có bệnh nền nên mình hạn chế chạy xe. Một số anh em đồng nghiệp khác khi dịch bùng họ vẫn cố gắng chạy, phần vì thu nhập, phần vì muốn hỗ trợ mọi người. Anh em trong cộng đồng cũng cố gắng mỗi người góp một chút hỗ trợ các anh em gặp khó khăn".

Nữ tài xế Gojek: Từ người mù đường, giờ đi đâu cũng không sợ - Ảnh 3.

Mong muốn được gắn bó với công việc với các chính sách đãi ngộ tốt - Ảnh: CHÂU TUẤN

Vất vả nhưng chị Cương luôn trân quý công việc này, nhờ có cái nghề này mà chị Cương có một thu nhập ổn định, đỡ đần phụ giúp được cho gia đình. Bên cạnh đó, chị cho biết, chính sách bảo hiểm của công ty rất tốt, tạo tâm lý yên tâm cho chị khi làm việc. 

"Hơn nữa, bất kỳ khi nào đối tác tài xế nhận một cuốc xe mà cảm thấy không an toàn, báo lên trên, phía công ty đều hỗ trợ hết mình", chị cho biết thêm.

Khi được hỏi sẽ tiếp tục công việc này đến bao giờ, chị Cương không ngần ngại đáp: "Khi nào công ty đóng cửa thì mình mới nghỉ làm. Mình muốn gắn bó với công việc này cùng anh em đồng nghiệp lâu dài. Ở Gojek, mọi người đều sống rất tình nghĩa và gắn bó với nhau. Thời này là thời 4.0 rồi, phụ nữ như mình phải được là chính mình và được làm những gì mình yêu thích. Việc gì đàn ông làm được, phụ nữ như mình cũng làm được!".

Con chưa dứt sữa, nữ tài xế Gojek rong ruổi chạy xe kiếm tiền nuôi con Con chưa dứt sữa, nữ tài xế Gojek rong ruổi chạy xe kiếm tiền nuôi con

33 tuổi đã là mẹ của 4 đứa con, chị Ly chạy xe Gojek bất kể ngày đêm để kiếm tiền nuôi con. Chị quan niệm phụ nữ cần độc lập về kinh tế, không nên phụ thuộc chồng.

CHÂU TUẤN - THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên