Bữa cơm trưa đạm bạc, ấm cúng của hai mẹ con bà Bé - Ảnh: A LỘC
Cha mất sớm, mẹ bị bệnh hiểm nghèo, cả nhà sống bằng nguồn thu nhập duy nhất là tiền lương giáo viên của bà Phạm Thị Bé - mẹ Mai Anh.
Con học thì mẹ gắng nuôi
12h, bà Bé dọn cơm trưa đợi con gái về. Bữa ăn tương đối đạm bạc với canh cải và cá chiên. Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ nhưng sạch sẽ, chiếc ti vi dày cộp đặt giữa phòng khách là tài sản giá trị nhất. Chồng bà Bé mất năm 2007 vì tai nạn giao thông. Khi đó con trai lớn 8 tuổi, còn Mai Anh hơn 3 tuổi.
Để bù đắp sự thiếu hụt tình thương của cha, bà Bé càng chăm chút, quan tâm 2 con hơn. Đồng lương giáo viên bà đều để dành nuôi con ăn học. Bà luôn quan niệm và nói với các con rằng "con học thì mẹ gắng nuôi, không để con đói".
Cả hai con đều rất chăm học, đạt nhiều thành tích nổi bật của tỉnh và huyện. "Cuộc đời tôi nhiều vất vả nhưng có chút may mắn là 2 đứa đều học được", bà Bé tự hào nói.
Năm 2018, con trai đầu đậu lớp chất lượng cao, khoa công nghệ sinh học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). Đến cuối tháng 7-2018, bà Bé đi khám và phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo, phải điều trị hơn 2 tháng tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Sau giờ học Mai Anh thường xuyên phụ giúp mẹ làm việc nhà - Ảnh: A LỘC
Sau đợt điều trị dài ngày, sức khoẻ của bà Bé đã giảm sút nghiêm trọng. Bà phải vay mượn nhiều nơi mới đủ tiền đóng học phí năm nhất cho con trai. Còn sang năm 2 "lại tính tiếp". Mai Anh vẫn tiếp tục mượn sách để học và đến trường với bộ đồng phục cũ. "Tôi chưa thấy trường thông báo học phí của Mai Anh, nhưng thực sự tôi cũng chưa có tiền", bà Bé cười nói.
Sẽ học lên đại học
Thấu hiểu nỗi cơ cực của mẹ, từ nhỏ Mai Anh đã tự giác phụ làm mọi việc trong nhà. Ngoài giờ học, Mai Anh còn tranh thủ rao bán hàng trên mạng cho bạn bè, hàng xóm xung quanh để kiếm tiền phụ mẹ.
"Em không có vốn, chỉ làm cộng tác viên cho người ta thôi. Ai đặt thì em lấy hàng mang đi giao. Trước em bán quần áo, giờ em bán tinh dầu bưởi cho mấy bạn trong trường và các chị ở xung quanh đây", Mai Anh giải thích.
Kỳ nghỉ hè vừa rồi, trong khi bạn bè vui vẻ nghỉ ngơi sau một năm học căng thẳng thì Mai Anh một mình bắt xe lên nhà chị họ ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) phụ bán quán. Tiền công kiếm được, Mai Anh đưa hết cho mẹ giữ.
Chia sẻ về dự định, Mai Anh cho biết: "Em sẽ cố gắng học lên đại học để sau khi ra trường có việc làm phụ giúp phần nào cho mẹ, giúp mẹ chữa bệnh. Em thích học quản trị kinh doanh, em có tìm hiểu sơ sơ trên mạng rồi. Lên đó em sẽ kiếm việc làm thêm như anh trai để trang trải chi phí cuộc sống".
Thầy Phạm Thanh Đông - phó hiệu trưởng Trường THPT Phú Ngọc, cho biết gia đình Mai Anh có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng em rất ngoan, luôn năng nổ tham gia các hoạt động phong trào của đoàn trường phát động. Đặc biệt, Mai Anh có ý chí vươn lên trong học tập, nhiều năm liền là học sinh giỏi của trường, được thầy cô và bạn bè quý mến.
"Tôi mong báo Tuổi Trẻ và các mạnh thường quân quan tâm, hỗ trợ em Mai Anh một suất học bổng để em vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt, từng bước biến ước mơ thành sự thật, sau này ra trường có việc làm ổn định", thầy Đông nói.
Trao 65 suất học bổng "Chắp cánh ước mơ" 2019
Nhằm hỗ trợ kịp thời các học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và sinh viên vùng Đông Nam Bộ có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến lớp, báo Tuổi Trẻ, Tỉnh đoàn Đồng Nai và Tổng công ty Tín Nghĩa cùng phối hợp tổ chức trao 65 suất học bổng Chắp cánh ước mơ 2019.
Tổng công ty Tín Nghĩa sẽ tài trợ 500 triệu đồng trao 65 suất học bổng cho học sinh - sinh viên thuộc địa bàn 7 tỉnh thành Đông Nam Bộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Trong đó, TP.HCM, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận có 30 học bổng dành cho sinh viên năm 1, năm 2 (mỗi tỉnh thành 5 học bổng).
Riêng tỉnh Đồng Nai có 30 học bổng cho học sinh và 5 học bổng cho sinh viên. Mỗi học bổng cho học sinh là 5 triệu đồng, sinh viên là 10 triệu đồng. Lễ trao học bổng Chắp cánh ước mơ 2019 sẽ tổ chức tại Trường Đại học Đồng Nai vào ngày 25-9-2019.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận